Đa dạng giải pháp bảo vệ môi trường ở Thanh Hóa
Quản lý, vận hành các bãi chôn lấp và lò đốt chất thải rắn sinh hoạt được tỉnh Thanh Hóa chú trọng đầu tư |
Chuyển biến tích cực
Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 17 bãi chôn lấp và 26 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Để vận hành các khu xử lý rác thải có hiệu quả và khoa học, UBND các huyện đã và đang giao cho UBND các xã, thị trấn hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường trực tiếp quản lý vận hành; đối với các lò đốt chất thải rắn đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, các chủ đầu tư trực tiếp quản lý vận hành khu xử lý chất thải theo quy định.
Chỉ tính trong năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 914.410 tấn (tương đương 2.505 tấn/ngày); khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý khoảng 839.837 tấn (tương đương 2.300 tấn/ngày), đạt tỷ lệ 91,8%, trong đó: khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt là 229.201 tấn, đạt tỷ lệ 27,3%; được xử lý bằng biện pháp chôn lấp là 571.133 tấn, đạt tỷ lệ 68%; được tái chế là 39.091 tấn, đạt tỷ lệ 4,7%.
Theo thống kê từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 01 đô thị loại I (thành phố Thanh Hóa), 02 đô thị loại III (thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn), 01 đô thị loại IV (thị xã Nghi Sơn) và 31 đô thị loại V; trong đó, có 03 đô thị (gồm thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn) đã được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và hệ thống xử lý nước thải tập trung, bước đầu đưa vào vận hành, giải quyết một phần tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt gây ra. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại các đô thị năm 2023 đạt 93%.
Đối với khu vực nông thôn, có hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn thuộc địa bàn của 469 xã. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được thực hiện gắn với tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã từng bước được nâng lên, dần dần đi vào nề nếp, các địa phương đã quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan môi trường, trồng hoa, cây xanh dọc hai bên đường, trong khu dân cư, xây dựng đồng bộ mương rãnh thoát nước... Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh năm 2023 đạt 97,5%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn đạt 83%.
Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi ở nông thôn được hướng dẫn, khuyến khích thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh và an toàn sinh học như: sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ chăn nuôi giảm chất thải, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, công nghệ khí sinh học biogas. Tỷ lệ hộ chăn nuôi ở nông thôn có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 71,47%.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường và phòng ngừa ô nhiễm |
Đa dạng các giải pháp
Thời gian tới, để triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (đảm bảo hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải được thực hiện chậm nhất từ ngày 31/12/2024), Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 17655/UBND-NN ngày 21/11/2023 về việc triển khai hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt; bố trí mặt bằng, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt lập kế hoạch, bố trí phương tiện thu gom và thực hiện biện pháp xử lý phù hợp với các loại chất thải…
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 4161/QĐ-BTNMT ngày 28/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1257/UBND-NN ngày 24/01/2024 giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các tầng lớp nhân dân để từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường và phòng ngừa ô nhiễm. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, nhằm phát động phong trào toàn dân tham gia BVMT, khuyến khích và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Chú trọng công tác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN, làng nghề; các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền những cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường; đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, lắp đặt và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 02/3/2022; Quyết định số 51/2022/QĐ-UBND ngày 19/10/2022 về quy định tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn nguy hại trên địa bàn tỉnh…
Đối với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai việc thực hiện Quyết định số 3976/QĐ-UBND ngày 18/11/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2025. Tiếp tục vận hành liên tục, hiệu quả đường dây nóng để xử lý dứt điểm những phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về môi trường; công khai thông tin kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị để người dân được biết; tiếp tục nâng cao sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường.
Tiếp tục nâng cao sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường |
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN, làng nghề |