Cát Tiên – Lâm Đồng xây dựng, phát triển và hội nhập
Đang bộ, Chính quyền và Nhân dân, huyện Cát Tiên đã phát huy vai trò truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, đổi mới |
Cát Tiên là huyện nằm về phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, được thành lập trên cơ sở được tách ra từ huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Tổ chức bộ máy của huyện đi vào hoạt động chính thức từ ngày 1/1/1987, có diện tích tự nhiên 42.694 ha, dân số toàn huyện khoảng 35.721 người, với 21 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn.
Huyện Cát Tiên cũng là vùng đệm chiến Khu Đ anh hùng, hậu cứ của Khu 10, Khu 6, nằm trên hành lang giao liên Đông - Tây và Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mạ và S’Tiêng đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Sau khi đất nước thống nhất, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, dân cư từ nhiều tỉnh thành trong cả nước như Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Kạn… đã đến Cát Tiên lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên chia sẻ: Trải qua 8 kỳ đại hội, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với niềm tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, và sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các địa phương trong, ngoài tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực phấn đấu, từng bước vươn lên và có được những thành quả đáng tự hào.
Cát Tiên được biết đến là một vùng trọng điểm trồng lúa của tỉnh |
Đặc biệt, đến hết năm 2022, tổng giá trị sản xuất (GO, giá so sánh năm 2010) của huyện Cát Tiên đã tăng 8,18%; trong đó các ngành nông, lâm, thủy tăng 4,52%, các ngành công nghiệp - xây dựng tăng 11,05%, các ngành dịch vụ tăng 10,15%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 64 tỷ đồng, vượt gần 48% kế hoạch tỉnh, huyện và tăng hơn 37% so với cùng kỳ; trong đó thu từ thuế, phí đạt hơn 45,4 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,33%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 7,46%, hiện toàn huyện chỉ còn 3,73% tỷ lệ hộ nghèo. Duy trì 30/33 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có thêm 1 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 trên địa bàn huyện là 3 trường. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt gần 95%.
Bên cạnh đó, các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" trên địa bàn huyện Cát Tiên đã đạt kết quả thiết thực. Năm 2022 huyện Cát Tiên có 95% gia đình văn hóa; 100% thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; đến nay trên địa bàn huyện có 12 khu dân cư kiểu mẫu, 32 khu dân cư tiêu biểu. Duy trì 100% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, duy trì 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó dự kiến có thêm một xã đạt xã nông thôn mới nâng cao.
Vườn cây trái sum suê trĩu quả của người dân làm kinh tế giởi ở xã Quảng Ngãi |
Đồng thời, trong năm 2022, huyện Cát Tiên tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm tổ chức; tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội gắn với thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và các đối tượng khác nhân dịp lễ, Tết; làm tốt công tác an sinh xã hội; trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục giữ vững ổn định.
Không chỉ có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Cát Tiên còn có tiềm năng để phát triển du lịch.
Huyện Cát Tiên còn được biết đến là một vùng trọng điểm lúa của tỉnh, một địa phương giàu truyền thống cách mạng, con người nơi đây hiền lành, chịu thương, chịu khó và rất hiếu khách. Nơi đây hội tụ 18 dân tộc anh em sinh sống, mỗi địa phương, mỗi vùng miền có những sắc thái văn hóa riêng đã tạo cho Cát Tiên có những nét văn hóa đa dạng và phong phú. Cùng với đó, Cát Tiên cũng được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái, cảnh quan có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch.
Thác Đạ Rông xã Đồng Nai Thượng, Cát Tiên, Lâm Đồng với nét đẹp hoang sơ |
Dựa trên các tiềm năng du lịch hiện có, huyện Cát Tiên đã định hướng khai thác các mô hình du lịch trọng tâm tại địa phương như: Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, giúp du khách có trải nghiệm chân thực về giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch tại một địa phương. Đồng thời, thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan như cộng đồng dân cư địa phương (người dân, chính quyền...), các công ty du lịch, khách du lịch.
