Châu Á, từ đi đầu chống dịch thành “vô địch chậm trễ”
Một năm sau, trong hiệp hai này, mọi sự đều đảo ngược. Vào lúc virus corona dần bị đẩy lùi, châu Âu và Mỹ bắt đầu mở cửa, gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế, thì tại châu Á, các nước lần lượt lại đóng cửa, phong tỏa, áp đặt giãn cách xã hội, khiến các hoạt động kinh tế trì trệ trở lại.
Theo Bloomberg, nguyên nhân chính là do thiếu vaccine nên nhiều nước châu Á chậm trễ trong việc triển khai tiêm ngừa. Tỷ lệ người dân được tiêm chủng rất thấp, từ 1% đến trên 2%. Ví dụ tại Nhật Bản, tỷ lệ này chỉ ở mức có 2,3% trong khi ở Mỹ và châu Âu, số người dân đã được tiêm đầy đủ lần lượt là trên 50% và 30%.
Tính kỷ luật và sự gắn kết xã hội, cũng như việc chấp nhận các biện pháp giám sát chặt chẽ bằng các phương tiện công nghệ cao - những biện pháp từng làm nên thành công cho chiến lược “Covid Zero”, lần này đã không giúp các nước châu Á, kể cả những quốc gia từng được ví là hình mẫu như Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Singapore… kháng cự được với các biến thể, gây ra một làn sóng dịch bệnh dữ dội hiện nay.
Làm thế nào mà tình cảnh này lại có thể xảy ra ? Vì sao châu Á từ vị thế đi đầu chống dịch lại trở thành “vô địch chậm trễ”. Bloomberg đưa ra nhiều lý do để giải thích.
Đầu tiên, đó là vì châu Á đang trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình. Việc nỗ lực bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân trong những đợt dịch năm 2020 đã khiến nhiều nước gần như “ngủ quên trên chiến thắng”, thiếu động lực “ranh giành” nguồn cung cấp vaccine khan hiếm. Nhiều nước còn có thái độ thụ động chờ thời, lo sợ trước những rủi ro từ những loại vaccin mang tính cách mạng như Pfizer/BioNtech và Moderna, hay những hiệu ứng phụ từ AstraZeneca. Có thể nói, nỗi sợ vaccine của người dân châu Á còn lớn hơn cả sợ con virus corona, mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy mức độ an toàn của những loại vaccine đó là cao, một hiện tượng cũng đang làm chậm lại các chiến dịch tiêm ngừa ở phương Tây.
Tiếp đến là bản thân người dân châu Á, dường như thiếu cảm giác nhu cầu phải khẩn cấp tiêm ngừa như người dân ở Milano (Ý) hay New York (Mỹ), những nơi chứng kiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trong những tháng đầu tiên của trận dịch. Chỉ có điều nỗi sợ những rủi ro này buộc các chính phủ tại châu Á phải đứng trước nhiều tình huống khó xử: Tiếp tục các chính sách kiểm soát dịch bệnh không khoan nhượng, truy tầm mọi ca nhiễm bệnh cho đến khi loại bỏ hẳn virus corona hay là phải chấp nhận dịch Covid-19 như bao dịch bệnh khác và sẽ phải sống chung với chúng ở một mức độ lây nhiễm nào đó như là các nước phương Tây đang làm ?
Hãng tin Bloomberg lưu ý, một cách tiếp cận cứng nhắc có thể sẽ có gây ra những hệ quả đối với việc khôi phục nền kinh tế. Việc đóng rồi mở tạm thời kéo dài trong nhiều tháng sẽ là một chiến lược tốn kém, nhất là đối với nhiều trung tâm tài chính lớn như Singapore và Hồng Kông. Những nền kinh tế thịnh vượng được là nhờ vào các hoạt động giao thương và du lịch.
Một năm sau, tình hình hoàn toàn khác biệt. Đại dịch lùi lại hẳn ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng lại bùng lên khủng khiếp ở Ấn Độ, và nhiều nước Đông Nam Á cũng bị bùng dịch, kể cả Đài Loan hay Singapore vốn tưởng chừng đã thoát nạn.
Một điều hiển nhiên với thế giới: để ra khỏi khủng hoảng, quay lại với hoạt động bình thường của các Nhà nước, xã hội và nền kinh tế, phần lớn tùy thuộc vào tỉ lệ tiêm chủng. Trong khi châu Á-Thái Bình Dương rất trễ tràng so với châu Âu và Bắc Mỹ, vì nhiều lý do, trong đó lý do chính là nghĩ rằng đã khống chế được nguy cơ lây nhiễm, người châu Á thấy chẳng cần đến vaccine.
Nhiều chính phủ không hăng hái đặt mua vac-xin, nên nay phải chờ đợi các liều được cơ chế Covax của Liên Hiệp Quốc phân bố. Ấn Độ phải ngưng xuất khẩu vac-xin để lo cho tình hình trong nước, còn Trung Quốc dành phân nửa số lượng sản xuất ra cho “ngoại giao vaccine”.
