Cuộc đời buồn của người mẹ già 80 chăm 3 người con ngây dại
Tiễn biệt người chồng xấu số, người đàn bà ấy lại trở về với những tháng ngày tăm tối của cuộc đời mình. Đã bước vào cái tuổi xế chiều, nhưng hàng ngày bà vẫn phải cơm bưng nước rót, lo chuyện sinh hoạt cá nhân cho ba người đàn ông, người thấp tuổi nhất bây giờ cũng đã ngoài 40.
Người chồng vì mải suy nghĩ về các con mà đổ bệnh rồi qua đời, để bà lại với nỗi lo cơm áo ngày tháng cho 3 người con trai. Hàng đêm bà vẫn phải thức để canh cho con được ngon giấc, còn phần bà, có lẽ suốt cả cuộc đời vẫn chưa bao giờ được một giấc ngủ trọn vẹn.
Người mẹ già nuôi 3 con dại
Tìm về thôn Duy Tắc (xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) một buổi chiều cuối năm, khi những tia nắng ấm áp ban trưa lụi dần và cái rét đã bắt đầu len lỏi, nhờ một người đàn ông tốt bụng, chúng tôi tìm đến được gia đình nhà cụ Cao Thị My (82 tuổi). Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là bà cụ với dáng lưng còng, đầu quấn khăn chiết, mặc đến cả 4-5 cái áo mà cái nào cũng mỏng, không đủ chống lại giá rét, đang ngồi cùng một người con trai ngoài sân sưởi những tia nắng hiếm hoi của mùa đông.
Cụ My ra vườn nhặt rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều trong những ngày cuối năm. |
Thấy nhà có khách, cụ bà ra hỏi chuyện, còn người đàn ông nọ thì ngước mắt nhìn rồi đứng dậy đi vào nhà trong. Sau khi giới thiệu chúng tôi là phóng viên, cụ bà lật đật mời vào nhà. Rót ly nước mời khách với ba cái chén của 3 loại màu sắc và kích cỡ khác nhau, bà cụ trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về đời mình.
Cụ lấy chồng năm 15 tuổi, chồng là người cùng địa phương. Sau ngày cưới không được bao lâu, chồng bà nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Ngày ông trở về, gặp nhau trong tâm trạng mừng mừng tủi tủi, hạnh phúc tưởng như trở về trọn vẹn sau tiếng bom, tiếng súng khi bà thai ngén đứa con đầu lòng nhưng bà lại phải gánh trên vai nỗi đau hậu chiến tranh.
Cụ My đang chăm sóc cho con trai của mình. |
Những đứa con bà sinh ra ban đầu cũng đầy đủ bộ phận như bao đứa trẻ khác, nhưng cơ thể càng lớn lên, tuổi tác càng nhiều hơn mà tâm hồn chúng vẫn như đứa trẻ cứ ngây ngô mãi, suốt ngày vào ra ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Chồng bà cũng vì lo nghĩ mà lâm trọng bệnh rồi qua đời để lại sau lưng là người đàn bà bất hạnh và 3 người đàn ông lớn tuổi. Chúng cứ thế lớn lên, ăn thì nhiều, phá thì lớn nhưng nhận thức vẫn như những đứa trẻ lên ba.
Cuộc đời bà lầm lũi như con tằm nhả tơ, hàng xóm thương xót mà cũng không thể giúp được gì nhiều. Tiếng cười tắt hẳn trên khuôn mặt già nua, và rồi mọi cảm xúc đau buồn cũng dần biến mất. Giấu kín vào trong những buồn đau tủi hờn của cuộc đời, bà lại cặm cụi ra vườn nhặt nhạnh ngọn rau, mò lấy con cua, con tép về tằn tiện nuôi con.
Con cái người ta đến tuổi trưởng thành thì đi làm khắp nơi, ra Bắc vào Nam để kiếm kế sinh nhai, nhưng 3 người con trai của bà thì chỉ biết ăn rồi phá và việc chúng làm duy nhất là... đuổi đánh bà trong mỗi lúc lên cơn. Hàng xóm thấy thế chua xót, thương cảm mà mỗi người một tay, cùng với sự giúp đỡ của họ hàng và chính quyền địa phương phụ giúp bà dựng riêng mấy gian nhà để mỗi người một phòng, chúng không đánh đập nhau trong lúc ngủ. Còn bà thì phải ở tách riêng hẳn ra một góc vườn ở đầu ngõ và gần đường cái, để nếu khi có bị con đánh, bà còn kịp kêu cứu và hàng xóm còn đến kịp mà giúp.
