Chính phủ yêu cầu khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế
Hiện một số bệnh viện để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tiêu hao phục vụ người bệnh.
Văn bản số 4035/VPCP-KTTH ngày 29/6/2022 của Văn phòng Chính phủ vừa phát đi truyền đạt ý kiến của Thường trực Chính phủ về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế.
Công văn nêu rõ, ngày 29/6/2022, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội Quý II, 6 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Phó Thủ tướng dự họp, Thường trực Chính phủ đã kết luận:
Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hoá, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để ban hành trước ngày 4/7/2022 các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền nhằm khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương; chỉ đạo các tỉnh, các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.
Bộ Tài chính tập trung cao độ, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để thực hiện hiệu quả yêu cầu nêu trên.
Trước đó, qua thực tế theo dõi và phản ánh của người bệnh cho thấy, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại một số khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế diễn ra vào ngày 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Chính phủ đã nắm được qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí và đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời. Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý, tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc và triển khai nhiều giải pháp về vấn đề này.
Về nguyên nhân, theo Bộ Y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra; do vậy một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt là trong các năm 2020-2021 khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.
Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Thêm vào đó, việc thực hiện nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính, chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra còn do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.
SƠN HÀ