COVID-19 phức tạp tại Campuchia, Indonesia, Malaysia
Campuchia: Thủ tướng Hun Sen tự cách ly 14 ngày
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết ông đã hủy tất cả các cuộc gặp đã lên kế hoạch sau khi gián tiếp tiếp xúc với một người mắc COVID-19.
Trong bài đăng trên Facebook, Thủ tướng Hun Sen cho biết các bác sỹ đã yêu cầu ông đi xét nghiệm và cách ly trong 14 ngày tới ngày 3/7 tới. Trong số sự kiện bị hủy có cuộc gặp giữa ông Hun Sen và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab vào ngày 23/6 tại Cung điện Hòa Bình.
Mặc dù hủy các cuộc gặp cả trực tiếp và trực tuyến, Thủ tướng Campuchia cho biết ông vẫn sẽ làm việc như bình thường với các cơ quan chính phủ và lực lượng vũ trang thông qua Zoom.
Tình hình dịch bệnh ở Campuchia trở nên khó kiểm soát hơn với sự xuất hiện của biến thể Delta. Hôm nay, Bộ Y tế nước này báo cáo 7 trường hợp nhiễm biến chủng Delta, là khách du lịch đường bộ từ nước láng giềng Thái Lan.
Covid-19 lan mạnh ở Indonesia
Tình hình dịch bệnh ở Indonesia vốn đã phức tạp nay trở nên khó kiểm soát hơn với sự xuất hiện của biến thể Delta ở một số khu vực, bao gồm thủ đô Jakarta đông đúc, Kudus - trung tâm sản xuất thuốc lá ở miền trung tỉnh Java và Bangkalan nằm ngoài khơi bờ biển Java.
Indonesia ngày 20/6 ghi nhận 13.737 ca mắc COVID-19 mới, mức tăng cao nhất trong 1 ngày kể từ ngày 30/1/2021. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận gần 2 triệu ca nhiễm.
Số ca bệnh tăng đột biến khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, đồng thời làm dấy lên nỗi lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới.
Kudus hiện trải qua đợt bùng dịch, tốc độ lây lan chưa từng có với số ca nhiễm mới hàng tuần tăng tới 35 lần so với hồi cuối tháng 5.
Năng lực theo dõi sự lây lan của các biến thể ở Indonesia khá hạn chế nên rất khó để đánh giá mức độ lan truyền của biến chủng Delta ở quốc gia quần đảo 270 triệu dân này.
Đến nay Indonesia ghi nhận tổng số ca bệnh lên gần 2 triệu và hơn 54.000 người Indonesia chết vì dịch.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu số ca bệnh tiếp tục tăng, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này khó lòng cầm cự. "Indonesia có thể sẽ trở thành quốc gia tiếp theo hứng chịu sóng thần COVID-19", Dicky Budiman, nhà dịch tễ học người Indonesia tại Đại học Griffith ở Australia cho hay.
Trong khi các nhà dịch tễ học trong nước đổ lỗi cho biến chủng Delta làm tăng vọt số ca nhiễm, Giáo sư Gusti Ngurah Mahardika thuộc Đại học Udayana cho rằng việc chính quyền không siết chặt biện pháp phòng dịch cùng như tâm lý chủ quan của người dân mới là nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh tồi tệ như hiện nay.
Malaysia đóng cửa hơn 100 nhà máy vi phạm quy định phòng dịch
Từ ngày 1-19/6, Đội đặc nhiệm giám sát hoạt động Malaysia đã kiểm tra 510 nhà máy, trong đó 113 nhà máy bị yêu cầu đóng cửa vì vi phạm Trình tự Vận hành tiêu chuẩn (SOP).
Ngày 20/6, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết kể từ ngày 14/1 (sau khi ban bố Tình trạng khẩn cấp), các lực lượng chức năng Malaysia đã kiểm tra 24.942 nhà máy. Tới ngày 19/6 đã yêu cầu đóng cửa 167 nhà máy và 17 cơ sở phi công nghiệp. Trong giai đoạn thực thi lệnh phong tỏa toàn diện từ 1/6 tới nay, Chính phủ Malaysia đã triển khai chiến dịch giám sát hoạt động nhằm bảo đảm các nhà máy và cơ sở thương mại tuân thủ nghiêm chỉnh SOP. Bất cứ ai bị phát hiện vi phạm SOP đều bị nghiêm trị. Từ ngày 1-19/6, Đội đặc nhiệm giám sát hoạt động Malaysia đã kiểm tra 510 nhà máy, trong đó 113 nhà máy bị yêu cầu đóng cửa.
Đối với cá nhân, ông Ismail cho biết ngày 19/6, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 852 người vi phạm SOP, bao gồm 821 người bị phạt và 31 người bị giữ lại để điều tra thêm. Trong số những người vi phạm này có 175 người không duy trì giãn cách xã hội, 143 người không đeo khẩu trang, 129 người không quét hoặc đăng ký dữ liệu trước khi vào cửa hàng… Ngoài ra, để kiểm tra việc thực hiện SOP, ngày 19/6, quân đội và cảnh sát đã thiết lập 957 rào chắn trên cả nước.
Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Malaysia áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện từ ngày 1-28/6.
L.Đ