Cảnh báo rạn san hô bị tẩy trắng hàng loạt
Cảnh báo rạn san hô bị tẩy trắng hàng loạt |
San hô là một tổ hợp gồm nhiều sinh vật biển nhỏ bé khác nhau, có màu sắc sặc sỡ. Khi bị căng thẳng do tác động từ môi trường xung quanh, san hô sẽ chuyển màu trắng, đây cũng là sự báo hiệu cho “cái chết” của chúng.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu, khiến nhiệt độ đại dương tăng cao, là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt, kéo dài từ bờ biển Panama đến Úc.
Theo các nhà khoa học, san hô là một trong những sinh vật dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Các hệ sinh thái dưới biển, cung cấp sự sống cho khoảng 25% cuộc sống dưới đáy biển, có thể biến mất vào cuối thể kỷ này.
“Tẩy trắng san hô hàng loạt có thể là một thảm kịch cả về khía cạnh đa dạng sinh học và kinh tế. Điều này sẽ tàn phá một trong những hệ sinh thái giàu có nhất trên hành tinh xanh của chúng ta và ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người trên thế giới sống phụ thuộc vào nghề cá ven biển”, bà Leticia Carvalho, Trưởng ban Nước ngọt và Biển của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nói.
Khủng hoảng mất san hô
San hô có trên khắp các đại dương, từ vùng nước êm dịu của Biển Đỏ đến vùng sâu lạnh giá của Bắc Đại Tây Dương. Trong đó, loài san hô được quan sát và biết đến nhiều nhất là loài sống ở vùng nước nông, ấm áp thuộc các vùng biển nhiệt đới.
Ở lõi san hô có một polyp, một sinh vật hình ống trong suốt có một vòng xúc tu dùng để bắt con mồi. Một số loài san hô được bao quanh bởi bộ xương đá vôi, tạo thành bởi canxi hấp thụ từ nước biển. Màu sắc đa dạng của san hô là do hàng ngàn sinh vật giống thực vật được gọi là Zooxanthellae sống bên trong và cung cấp thức ăn cho chúng. Mối quan hệ cộng sinh này là nền tảng cho hệ sinh thái rạn san hô trên khắp thế giới.
Dù có lớp vỏ ngoài cứng nhưng san hô lại là sinh vật vô cùng nhạy cảm. Khi nhiệt độ nước tăng lên, chúng sẽ gặp căng thẳng và có phản ứng đào thải Zooxanthellae, khiến chúng yếu hơn và chết đói.
Đây là lý do vì sao các nhà khoa học bày tỏ nỗi lo về đợt nắng nóng kéo dài trong thời gian qua. Từ đầu năm 2023, nhiệt độ nước ở một vài nơi đã tăng lên khoảng 5 độ C.Trong tháng 2/2024, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu đã vượt mốc 21 độ C, một mức cao kỷ lục mới. Vài tuần sau đó, quần thể san hô nổi tiếng thế giới, Rạn san hô Great Barrier đã phải hứng chịu sức nóng chưa từng thấy.
Theo các nhà nghiên cứu, tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino đang khiến nhiệt độ nước biển tăng với tốc độ kỷ lục.
Được ví như một đợt cháy rừng diện rộng, mức nhiệt tăng ở đại dương cũng gây ra sức tàn phá tương tự đối với san hô. Từ tháng 2/2023 đến tháng 4/2024, hiện tượng tẩy trắng san hô đã được ghi nhận tại 53 quốc gia. Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ cho biết, con số đó hiện đã tăng lên 62 quốc gia.
Theo báo cáo của chính phủ Úc, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng tẩy trắng san hô là Rạn san hô Great Barrier, với tỷ lệ tẩy trắng lên tới gần 80%. Các nghiên cứu cảnh báo tình trạng tương tự đang diễn ra ở Biển Caribe, Nam Đại Tây Dương, Biển Đỏ, Vịnh Mexico, Tây Ấn Độ Dương và vùng biển Đông Á.
Theo đó, các nhà nghiên cứu tin rằng hiện tượng tẩy trắng đang tiếp tục gia tăng và có thể sớm trở thành một hiện tượng phổ biến.
Trên thực tế, hiện tượng tẩy trắng không phải lúc nào cũng khiến san hô chết. Nếu nhiệt độ nước giảm đủ nhanh thì san hô vẫn có thể phục hồi. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là hiện tượng tẩy trắng san hô đang kéo dài lâu hơn và xảy ra với mật độ cao hơn. Đợt tẩy trắng san hô nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận trong thời gian từ năm 2014-2017, làm mất khoảng 9% san hô trên thế giới.
