Cựu chiến binh Văn Đình Thanh tận tâm với sử Việt
Lớp học lịch sử bằng âm nhạc của ông Năm Thanh luôn thu hút nhiều em học sinh đến học. |
Ý tưởng hình thành lớp học
Cựu chiến binh Văn Đình Thanh, tên thường gọi là ông Năm, sinh năm 1951 tại xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Tháng 11/1967, khi đang là học sinh Trường Lý Tự Trọng, ông Năm gia nhập Đội biệt động vũ trang thành phố Cần Thơ (gọi tắt là Đội biệt động). Sau ngày đất nước thống nhất, ông Năm chuyển ngành về công tác tại Công ty Khai thác - Chế biến thủy sản Hậu Giang cho đến lúc nghỉ hưu.
Bình Thành là xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hậu Giang, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Ngay từ những ngày đầu về nghỉ, ông Năm đã nhiệt tình tham gia các phong trào, cuộc vận động và rất nhiều công việc tại địa phương. Ông Năm luôn thể hiện được tâm huyết, sự say mê, tích cực nhất là trong các phong trào của Hội cựu chiến binh, được địa phương ghi nhận, quý mến. Điều đắn đo nhất đối với ông có lẽ, thấy trẻ em trong xóm thiếu thốn nhiều thứ, từ chỗ vui chơi, đến nơi học tập nên từ năm 2000, ông đã cùng với một số cựu chiến binh trong xã mở Câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” nhằm tạo sân chơi bổ ích cho trẻ nhỏ. Và lớp học lịch sử cũng hình thành từ đây.
Cựu chiến binh Văn Đình Thanh luôn tâm huyết dạy sử cho học sinh địa phương. |
Lúc đầu, lớp học do ông Năm và ông Sáu Quý phụ trách, nhưng một thời gian sau, ông Sáu Quý mất nên một mình ông Năm đảm đương cho đến bây giờ. Ông Năm tâm sự: “Là một người lính, tôi muốn truyền đạt để cho các em học sinh hiểu được công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Nhận thấy nhiều cháu nhỏ ở quê chưa hiểu rõ về lịch sử dân tộc nên tôi quyết định mở lớp học lịch sử tại nhà. Mong muốn của tôi là góp phần cùng ngành giáo dục giúp các em có đầy đủ kiến thức về quá trình dựng nước, giữ nước của cha ông, qua đó củng cố lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Cung cấp kiến thức là một chuyện, nhưng làm thế nào để các cháu yêu thích môn học lịch sử mới là điều đáng quan tâm. Với suy nghĩ đó, tôi quyết định dạy lịch sử kết hợp với các bài hát, kết hợp với tiếng đàn măng - đô - lin, organ và các phần thi đố vui có thưởng để thu hút các cháu. Từ đó, tạo cho các cháu niềm yêu thích với môn học này”.
Tận dụng khu đất trống bên hiên nhà, ông Năm bỏ tiền túi mua bảng, in bài hát và đi vận động trẻ em trong xóm đến học sử. Ông còn dành số tiền lương hưu ít ỏi làm một phòng đọc sách nhỏ trong nhà với nhiều đầu sách thiếu nhi, lịch sử, văn hóa… để các em đến đọc, nâng cao hiểu biết. Sự hứng thú, yêu thích của trẻ em nghèo trong xóm với môn học lịch sử như tiếp thêm động lực để ông Năm tiếp tục thực hiện công việc. Số lượng học sinh đến với lớp dạy sử của ông Năm mỗi ngày một đông. Không chỉ trẻ em địa phương mà nhiều phụ huynh ở các xã lân cận cũng đưa con đến xin học.