Thông qua hoạt động này, du khách sẽ được tham gia các hoạt động du lịch sinh thái gắn với trồng rừng, giáo dục môi trường, tham quan rừng nguyên sinh, du thuyền trên sông Đồng Nai ngắm cảnh; đi bộ tham quan rừng với sự hướng dẫn của người dân địa phương, ngủ qua đêm tại một số bản người Mạ (Làng văn hóa Buôn Go - thị trấn Cát Tiên), S’Tiêng, thưởng thức các món ăn địa phương; tìm hiểu các hoạt động văn hóa, kiến trúc, đời sống người bản địa; đi bộ hoặc đạp xe đạp qua các bản làng, thăm và khám phá những nét có một không hai trong văn hóa của người bản địa tại các khu vực của Vườn Quốc gia Cát Tiên - khu sinh quyển thế giới, khu bảo tồn thiên nhiên Cát Lộc với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm. Tham quan ngắm cảnh hệ thống các đảo trên hồ Đắc Lô, thác Đạ Rông xã Đồng Nai Thượng, Hang Thoát Y với nhiều huyền bí và hồ Đạ Sỵ…
Bên cạnh đó, mô hình du lịch nghiên cứu, học tập tại Vườn Quốc gia Cát Tiên - một khu vực được đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học, nơi bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm. Chính tiềm năng này là điểm thu hút những nhà nghiên cứu, các đoàn du khách, nhất là các em học sinh đến tham quan và học tập, nghiên cứu khoa học, kết hợp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường du lịch cho du khách lẫn cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Các hòn đảo trên hồ Đạ Sị, một điểm đến du lịch nhiều hứa hẹn tại huyện Cát Tiên |
Ngoài ra, mô hình du lịch nghiên cứu văn hóa, lịch sử tại Khu di tích khảo cổ Cát Tiên đã được Nhà nước xếp hạng, còn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa được lý giải cụ thể; các giá trị văn hóa, lễ hội, đời sống cộng đồng, các phong tục tập quán như: tục tìm đất cất nhà và trồng trọt của người Mạ; lễ bỏ mả của các dân tộc Tây Nguyên; ngôi nhà Gươl của người Cơ Tu; phong tục hôn nhân dân của tộc Chơ Ro, S’Tiêng; phong tục xây nhà mồ, các nét đẹp về văn hóa cồng chiêng, các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, quy trình sản xuất rượu cần, cơm lam, dệt thổ cẩm, rèn, đan lát của dân tộc Mạ, S’Tiêng. Du lịch nghiên cứu lịch sử gắn với giáo dục truyền thống cách mạng tại căn cứ kháng chiến Khu ủy Khu VI…
Cùng với đó, mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn với đời sống người dân nông thôn, cảnh quan, không gian nông thôn, các sản vật nông nghiệp lúa nước, cây thuốc, chăn nuôi, phương pháp canh tác. Đặc biệt, phát triển, xây dựng thương hiệu gạo Cát Tiên, cá lăng Cát Tiên và sản phẩm Diệp Hạ Châu; thực hành trải nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch để sản xuất ra gạo Cát Tiên hoặc cây thuốc,... cũng được huyện Cát Tiên nhắm đến.
Với những kết quả khá nổi bật như trên, ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 693/QĐ-TTg công nhận huyện Cát Tiên đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Đến ngày 19/10/2022 Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 1185/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (lần 2) cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cát Tiên đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào của toàn thể Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện nhà, là sự kiện đặc biệt quan trọng, là mốc son đánh dấu quá trình phát triển huyện, là tiền đề và là động lực quan trọng để huyện Cát Tiên tiếp tục phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới kiễu mẫu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ thêm: Với những thành tựu và kinh nghiệm sau hơn 35 năm hình thành và phát triển của huyện Cát Tiên, nhất là kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội VII, qua hơn 2 năm triển khai Nghị quyết Đại hội VIII, nhiệm kỳ 2020-2025 – đây sẽ là tiền đề quan trọng, cơ sở vững chắc cho huyện Cát Tiên phát triển trong giai đoạn mới. Với quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết nhất trí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong huyện phát huy những thành tựu đạt được trong những nhiệm kỳ qua, vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, lãnh đạo xây dựng huyện Cát Tiên hoàn thành tiệm cận các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tạo điều kiện xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về môi trường trong giai đoạn 2025-2030; phấn đấu đưa huyện Cát Tiên ngày càng phát triển và hội nhập.