Bà Đoàn Thị Cây (một người hàng xóm) chia sẻ: "Có hôm bà cụ bị 3 người con đuổi đánh, bà cụ già cả chạy không được nên bị vấp ngã, sưng hết mặt mũi. Rồi hôm trời mưa to, thấy cụ đội cái nón rách sang khóc lóc nhờ đi kiếm chú Tuyền (con trai thứ 3) đã đi mấy ngày nay mà không thấy về. Chú Tuyền thi thoảng vẫn hay bỏ đi lang thang như vậy, tìm kiếm mãi không thấy đâu, rồi tự nhiên lững thững từ đâu về, đầu tóc bơ phờ, quần áo rách mướp. Về nhà được ít hôm lại lôi bà cụ ra đánh chửi vì tội không cho ăn, để nó bị đói. Thế có khổ không cơ chứ?"
Cô Đinh Thị Hảo (trưởng thôn Duy Tắc) cho biết, "trường hợp gia đình bà My là trường hợp đặc biệt khó khăn của thôn, khổ thân bà cụ bà, đã già yếu, lại ốm đau suốt rồi liên tục bị các con của mình đánh đập hành hạ. Rõ là khổ, đáng ra ở cái tuổi này thì phải được con cháu chăm sóc, đằng này thì ngược lại, còn bị chúng nó hành hạ..."
Nỗi đau lòng mẹ
Trong căn nhà lụp xụp, những hòn gạch trên mỗi bức tường đã bắt đầu mục đất. Từ nhiều năm nay, 4 con người, người lớn tuổi nhất cũng đã ngoài 80, còn người trẻ nhất cũng gần 50 tuổi nhưng chưa bao giờ ngớt đi tiếng chửi bới và quát tháo vô thức của những người đàn ông lớn tuổi.
Đưa tay gạt ngang dòng nước mắt, men theo những nếp nhăn đang hằn sâu trên khuôn mặt hốc hác, bà cụ nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Khổ mấy tôi cũng chịu được, đời tôi cũng không còn được mấy nữa. Tôi cũng đã sống đủ rồi, thế nhưng còn chúng nó, những đứa con tội nghiệp của tôi không biết rồi sẽ sống ra sao khi tôi mất đi…!"
Mỗi buổi chiều của cụ lại nghĩ đến ngày mai sẽ ra sao? |
Người mẹ già cả một đời lăn lộn với bộn bề cuộc sống, gắng gượng để nuôi các con từng ngày, mà mãi những đứa con chẳng thể nào khôn lớn. Vẫn thường bị 3 người con trai lớn tuổi đuổi đánh mỗi khi trở trời, có nhiều hôm trong người đau nhức, thế nhưng bà vẫn phải gắng gượng ra vườn hái từng ngọn rau, bòn từng củ khoai lang về nấu cho các con ăn qua bữa.
Vất vả là vậy, tủi nhục là vậy, nên hàng xóm thấy bà ai cũng thương, ai cũng xót. Bà con xóm giềng thi thoảng ai có gạo cho gạo, ai có trứng cho trứng làm quà thăm bà lúc ốm đau. Nhưng bà lại không ăn mà cất đi, để phần cho các con.
Mọi sinh hoạt của mấy người đàn ông đều do một tay bà cụ đảm đương, từ chuyện tắm giặt, cơm nước và kể cả những sinh hoạt thường ngày.
Tất cả mọi đớn đau bà là người gánh cả, thế nhưng giờ đây, khi ở cái tuổi gần đất xa trời bà lại đau đáu nỗi niềm: Không cho phép mình bị bệnh, chỉ khi nào bà không thể nhấc nổi đôi chân, miệng không nói được thành lời thì mới chịu, lúc ấy có lẽ bà sẽ thanh thản hơn cả. Nhưng nỗi niềm của bà, lớn nhất đó là việc những người con của bà sẽ ra sao khi thiếu đi bàn tay chăm bẩm của bà? Nỗi niềm khiến bà hằng đêm thao thức không sao ngủ được khi “lũ trẻ lớn tuổi” của bà đã chìm vào trong giấc ngủ. "Trong lúc ngủ chúng nó thật hiền lành thánh thiện làm sao các chú ạ", nói rồi bà buồn rầu, đưa vạt áo lên lau khuôn mặt nhăn nheo, đôi mắt đỏ hoe.
Chúng tôi ra về khi ánh chiều đã ngã, những đốm sáng bắt đầu dầy dần trong xóm nhỏ và cái lạnh đã đậm dần. Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ nhìn xiu vẹo, méo mó dưới ánh chiều tàn lụi cũng nhạt dần và bà cụ lại lom khom ra vườn nhặt rau lo bữa cơm tối cho các con của mình… Cần lắm những tấm lòng hảo tâm có thể giúp bà vơi bớt khó khăn.
Đóng góp của những tấm lòng hảo tâm xin gửi về một trong hai địa chỉ sau: 1. Bà Cao Thị My - thôn Duy Tắc, xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, tình Nam Định. 2. Báo đời sống & pháp luật Online - Tầng 4, Tòa tháp Ngôi Sao - Star Tower, Phố Dương Đình Nghệ - Phường Yên Hòa - Quận Cầu Giấy - Hà Nội. Điện thoại: 04.62810837. Hotline: 0918262286 |