Chìa khóa giúp Nga cán đích trong cuộc đua vaccine
Nga ngày 11/8 khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ khi thông báo phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới, có tên là Sputnik V, giống tên vệ tinh đầu tiên của thế giới được Liên Xô phóng vào vũ trụ năm 1957. Loại vaccine mới do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga phát triển và được sản xuất tại nhà máy dược phẩm Binnopharm, với công suất dự kiến khoảng 1,5 triệu liều mỗi năm.
Loại vaccine ngừa Covid-19 của Nga do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya phát triển.
Giới chức hy vọng Sputnik V, được cấp phép chỉ sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người, sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang bị tổn hại nghiêm trọng vì đại dịch. Bước đột phá này cũng được kỳ vọng mở ra cánh cửa đưa thế giới thoát khỏi Covid-19, đại dịch khiến gần 21 triệu người nhiễm và hơn 751.000 người chết trên toàn cầu.
Bất chấp tuyên bố "chiến thắng" trong cuộc đua vaccine Covid-19 của Tổng thống Vladimir Putin, quan chức nhiều nước và chuyên gia y tế hoài nghi Nga đã "đốt cháy giai đoạn" để cán đích đầu tiên, đồng thời lo ngại về độ an toàn và hiệu quả của Sputnik V.
Phía Nga lập tức lên tiếng bảo vệ Sputnik V trước các mũi dùi chỉ trích. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 12/8 cho rằng những cáo buộc vaccine của Moskva không an toàn là "vô căn cứ" và mang động cơ cạnh tranh.
Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), khẳng định Moskva những năm gần đây đã nghiên cứu và phát triển vaccine Ebola và Hội chứng Suy hô hấp Trung Đông (MERS), giúp Nga có kinh nghiệm và nền tảng để phát triển vaccine ngừa nCoV. “Chúng tôi may mắn vì nCoV tương đối giống với MERS và chúng tôi đã sẵn sàng cho ra đời loại vaccine ngừa MERS sau hai năm nghiên cứu. Do đó chúng tôi đã chỉnh sửa nó một chút để trở thành vaccine ngừa Covid-19. Đây là câu chuyện thực tế, không phải chính trị. Nga luôn đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine", Dmitriev nói.
Trong cuộc trao đổi với Sputnik, Bryan MacDonald, nhà báo chuyên về Đông Âu và Nga của RT, cho rằng điểm khác nhau giữa Nga và phương Tây trong cuộc đua vaccine là hệ thống nghiên cứu của Moskva chủ yếu do nhà nước tài trợ và quản lý, chứ không phải tư nhân thực hiện.
MacDonald thêm rằng cách thức quản lý này là "di sản từ thời Liên Xô" và chính điều đó đã giúp Moskva vượt mặt Washington trong một số lĩnh vực như phòng thủ tên lửa, công nghệ vũ trụ..., dù Nga ít dân và GDP thấp hơn Mỹ.
"Người Nga nói rằng họ về cơ bản đã nghiên cứu vaccine từ 20 năm trước. Ví dụ khi dịch SARS bùng phát cách đây hơn một thập kỷ, người Nga lập tức bắt tay vào cuộc đua tìm kiếm vaccine, như Mỹ và Anh. Khi virus SARS biến mất, tôi chắc rằng các công ty tư nhân ở phương Tây sẽ ngừng phát triển vaccine, bởi họ không có lợi ích hay động cơ lợi nhuận nào khi không ai cần vaccine nữa. Nhưng Nga vẫn tiếp tục nghiên cứu về SARS", MacDonald giải thích.
Theo nhà báo này, kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về SARS và các loại virus tương tự giúp Nga có thể phát triển nhanh vaccine Covid-19.
Bộ Y tế Nga đã phê duyệt Sputnik V trước cả khi bắt đầu tiến hành bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô hàng nghìn người, được gọi là thử nghiệm giai đoạn ba và là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.
Nhiều nhà phê bình cho rằng việc Nga quyết thắng cuộc đua vaccine một phần do áp lực chính trị từ Điện Kremlin, khi họ muốn khẳng định năng lực khoa học toàn cầu của Nga. Trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển thành công vaccine Covid-19 được cho là còn giúp nâng cao uy tín của đất nước, tô đậm vị thế cường quốc.
Song Srijan Shukla, biên tập viên của The Print, cho rằng những người hiểu rõ lịch sử thử nghiệm thuốc cấp tiến của Nga sẽ không ngạc nhiên trước quá trình phát triển thần tốc này. Các nhà khoa học Nga và Liên Xô đã có truyền thống tự thử nghiệm vaccine, thậm chí thử trên chính con cái của họ.
Hồi đầu tháng 4, Alexander Ginzburg và 100 đồng nghiệp của ông đã tự tiêm vào cơ thể loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng, thậm chí trước khi thử nghiệm trên khỉ. Ginzburg, 68 tuổi, là nhà vi sinh học và giám đốc Viện Gamaleya, cơ sở chịu trách nhiệm phát triển vaccine. Ginzburg không quá lo lắng về rủi ro, đồng thời cho biết ông và đồng nghiệp vẫn khỏe mạnh sau nhiều tháng tiêm thử mũi đầu tiên.