Cần hành động dứt khoát
Hiện tượng tẩy trắng hàng loạt đã cho thấy một xu hướng rõ ràng: Các rạn san hô đang biến mất. Theo một nghiên cứu năm 2020 của Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu, từ năm 2009-2018, thế giới đã mất 14% rạn san hô.
Hiện chưa rõ mức độ nghiêm trọng của hiện tượng tẩy trắng san hô năm nay. Tuy nhiên, tình trạng mất san hô diện rộng sẽ gây ra tác động sâu rộng đối với cả các sinh vật biển và con người. Trong bối cảnh hiện tại, thế giới tiếp tục thải ra lượng lớn khí nhà kính, nhiệt độ trung bình của hành tinh đã tăng lên khoảng 1,2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Phần lức mức nhiệt này được hấp thụ vào đại dương. Trong những năm gần đây, 4 chỉ số chính về biến đổi khí hậu bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dân, nhiệt độ đại dương và axit hoá đại dương, đã liên tiếp đạt mốc kỷ lục mới.
UNEP cảnh báo, ngay cả khi thế giới nỗ lực đạt mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng trong ngưỡng 1,5 độ C theo Thoả thuận Paris, vẫn có tới khoảng 70-90% san hô có nguy cơ bị chết. Nếu mức nhiệt trung bình tăng khoảng 2 độ C, tỷ lệ này sẽ tăng lên 99%.
Tại các vùng nước ngoài khơi bờ biển Úc, Ai Cập, Indonesia, Kenya, Malaysia, Ả Rập Xê-ut, Tanzania, một số nơi có dòng nước lạnh dân lên từ phía sâu đại dương đang giúp san hô chống chọi với cái nóng từ biến đổi khí hậu. Trong khi đó, ở những khu vực khác, san hô cũng đang có khả năng chịu nhiệt cao hơn.
Hiện tại, các nhà khoa học đang cố gắng bảo vệ “nơi trú ẩn” của san hô khỏi những tác nhân gây căng thẳng như ô nhiễm môi trường, nạn đánh bắt quá mức và sự phát triển không bền vững ở khu vực ven biển. Các nhà khoa học kỳ vọng, những nỗ lực này sẽ đem lại cho san hô cơ hội sống sót cao nhất trước biến đổi khí hậu.
Trong những năm gần đây, chính phủ và các tổ chức quốc tế đã tăng cường nỗ lực bảo vệ san hô. Quỹ Toàn cầu về Rạn san hô đang hướng tới mục tiêu huy động và tận dụng nguồn tài chính lên tới 3 tỷ USD để hỗ trợ các dự án bảo vệ các thành phố dưới nước này. Quỹ này là sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân, được thiết kế để hỗ trợ nỗ lực toàn cầu rộng lớn hơn nhằm bảo vệ đa dạng sinh học đồng thời giúp các cộng đồng ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu. Quỹ này do UNEP và chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ireland đồng chủ trì.
Trong khi đó, 45 quốc gia, nơi có hầu hết san hô trên thế giới, đã ký cam kết bảo vệ 125.000 km2 rạn san hô, một nỗ lực được gọi là Đột phá rạn san hô. Sự thúc đẩy này dự kiến sẽ bao gồm ít nhất 12 tỷ USD đầu tư.
Tuy nhiên, để cứu san hô, thế giới phải thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trong khi hạn chế các mối đe dọa địa phương đối với các rạn san hô.
Trong khi đó, hiểu biết của nhân loại về đại dương còn rất hạn chế. Con người chỉ mới khám phá được khoảng 20% độ sâu của đại dương. Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên hợp quốc, kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030, đã được xây dựng để giúp con người khám phá và bù đắp lỗ hổng kiến thức về đại dương. Theo bà Carvalho, các nghiên cứu này sẽ hỗ trợ việc đưa ra quyết định về cách bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đại dương.
“Tương lai của các rạn san hô thật đáng lo ngại. Nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi xu hướng này. Chúng ta vẫn còn thời gian để bảo vệ nhiều hệ sinh thái đại dương nếu chúng ta có các hành động dứt khoát và ngay lập tức”, bà Carvallo nhấn mạnh.