Sự khác biệt này khiến việc di chuyển giữa các nước không thể trở lại bình thường, kìm hãm sự phục hồi hoạt động kinh tế. Trước mối đe dọa liên tục của các biến chủng virus mới, như biến chủng xuất hiện tại Ấn Độ, các nước đã thoát khỏi đại dịch nhưng không có chiến lược tiêm chủng hiệu quả buộc lòng phải kéo dài việc đóng cửa biên giới.
Le Monde cũng nhận thấy người dân châu Á tỏ ra lưỡng lự về việc tiêm chủng : theo điều tra của IPSOS vào tháng Giêng, chỉ có 14% người Hàn Quốc, 22% người Nhật Bản nói rằng sẵn sàng chích ngừa, so với người Mỹ là 53%.
Ngay cả những nước giàu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cũng bị ảnh hưởng nặng về kinh tế vì đóng biên giới, trong khi các nước tiêm chủng nhiều nhất như Israel, Mỹ chuẩn bị ra khỏi Covid. Trung Quốc là trường hợp đặc thù, với 546 triệu liều đã được chích gồm 7 loại vaccine nội địa – trong đó chỉ có một loại là Sinopharm được WHO công nhận – và chênh lệch vô cùng lớn giữa thủ đô và các tỉnh. Các nước nhỏ như Singapore và Mông Cổ tiêm chủng nhiều nhất.
Còn tại Nhật Bản, đợt dịch thứ tư ập đến khiến chính phủ phải kéo dài tình trạng khẩn cấp tại 9/47 vùng trong đó có Tokyo và Osaka. Chỉ mới có 6,4% dân Nhật được tiêm liều đầu tiên, tỉ lệ quá thấp này đe dọa Thế vận hội Tokyo ngày 23/07. Chính phủ đặt mục tiêu chích ngừa toàn bộ người trưởng thành trước cuối tháng Chín, một “thử thách chưa từng thấy”, theo thủ tướng Yoshihide Suga. Thủ tục cấp phép vaccine quá lâu của Nhật Bản và Hàn Quốc là một trong những lý do, bên cạnh đó là nhà sản xuất cung ứng chậm. Nhật lại còn thiếu nhân viên y tế và kim tiêm đúng chuẩn cho vaccine Covid.
Còn Đài Loan gặp một rắc rối khác. BioNTech, đối tác của Pfizer đã bán quyền khai thác thị trường Đài Loan cho tập đoàn Phục Tinh (Fosun) của Trung Quốc ở Thượng Hải, nơi liên doanh sản xuất vaccine, khiến việc mua vaccine trở nên phức tạp do sự thù địch giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Thái Lan thì trông cậy phần lớn vào AstraZeneca, sản xuất bởi một công ty của Crown Property Bureau, cơ quan quản lý tài sản của quốc vương nước này. Người dân vốn đã bất bình với hoàng gia, và họ cũng e sợ các rủi ro của vaccine này, một số công ty du lịch bèn tổ chức các tour đi Mỹ để chích ngừa trong các bệnh viện tư.
Tại Hồng Kông, người dân có thể chọn lựa giữa vaccine Sinovac Trung Quốc và BioNTech của Đức, nhưng họ do dự không muốn tiêm chủng khiến trữ lượng vaccine của đặc khu có nguy cơ hết hạn sử dụng trong vài tháng tới.
Hồng Kông là một trong những vùng đất hiếm hoi trên thế giới có số vaccine dự trữ cao quá mức cần thiết: đã đặt mua đến 7,5 triệu liều Sinovac và 7,5 triệu liều BioNTech (do Pfizer sản xuất và Phục Tinh phân phối), trong khi dân số chỉ có 7,5 triệu người. Nhưng đến nay chỉ có 12% đã chích đủ hai liều và 17% ít nhất một.
Trước cảnh các trung tâm tiêm chủng vắng vẻ, kể từ 28/05 công dân Hoa lục làm việc tại Hồng Kông và người tị nạn đều được tiêm chủng miễn phí. Trong khi người dân đặc khu hờ hững, người nước ngoài đổ xô đi tiêm. Nhiều sáng kiến khuyến khích tiêm vaccinr đã được khởi động: Một nghiệp đoàn loan báo cho nghỉ phép bốn ngày để đi chích ngừa, một đảng thân Trung Quốc tặng cho mỗi người đăng ký một phiếu mua hàng 2.000 đô la Hồng Kông (220 euro) và vé số có giải thưởng 5 triệu đô la. Tập đoàn địa ốc Chinese Estate Holdings cho xổ số với giải thưởng là 20 phiếu mua hàng trị giá 100.000 đô la Hồng Kông mỗi phiếu, và một căn hộ giá 10,8 triệu đô la Hồng Kông.
L.Đ