Lớp học có nhiều điều đặc biệt
Lớp học của ông Năm có nhiều điều đặc biệt như: Lịch sử nước nhà, lịch sử địa phương đều được dạy cùng với các bài hát; người học cũng không nhất thiết phải cùng độ tuổi, từ trẻ lên 5 cho đến tuổi 15 - 16; lớp học không có bàn, có ghế, người học ngồi dưới nền nhà và chẳng ai phải đóng học phí… Ngày đầu mới mở lớp, trẻ nhỏ đến với lớp học còn ít, dần dần, lớp học được các em yêu thích nên tự đến học mỗi lúc một đông. Thời gian học vào các ngày chủ nhật, mỗi buổi kéo dài khoảng 3 giờ, trong đó ông Năm dành một giờ ôn lại bài hát đã học, trả lời những câu hỏi ngắn về lịch sử để ôn lại kiến thức cũ. Thời gian còn lại, ông dạy bài hát mới liên quan đến những sự kiện và những kiến thức lịch sử mới.
Lớp học của ông Năm có nhiều điều đặc biệt như: Lịch sử nước nhà, lịch sử địa phương đều được dạy cùng với các bài hát; người học cũng không nhất thiết phải cùng độ tuổi, từ trẻ lên 5 cho đến tuổi 15 - 16; lớp học không có bàn, có ghế, người học ngồi dưới nền nhà và chẳng ai phải đóng học phí… |
Ông Năm không dạy tràn lan, mà theo chủ đề, trong tháng có sự kiện, cột mốc nào quan trọng, ông lấy đó làm trọng tâm. Ví dụ, trong tháng 3 có ngày kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3) nên chủ đề sẽ tập trung vào truyền thống của Đoàn, về gương những anh hùng trẻ tuổi, với các câu hỏi như: Đoàn thành lập vào ngày, tháng, năm nào? ở đâu? Bí thư Trung ương Đoàn đầu tiên là ai?...và các bài hát như: “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Khát vọng tuổi trẻ”...
Đến tháng 9, ông lại đưa người học trở về thời khắc trọng đại của dân tộc khi Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình, với các câu hỏi như: Ai là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa? Quảng trường Ba Đình ở địa phương nào?…; và các bài hát ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Bác Hồ kính yêu như: “Việt Nam quê hương tôi”, “Ai yêu Bác Hồ hơn thiếu niên nhi đồng”, “Mười chín tháng Tám” để nhắc nhở học sinh không quên ngày độc lập… Các số liệu và sự kiện về lịch sử tưởng chừng như khô khan, nhưng bỗng trở nên dễ học, dễ nhớ qua những câu đố vui, qua những bài hát và tiếng đàn của ông Năm.
Hơn 20 năm dạy học như vậy, ông Năm đã mang tâm huyết của mình “truyền lửa” cho nhiều lứa học trò. Nhiều người đã trở thành giáo viên môn lịch sử, sĩ quan quân đội, công an… Em Lê Thị Lan Anh, cựu sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, tâm sự: “Trước đây em chưa nhớ nhiều những kiến thức lịch sử và chưa thuộc được bài hát cách mạng nào. Nhưng nhờ cách dạy của ông Năm, giờ em yêu thích môn học lịch sử và cũng dễ hiểu, dễ nhớ kiến thức hơn. Em còn thuộc được nhiều bài hát như: “Anh Ba Hưng”, “Em là chiến sĩ giải phóng quân”, “Lá xanh”… Nhờ ông Năm mà trẻ em miệt vườn có thêm nhiều kiến thức lịch sử qua từng lời dạy, câu hát. Chúng em càng tự hào về lịch sử dân tộc, thêm yêu đất nước Việt Nam”.
Gắn bài hát với di tích lịch sử địa phương
Để giúp các trẻ nhỏ yêu thích và học tốt môn lịch sử, ông Năm đã phải nỗ lực rất nhiều, từ chuyện tự trang bị cho mình những kiến thức lịch sử, những tin tức thời sự cập nhật, nhất là sưu tầm những bài hát có liên quan, đến việc làm sao để có kinh phí mua sách vở làm quà thưởng cho các câu hỏi đố vui.
