Củng cố hệ sinh thái sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo đối với phụ nữ
Hội thảo này dành cho các nhà nghiên cứu và nhà đổi mới phụ nữ tại trường đại học về phát triển sản phẩm, quản lý và chiến lược sở hữu trí tuệ, hay nói cách khác: biến ý tưởng sáng tạo thành tài sản.
Các nhà tổ chức đã có một góc nhìn tiếp cận vấn đề rất mới mẻ và cập nhật. Thực tế cho thấy, trong thế giới kết nối ngày nay, đổi mới mở đã trở thành một cách tiếp cận mạnh mẽ để thúc đẩy sự sáng tạo và hợp tác trên các hệ sinh thái đa dạng. Đồng thời, quản lý và bảo vệ sở hữu trí tuệ (IP) hiệu quả là điều cần thiết để đảm bảo rằng các nhà đổi mới có thể thu được lợi ích từ những sáng tạo của họ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và sở hữu trí tuệ (SHTT) là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên phụ nữ vẫn chưa được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực đổi mới và khởi nghiệp, bao gồm cả việc sử dụng các hệ thống SHTT. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới mở nhằm thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu và nhà đổi mới là phụ nữ.
Hiện nay, khoảng cách giới trong lĩnh vực SHTT là một vấn đề đáng quan tâm. Rất ít chủ đơn đăng ký sáng chế nộp qua hệ thống Hiệp ước Hợp tác sáng chế (PCT) là phụ nữ. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới ước tính với tốc độ hiện tại, sự cân bằng về giới giữa các chủ đơn PCT sẽ không thể đạt được trước năm 2064. Bằng cách hành động ngay bây giờ để tạo điều kiện và hỗ trợ các nhà khoa học nữ, chúng ta có thể khai phá tiềm năng ĐMST của họ, củng cố các hệ sinh thái SHTT và ĐMST cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ở Việt Nam, số lượng phụ nữ tham gia vào nghiên cứu khoa học và kinh doanh ngày càng tăng. Phụ nữ có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Thông qua hoạt động kinh doanh và nghiên cứu khoa học, giới nữ ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, được xã hội và cộng đồng ghi nhận, tôn vinh.
Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030, trong đó chỉ rõ “đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”. Việc hiện thực hóa quan điểm này không thể thành công nếu thiếu vai trò của phụ nữ. Phụ nữ tham gia phát triển kinh tế ngày càng nhiều. Đội ngũ nữ doanh nhân chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp. Hoạt động của phụ nữ ngày càng tích cực và hiệu quả bởi đã dựa vào khoa học, công nghệ và ĐMST. Tại Việt Nam, Khoa học và Công nghệ là 1 trong 8 lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Hiện nay, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng, chiếm gần 50% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước.
Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang triển khai nhiều hoạt động để đồng hành cùng phụ nữ, đặc biệt là các nhà khoa học nữ, trong nghiên cứu khoa học và sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như: Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp thuộc Hội nữ trí thức Việt Nam (COSTAS) và WIPO triển khai thành công chuỗi các khóa tập huấn trực tuyến về thương mại hóa tài sản trí tuệ dành cho các nhà nữ khoa học và nữ doanh nhân của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2023. Các khóa tập huấn này đã góp phần nâng cao nhận thức về SHTT và kỹ năng sử dụng công cụ SHTT phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh của phụ nữ Việt Nam nói chung, và các nhà nữ khoa học và nữ doanh nhân của Việt Nam nói riêng.
WIPO cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong triển khai nhiều hoạt động hợp tác kỹ thuật thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức về SHTT cũng như kỹ năng sử dụng các công cụ SHTT của các chủ thể trong hệ sinh thái SHTT Việt Nam nói chung, và các nhà nữ khoa học, nữ doanh nhân Việt Nam nói riêng. Cục SHTT Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các đối tác quốc tế để triển khai các hoạt động hướng tới phụ nữ, khơi dậy tiềm năng ĐMST của họ, tạo động lực để phụ nữ tạo ra nhiều giá trị mới từ hoạt động ĐMST, cũng như khai thác hiệu quả giá trị của các kết quả đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bà Shalini Sitaraman Menezes, nhà sáng lập Mạng lưới chuyên gia sáng chế và quản lý sáng chế khẳng định: SHTT là chìa khoá để tạo động lực ĐMST, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, tăng cường nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới phù hợp với xu hướng thị trường, tiếp nhận các thành tựu kỹ thuật có sẵn thông qua chuyển giao công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
SHTT còn tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội, tạo ra những sản phẩm dịch vụ hiệu quả với giá thành hợp lý, nhờ đó sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có thể vượt qua các sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh cùng lĩnh vực trên thị trường.
SHTT cũng giúp phát triển giá trị tài sản cho doanh nghiệp thông qua thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng doanh thu với các sản phẩm dịch vụ ưu việt và hấp dẫn được ứng dụng tài sản SHTT mới, đồng thời giúp thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tăng giá trị của doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên đề như: Hiện trạng về SHTT của phụ nữ và thương mại hóa tài sản trí tuệ ở Việt Nam; Sử dụng toàn bộ quyền SHTT: vượt ra bằng sáng chế; Nguồn lực, hoạt động hỗ trợ và tư vấn bảo vệ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam; Tận dụng các giải pháp đổi mới AI và ứng dụng NoCode để tăng trưởng kinh doanh; SHTT như một tài sản có thể giao dịch và định giá IP. Ngoài ra, các nhà cố vấn đã dành thời gian tư vấn cho các doanh nghiệp ĐMST do phụ nữ lãnh đạo liên quan đến SHTT.