Cơ quan báo chí cần xác định thông điệp cốt lõi của Liên hiệp Hội
Đây là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo “Truyền thông đại chúng với hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam” tổ chức ngày 31/8, tại Hà Nội, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Vusta đã hình thành hệ thống tổ chức 2 cấp theo đúng tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị khóa X.
Ông Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Đến nay, Vusta đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn cả về quy mô và chất lượng. Vusta đã chủ động đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước nhiều vấn đề lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức.
Hệ thống báo chí của Vusta hiện nay có 70 cơ quan báo chí. Số lượng báo chí tuy nhiều nhưng việc truyền tải thông tin về Vusta hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả và chưa phát huy được thế mạnh vốn có. Vusta chưa sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm hướng đến nhóm công chúng lớn, cũng như đề ra các giải pháp nhằm đưa hình ảnh của Vusta đến gần với công chúng hơn.
Cũng tại Hội thảo, khi nói về truyền thông xã hội, ông Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Ðô thị cho rằng, truyền thông xã hội dựa trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến, các tin tức có thể được trao đổi giữa hai hoặc nhiều cá nhân và được lưu truyền một cách chóng mặt trên "không gian ảo".
Toàn cảnh hội thảo |
Xét từ giác độ nội dung, bản chất của truyền thông xã hội là mối liên hệ cá nhân mang tính bình đẳng trong quá trình kết nối và truyền tải tin tức. Đây là sự khác biệt rõ nét giữa truyền thông xã hội với các phương tiện truyền thông truyền thống - nơi các cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp giữ vai trò là hạt nhân kết nối truyền thông và đưa tin.
Trong truyền thông chính trị, truyền thông xã hội đã và đang tạo ra một cuộc chơi mới khiến các cơ quan quản lý phải thay đổi nhận thức, để vừa định hướng dư luận, nhưng vừa có thể giữ chân công chúng của mình. Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, về mặt này, truyền thông xã hội có lợi thế hơn báo chí truyền thống, tuy nhiên, báo chí vẫn có chỗ đứng vững chắc và quan trọng của mình trong "trận địa" thông tin mở như hiện nay, nếu duy trì được chất lượng, coi nội dung là "vua", công nghệ là "nữ hoàng", đồng thời kết hợp được những ưu việt mà truyền thông xã hội đem lại, từ đó tăng cường sức mạnh cũng như tăng giá trị cho báo chí truyền thống.
Ông Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, truyền thông xã hội là một nguồn tham khảo - công cụ thu thập và thẩm định thông tin, liên lạc với nguồn tin… Trong sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại, việc sử dụng và tích hợp truyền thông xã hội vào hoạt động truyền thông chính trị và quảng bá thương hiệu cho tổ chức là một trong những xu hướng phát triển không thể bỏ qua.
PGS.TS Bùi Thị An- Viện trưởng Viện tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng khẳng định: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là Tổ chức chính trị - xã hội có số lượng các cơ quan báo chí lớn nhất, so với các bộ, ban, ngành và các tổ chức Chính trị- xã hội khác, đây là một lợi thế. Song song với lợi thế đó, các cơ quan báo chí của Liên hiệp hội đã đem được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các kiến thức khoa học rất đa dạng, cần thiết đến với cộng đồng, đem được tiếng nói chân chính của cộng đồng trong đó có tiếng nói của các nhà khoa học, của giới trí thức đến với các cấp quản lý, Chính phủ, Quốc Hội và Trung ương Đảng.
Nội dung của báo và các tạp chí thuộc Hội đã được các cơ quan quản lý nghiên cứu,tham khảo để điều chỉnh những bất cập trong thực tiễn (thậm chí điều chỉnh các chính sách), tạo thêm sự đồng thuận trong nhân dân , giảm được lãng phí cho nhà nước. Đó chính là hiệu quả của truyền thông trong Liên hiệp Hội , đóng góp một phần không nhỏ để vị thế và hình ảnh của Hội được nâng lên trong xã hội.
Ông Lê Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ tại Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam cần xây dựng một chiến lược truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả nhằm tôn vinh và tạo dựng hình ảnh tích cực về Liên hiệp Hội, đồng thời thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng khoa học, giới trí thức và các đối tác.
Bên cạnh đó, cần xác định thông điệp cốt lõi mà Liên hiệp Hội muốn truyền tải; Xây dựng kế hoạch truyền thông đa phương tiện, tập trung vào các phương tiện truyền thông chính; tạo các nội dung hấp dẫn về các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ của các hội thành viên, nhấn mạnh những giá trị tích cực, thiết thực mà Liên hiệp Hội mang lại cho cộng đồng.
Nhà báo Trần Trọng An - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia đình mới cho rằng, Liên hiệp Hội cần nâng cao nhận diện và nhận thức về thương hiệu; lựa chọn đại sứ truyền thông hiệu quả; xác định thông điệp truyền thông rõ ràng.
Hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam gắn với các hoạt động khoa học công nghệ, phổ biến kiến thức. Do vậy, ngoài báo chí chính thống, chúng ta cần lan tỏa hình ảnh và hoạt động của các cá nhân, đơn vị thành viên và của cả Liên hiệp Hội Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhà báo Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá và Phát triển kiến nghị, Liên hiệp Hội Việt Nam cần tiếp tục tổ chức gặp gỡ, thông tin về công tác báo chí định kỳ hàng quý một lần là rất cần thiết, giúp các cơ quan báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam có điều kiện để nói lên tâm tư nguyện vọng của mình.
Bên cạnh đó, ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức cần nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức Giải báo chí khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội tiêu biểu nhằm vinh danh cơ quan báo chí, tác giả, nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Trong hội thảo lần này, thông qua phần tham luận của các diễn giả đã giúp Liên hiệp Hội đánh giá đúng về vị trí, vai trò, uy tín tương ứng với tiềm năng sức mạnh truyền thông; những nguyên nhân khiến hình ảnh của Liên hiệp Hội chưa được truyền thông hiệu quả; từ đó đưa ra các giải pháp để báo chí cùng Liên hiệp Hội thực hiện công tác truyền thông hiệu quả.