Cây baobab - loài cây kỳ lạ nhất trên Trái đất
Cây baobab - Top 10 Cây Kỳ Lạ Nhất Trên Thế Giới |
Những điều kỳ lạ về cây baobab đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra:
Xuất hiện trên Trái đất trước khi có con người
Cây baobab hùng vĩ (tên khoa học là Adansonia Digitata) - biểu tượng của lục địa châu Phi - là một kỳ quan thực vật trông giống như một cái cây lộn ngược, luôn có mặt trong danh sách những loài cây tráng lệ, hữu ích nhất thế giới.
Baobab được xác định có 8 loài, tất cả đều thuộc chi Adansonia. 6 loài trong số đó mọc ở đảo Madagascar ở Ấn Độ Dương, 1 loài tìm thấy ở phần lớn ở châu Phi và 1 loài “lưu lạc” tới tận Australia.
Các nhà khoa học xác định baobab đã có mặt trên Trái đất cách đây từ hơn 200 triệu năm, cùng thời với khủng long và trước khi loài người xuất hiện.
Sống tới hàng nghìn năm
Bằng phương pháp carbon phóng xạ, các nhà khoa học đã xác định được niên đại của baobap, cho thấy chúng có thể sống tới 3.000 năm.
Cây baobab lâu đời nhất được biết đến là cây bao báp Panke ở Zimbabwe, ước tính 2.450 năm tuổi khi bị đổ vào năm 2010.
Kích thước lớn kỷ lục
Baobap thường có chiều cao từ 5-25 mét (ngoại lệ tới 30 mét), chu vi gốc cây là 22-35 mét, (ngoại lệ có cây lên tới 50m).
Loài baobab lớn nhất là baobab châu Phi (Adansonia Digitata). Theo Sách kỷ lục Guinness, cây bao báp còn sống lớn nhất là Cây lớn Sagole ở Nam Phi. Nó có diện tích khổng lồ là 60,6 mét vuông ở chân đế, có chiều cao 19,8m và khối lượng khô trên mặt đất ước tính là 54 tấn.
Ở Nam Phi có một số cây baobab lớn đến nỗi chúng được sử dụng làm nhà tù, bưu điện và thậm chí là quán bar.
Cây Sự sống
Cây baobab là nguồn sống của cả con người và động vật hoang dã ở châu Phi. Trong tự nhiên, nó cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho nhiều loài, từ những loài côn trùng nhỏ nhất đến một số loài động vật lớn nhất như voi.
Còn đối với con người, tất cả mọi bộ phận của cây baobab, từ lá, quả, hạt, vỏ đến rễ cây đều được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Người châu Phi thường lột vỏ cây bao báp lấy những sợi bên trong về bện dây thừng, lưới đánh cá, se sợi để dệt quần áo và làm giấy. Dù bị cắt vỏ, nhưng baobab không chết bởi chúng có khả năng tái tạo vỏ cây.
Lá cây tươi của baobab được dùng như rau, còn lá khô là một vị thuốc chữa tiêu chảy, sốt.
Quả baobab siêu bổ dưỡng, là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và chất xơ tuyệt vời. Các nhà khoa học xác định nó chứa lượng vitamin C cao gấp 6 lần so với cam và lượng kali gấp 6 lần so với chuối, chứa nhiều canxi hơn 50% so với rau bina.
Cùi quả baobab tươi có thể làm mứt, ngâm nước làm đồ uống giải khát.
Đặc biệt, baobab là loại trái cây duy nhất trên thế giới khô tự nhiên trên cành tới 6 tháng mà không hề rụng hay hư hỏng. Điều này có nghĩa là trái cây khô chỉ cần được thu hoạch, bỏ hạt và lọc là đã có bột quả baobab nguyên chất thơm ngon, hoàn toàn tự nhiên.
Điều đáng kinh ngạc là loại bột trái cây này có thời hạn sử dụng tự nhiên là 3 năm mà không cần chất bảo quản hay chất phụ gia nào.
Bột baobab có thể dùng để trộn với cháo yến mạch, hay hòa với nước thành một thức uống giải khát cực kỳ dễ chịu.
Ngoài ra, hỗn hợp nước và bột quả này còn được dùng để điều trị căn bệnh sốt rét.
Trong khi đó, hạt của quả baobab được dùng làm chất tạo đặc cho các món súp, cũng có thể được lên men thành gia vị hay nướng ăn trực tiếp như lạc hoặc ép lấy dầu.
Các bộ phận khác của baobab cũng có thể được sử dụng để làm cao su, xà phòng và keo dán.
Làm đẹp da và tóc
Dầu ép từ hạt baobab từ lâu đã trở thành nguyên liệu phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da và tóc tự nhiên của phụ nữ châu Phi
Dầu hạt baobab có khả năng dưỡng ẩm rất tốt và chứa axit béo linoleic, linolenic và omega-3, giúp làm dịu da khô và bị kích ứng. Nó cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng một cách tự nhiên.
Nguồn cung cấp nước khi khô hạn
Là một loại cây mọng nước, một cây baobab có thể chứa 4.500 lít nước, tuy nhiên, lượng nước này được phân bố rải rác trong các mô của cây chứ không phải là một “thùng rỗng chứa nước” cung cấp nước cho du khách như nhiều người lầm tưởng.
Ở những nơi khô cằn, động vật có thể ăn vỏ cây baobab mọng nước để duy trì sự sống. Còn người dân địa phương sẽ khoét thêm những hốc trên thân cây để hứng nước mưa tích tụ trên những cành lá.
Baobab là bộ phận quan trọng của hệ sinh thái
Baobab đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của thảo nguyên khô châu Phi. Chúng giúp giữ ẩm cho đất, làm chậm quá trình xói mòn đất và tái chế các chất dinh dưỡng quan trọng.
Một cây bao báp to lớn có thể tự tạo nên hệ sinh thái riêng, hỗ trợ sự sống của nhiều loài sinh vật, từ những loài động vật có vú to lớn đến những con vật nhỏ bé.
Chim làm tổ trên những cành cây, khỉ đầu chó ăn trái cây bao báp, các loài côn trùng và dơi hút mật hoa, đồng thời thụ phấn giúp cho hoa, voi có thể với lấy những cành cây để ăn lá và vỏ cây để lấy độ ẩm khi thiếu nước.
Cây baobab ở Việt Nam
Tại Việt Nam cũng có những cây baobab, trong đó cây baobab lâu đời nhất hơn 100 năm tuổi ở phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Cây cao khoảng 40m, tán cây có dáng gần giống như chiếc dù với độ xòe rộng cỡ 60m, hoành thân 6,4m, hoành gốc 9m, nhiều vòng tay ôm không xuể.
Xuất xứ của cây được cho là do người Pháp mang sang Việt Nam trồng từ những năm 1860.
Tại Huế cũng phát hiện có những cây baobab, một trong số đó do do một kỹ sư nông nghiệp Việt Nam mang từ Pháp về trồng năm 1950. Những cây còn lại được cho là do các linh mục phương Tây mang sang trồng. Tuy nhiên hiện nay tại Cố đô chỉ còn 2 cây baobab còn sống với tuổi đời 70-80 năm tuổi.
Từ những cây baobab cổ thụ này, người ta đã tiến hành nhân giống, đồng thời nhập cây baobab từ châu Phi về trồng ở một số địa phương như Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội./.