Cuba cấp phép thử nghiệm giai đoạn III vaccine ngừa Covid-19
Hãng công nghệ sinh học và dược phẩm quốc gia BioCubaFarma cho biết Cơ quan Quản lý Dược phẩm, Thiết bị và Dụng cụ Y tế Cuba (CECMED) đã “bật đèn xanh” cho việc triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Soberana 02 của Viện Vaccine Finlay. Ngay sau đó, Viện Vaccine Finlay - đơn vị trực tiếp nghiên cứu và bào chế loại vaccine nói trên - cũng thông tin về việc tuyển tình nguyện viên tại 8 quận của thủ đô La Habana.
Bộ Y tế Cuba cùng ngày cũng xác nhận việc cấp phép trên và tuyên bố trong giai đoạn này, 44.010 người trong độ tuổi từ 19 đến 80 được lựa chọn ngẫu nhiên tại 8 quận trực thuộc La Habana sẽ tham gia đợt thử nghiệm cuối cùng này.
Nếu thử nghiệm thành công, Soberana 02 sẽ trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Cuba nói riêng và Mỹ Latinh nói chung. Chính phủ Cuba trước đó cũng thông báo nước này có năng lực sản xuất 100 triệu liều kế hoạch tiêm chủng vaccine cho toàn bộ 11 triệu dân, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu và cung cấp cho khách du lịch.
Ngoài Soberana 02, Cuba cũng đang tiến hành phát triển 4 dự án vaccine ngừa COVID-19 khác bao gồm Soberana 01, Soberana 01-A, Abdala và Mambisa. Trong tiếng Tây Ban Nha, Soberana có nghĩa là “chủ quyền”. Hai vaccine còn lại là Abdala (tên bài thơ do nhà cách mạng Cuba Jose Marti viết) và Mambisa - đề cập đến những du kích người Cuba đã đấu tranh giành độc lập cho quốc đảo này.
Các nhà khoa học Cuba nhấn mạnh kỳ vọng rằng vaccine COVID-19 sẽ “thay đổi bức tranh toàn cảnh”, không chỉ về COVID-19 mà cả nền kinh tế đã chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.
Nhà nghiên cứu Dagmar Garcia Rivera tại Viện Vaccine Finlay cho biết: “Mục đích chính của việc thử nghiệm lâm sàng là kiểm chứng hiệu quả các vaccine chúng tôi phát triển. Sau đó, chúng tôi có thể có điều kiện để khởi động tiêm vaccine diện rộng tại Cuba và nhiều quốc gia khác trên thế giới”.
Mexico đang đàm phán với Cuba để khởi động thử nghiệm Soberana 02. Trong khi đó, Iran đã thử nghiệm diện rộng vaccine do Cuba sản xuất này. Suriname và Ghana đều thể hiện quan tâm tới việc mua vaccine của Cuba.
Chuyên gia y tế người Peru làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Havana – bác sĩ Jose Moya nhận xét rằng các nhà nghiên cứu Cuba đã tuân thủ các quy định quốc tế và cập nhật về tiến trình phát triển, điều chế vaccine COVID-19. Ông Moya cũng nhấn mạnh: “Thực tế rằng Cuba có 4 loại vaccine phòng COVID-19 cho thấy đây là tin tốt lành không chỉ cho quốc gia này mà còn cả khu vực Caribbean và Mỹ Latinh”.
Chính phủ Cuba cho biết sẽ sản xuất 100 triệu liều Soberana 02 năm nay để đáp ứng nhu cầu người dân trong nước và các nước khác. Cuba muốn trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vaccine COVID-19 cho toàn bộ dân trong năm 2021, cho dù nhiều nước đã tiêm chủng cách đây gần 2 tháng.
Một số quốc gia đã quan tâm tới vaccine của Cuba như Iran, Venezuela và Liên minh châu Phi (gồm 55 nước châu Phi).
Cuba từ lâu đã nổi tiếng về ngoại giao y tế khi đưa hàng nghìn nhân viên y tế ra nước ngoài hỗ trợ các nước trong các khủng hoảng, thảm họa thiên nhiên và tình trạng khẩn cấp y tế ngắn hạn.
Đầu đại dịch COVID-19, Cuba đã điều 24.500 nhân viên y tế tới 58 nước. Ngoài ra, còn có thêm 4.000 bác sĩ thuộc Lữ đoàn Henry Reeve (tổ chức chuyên gia y tế chất lượng cao của Cuba) đã làm việc ở các nước từ Kuwait tới Mexico, Italy và Nam Phi.
Cuba chỉ có 11 triệu dân nhưng lại có nhân lực y tế làm ở nước ngoài nhiều hơn cả 7 nước G-7 cộng lại.
Linh Đức