Hành vi khoa học liều lĩnh này của Ginzburg thực ra bắt nguồn từ truyền thống tự thử nghiệm của nền y học Liên Xô. Các nhà nghiên cứu của Nga ngày nay đang dựa vào "lịch sử lâu dài về nghiên cứu vaccine và thử nghiệm lên chính cơ thể mình, bất chấp bị chế giễu là điên rồ", khi phát triển vaccine Covid-19, theo NYTimes.
Dù từng có rất nhiều người tự thử nghiệm thuốc như vậy, vợ chồng Marina Voroshilova và Mikhail Chumakov trở thành biểu tượng của ý tưởng này trong thời Liên Xô.
Những năm 1950, Chumakov là nhà sáng lập viện nghiên cứu bại liệt của Nga. Trong khi đó, tại Mỹ, tiến sĩ Albert Sabin đang phát triển vaccine với virus bại liệt sống. Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ chần chừ cho phép ông thử nghiệm với virus sống, khi vaccine bại liệt sử dụng virus bất hoạt đã có sẵn.
Năm 1955, Sabin gửi ba chủng virus cho đồng nghiệp ở Liên Xô là Chumakov. Năm 1959, Chumakov và Voroshilova đã thử nghiệm vaccine trên cơ thể họ, nhưng vì nó được dự định sử dụng cho trẻ em nên cần được thử nghiệm trên các em nhỏ. Vợ chồng Chumakov đã quyết định thử nghiệm vaccine với ba con trai của họ cùng một số cháu gái, cháu trai, khi cho chúng ăn các viên đường có tẩm virus bại liệt đã suy yếu.
Thử nghiệm của Chumakov đã thuyết phục được quan chức cấp cao Anastas Mikoyan đồng ý cho thử nghiệm rộng rãi, cuối cùng dẫn tới quyết định sản xuất hàng loạt loại vaccine bại liệt được sử dụng trên khắp thế giới về sau.
Ba người con của Chumakov lớn lên đều trở thành nhà virus học và nhiều thập kỷ sau đó, họ vẫn tán thành cách làm của bố mẹ."Cần có ai đó là người thử đầu tiên. Tôi chưa từng cáu giận vì điều đó. Tôi nghĩ thật tốt khi có người cha như vậy, người đủ tin tưởng vào những điều ông làm và chắc chắn ông sẽ không làm tổn thương chính con của mình", tiến sĩ Peter Chumakov, một trong ba con trai của Chumakov, chia sẻ. Không chỉ riêng giới khoa học Nga, người dân Nga cũng rất hào hứng với phương thức này. Năm 2012, các công ty dược phẩm lớn gồm Bayer, Novo Nordisk, Pfizer và Eli Lilly đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc của mình, trong đó có thuốc giảm cân, ở Nga, thường trong các cơ sở không được kiểm soát chặt chẽ, nhưng hàng nghìn người Nga vẫn đăng ký tham gia thử nghiệm.
Nhân viên y tế chuẩn bị lấy máu của tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Quân đội Budenko, ngoại ô thủ đô Moskva, hồi giữa tháng 7.
Đây là tình huống đôi bên cùng có lợi. Công ty dược phẩm có thể tiết kiệm chi phí thử nghiệm bằng cách bỏ qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Mỹ và nhiều nước châu Âu. Còn người dân Nga có được cơ hội tiếp cận phương pháp chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Tuy nhiên, các thử nghiệm này đôi khi dẫn tới các kết quả và tác dụng phụ không mong muốn. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người Nga vẫn liều lĩnh tham gia thử nghiệm.
Bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, nhiều người Nga đã theo đuổi ý tưởng tiến hành các thí nghiệm có khả năng giúp họ trở thành bất tử. Nhà triết học Nikolai Fedorov đã viết một chuyên luận về việc con người có thể vượt qua thời gian và cái chết để trở nên bất tử nếu tập trung toàn bộ năng lượng của họ.
Aleksandr Bogdanov, nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng, cũng từng đề cập tới khái niệm bất tử, khi cho rằng trao đổi máu với người khác sẽ giúp con người lão hóa ngược. Những tư tưởng này có thể đã dẫn tới cảm giác "ngoại lệ" của người Nga, khiến họ dám thử nghiệm các loại thuốc, vaccine mới bất chấp nhiều rủi ro, theo Srijan Shukla.
Bất chấp những hoài nghi của phương Tây, Nga tuyên bố có thể cung cấp vaccine Sputnik V cho các nước trong vài tháng tới. "Quan điểm của chúng tôi là Nga đã có công nghệ này và có thể cung cấp cho các bạn vào tháng 11 hoặc 12 nếu hợp tác tốt với cơ quan quản lý ở nước các bạn. Còn những người vẫn hoài nghi rằng Nga chưa sở hữu được vaccine, chúng tôi chúc họ may mắn trong công cuộc phát triển vaccine của chính mình", Dmitriev, giám đốc RDIF, tuyên bố.
Linh Đức