Nhiều năm qua, ngoài dành một phần lương hưu của mình, ông Năm còn được một số đồng đội cũ chung tay góp sức. Chính vì vui, vì thỏa lòng mang sử Việt đến với các trẻ nhỏ mà dù hiện tại tuổi đã cao nhưng ông Năm chưa bao giờ có ý định sẽ dừng công việc này. Đặc biệt, ông có người vợ luôn hết lòng ủng hộ, dù lúc đầu bà cũng đắn đo vì lo cho sức khỏe của ông. Thế rồi, hiểu chồng và mến trẻ, dần dần bà trở thành “trợ thủ đắc lực” của ông.
Bà Nguyễn Thị Lịch, vợ ông Năm vui vẻ, cho biết: “Sức khỏe của ông ấy bây giờ đã giảm sút nhiều, nhưng thấy ông dạy các cháu nhiệt tình quá, với lại tụi trẻ cũng ham học nên tôi luôn ủng hộ. Tuần nào các cháu nghỉ, vợ chồng tôi thấy trống vắng”.
Để học sinh không bị nhàm chán, ông Năm còn đưa các em đi tham quan bảo tàng, những di tích lịch sử ở địa phương và mỗi nơi đến, ông đều cố gắng cung cấp những kiến thức và những bài hát gắn với địa điểm ấy nhằm giúp các em dễ nhớ, dễ khắc ghi.
Ông Nguyễn Văn Tấn, thuyết minh viên khu Di tích Chiến thắng Tầm Vu (tỉnh Hậu Giang), cho biết: “Chú Năm thường xuyên phối hợp với Ban quản lý khu di tích đưa các em đến đây để tham quan và vui chơi. Những chuyến học dã ngoại như vậy, tôi thấy rất ý nghĩa. Chú Năm lớn tuổi rồi mà làm được việc này tôi rất khâm phục. Những người có tâm, có tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề mới làm được chuyện này”.
Riêng với ngành giáo dục địa phương, thời gian qua cũng rất ủng hộ cách làm này và tạo điều kiện để ông Năm chuyên tâm với việc truyền thụ kiến thức lịch sử. Bởi, lớp học sử của ông Năm đã hỗ trợ tích cực cho công tác giảng dạy môn lịch sử ở nhà trường. Đó là một hoạt động mang tính nhân văn rất sâu sắc, tạo được ấn tượng tốt đẹp và niềm tin cho học sinh, cũng như là cha mẹ học sinh.
Cựu chiến binh Văn Đình Thanh - một người luôn hết lòng và tận tâm với lịch sử nước nhà. |
Được ngành giáo dục địa phương và các phụ huynh tin tưởng, đánh giá cao đó là nguồn động viên lớn đối với ông Năm. Và nguồn động viên ấy như được nhân lên khi tháng 6/2018, ông Năm là một trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang được vinh dự ra Hà Nội tham gia chương trình giao lưu “Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức, nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018). Ngoài ra, ông Năm còn được mời tham dự rất nhiều hội nghị điển hình tiên tiến của tỉnh Hậu Giang trong nhiều năm qua.
Được ra Hà Nội, được thăm Lăng Bác, ông Năm - Văn Đình Thanh càng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta”. Lời dạy ấy được ông tâm nguyện và dành trọn những năm tháng tuổi già của mình để truyền lửa cho thế hệ trẻ. Và ông tâm nguyện sẽ dành trọn những năm tháng tuổi già của mình để truyền lửa yêu thích lịch sử nước nhà cho thế hệ trẻ hôm nay.
Việt Nam! Hồ Chí Minh!... Việt Nam! Hồ Chí Minh!... tiếng đàn của ông Năm Thanh, tiếng hát của các trẻ nhỏ cứ vang vọng “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hòa trong tiếng gió của vùng đất Bình Thành thân thương. Ở đây, nhiều mầm xuân đất nước đang nẩy chồi từ lớp học của Cựu chiến binh Văn Đình Thanh - một người luôn hết lòng và tận tâm với lịch sử nước nhà.