Chiến lược dược mới của châu Âu
Các nước châu Âu đã rơi vào thế bị động do lệ thuộc quá nhiều vào nguồn dược phẩm từ bên ngoài.
Thông báo nêu rõ “Chiến lược sẽ cho phép châu Âu đáp ứng nhu cầu dược phẩm của mình, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng, thông qua các chuỗi cung ứng mạnh mẽ. Là thành phần quan trọng của việc xây dựng Liên minh Y tế châu Âu vững mạnh hơn, chiến lược sẽ giúp thiết lập một hệ thống dược phẩm EU có khả năng chống chọi với khủng hoảng trong tương lai”.
Chiến lược Dược phẩm của châu Âu gồm bốn mục tiêu chính: Đảm bảo khả năng tiếp cận các loại thuốc giá cả phải chăng cho bệnh nhân và giải quyết các nhu cầu y tế chưa được đáp ứng (ví dụ: trong các lĩnh vực kháng thuốc, ung thư, các bệnh hiếm gặp); Hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới và tính bền vững của ngành công nghiệp dược phẩm của EU và phát triển các loại thuốc chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và thân thiện hơn; Tăng cường khả năng chuẩn bị và cơ chế ứng phó với khủng hoảng, đồng thời giải quyết vấn đề an ninh nguồn cung; Đảm bảo vị thế mạnh mẽ của EU trên thế giới, bằng cách thúc đẩy các tiêu chuẩn chất lượng, hiệu quả và an toàn ở mức độ cao. Mục tiêu của chiến lược này là đảm bảo bệnh nhân được tiếp cận với các loại thuốc mới có giá cả phải chăng, cũng như hỗ trợ khả năng cạnh tranh, năng lực đổi mới và tính bền vững của ngành dược phẩm EU.
Chiến lược trên không chỉ đơn thuần là một công cụ ứng phó với khủng hoảng, mà còn là những bài học được rút ra từ phản ứng ban đầu đối với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và giúp ngành dược phẩm của châu Âu chuẩn bị tốt hơn và có khả năng phục hồi cao.
Mục tiêu của chiến lược này là đảm bảo bệnh nhân được tiếp cận với các loại thuốc mới có giá cả phải chăng, cũng như hỗ trợ khả năng cạnh tranh, năng lực đổi mới và tính bền vững của ngành dược phẩm.
Là thành phần quan trọng của nỗ lực xây dựng Liên minh Y tế châu Âu vững mạnh hơn, chiến lược trên sẽ giúp thiết lập hệ thống dược phẩm có khả năng chống chọi với khủng hoảng trong tương lai.
Khan hiếm dược phẩm cơ bản là tình huống bất ngờ đối với các nước châu Âu. Các hãng dược châu Âu đã chuyển hầu hết việc sản xuất dược phẩm cơ bản sang các nước châu Á, từ 30 năm nay hầu như chỉ tập trung cho các loại thuốc đặc trị, thuốc mới, giá bán cao hơn nhiều và lợi nhuận cao tương ứng.
Khi đại dịch bùng phát, thì khan hiếm tại châu Âu lại không phải các loại thuốc đặc trị, thuốc mới, mà là những loại thuốc rất cơ bản, giá rất rẻ, là kháng sinh, giảm đau, aspirin và paracétamol. Có lẽ trước đây không ai ở châu Âu lường trước được rằng sẽ có ngày không thể nhập khẩu được những loại thuốc đơn giản này. "Chiến lược Dược phẩm châu Âu" muốn khắc phục nhược điểm này.
Hiện nay có tới khoảng 60% nguyên liệu dược phẩm cho công nghiệp dược toàn thế giới là từ Ấn Độ và Trung Quốc, đa số không phải là nguyên liệu đặc biệt hay khó tìm. Muốn tự chủ sản xuất thuốc chữa bệnh thì tất nhiên là phải tự chủ về nguyên liệu.
Chuyển sản xuất về châu Âu, ngoài chuyện chi phí nhân công cao còn phải tốn kém để thỏa mãn các tiêu chí môi trường, vì sản xuất dược phẩm cũng là ngành gây ô nhiễm, chi phí sản xuất một viên thuốc cảm tại châu Âu chắc chắn sẽ cao hơn. Ngoài ra, chuyển một dây chuyền sản xuất dược phẩm từ châu Á về châu Âu sẽ mất ít nhất 2 năm nếu đã có sẵn nhà máy, còn như xây nhà máy từ đầu thì phải là 5 năm.
Ví dụ ở Pháp, tới 80% nguyên liệu cho ngành dược đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc. "Chiến lược Dược phẩm châu Âu" mà Ủy ban châu Âu công bố là một cách gián tiếp thừa nhận mặt trái của cung cách sản xuất và phân phối dược phẩm trong 30 năm trở lại đây.
Một châu Âu dẫn đầu thế giới về công nghệ dược phẩm, vậy mà từ nhiều năm nay, khan hiếm dược phẩm vẫn thỉnh thoảng là vấn đề. Không phải là khan hiếm các loại thuốc đặc trị đắt tiền, hay liệu pháp trị liệu tiên tiến mà toàn là những dược phẩm đã tồn tại từ hàng chục năm nay, công thức không còn gì là bí mật, có thể sản xuất dễ dàng với chi phí thấp.
Đại dịch COVID-19 cho thấy những điểm yếu bất ngờ của cung cách sản xuất toàn cầu hóa. Hóa ra là những sản phẩm cơ bản vẫn luôn có giá trị không gì thay thế được. Khi đại dịch bùng phát, nhiều người vội đi mua đồ dự trữ như bột mì và giấy vệ sinh, chứ không phải tôm hùm hay rượu champagne. Bệnh viện, hiệu thuốc thiếu dược phẩm thì chủ yếu là thiếu các loại thuốc thông dụng. Giữa tháng này, Thượng viện Pháp đã phải thông qua dự luật bắt buộc dự trữ thuốc cơ bản.
Linh Đức