Đã tìm thấy địa điểm phi tang xác chị Huyền
Sáng 14/12, trao đổi với PV, tiến sĩ Vũ Văn Bằng (Hiệp hội các nhà khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết, đang hoàn thành báo cáo kết quả phân tích sơ bộ trình lên công an và người nhà chị Lê Thị Thanh Huyền (36 Hàng Thiếc, Hoàn Kiếm Hà Nội) để đầu tuần tới lên phương án tìm kiếm xác nạn nhân.
Tiến sĩ Bằng cho hay: “Đến giờ phút này, tôi có thể xác định vị trí vứt xác nạn nhân trên cầu Thanh Trì là chính xác. Những ngày qua chúng tôi cũng đã khảo sát trên cạn thì không thấy dấu vết gì phi tang nạn nhân. Điểm xác định vị trí nạn nhân kéo lê, đặt lên thành cầu Thanh Trì thì máy phát hiện chính xác và có độ nhiễm của thi thể trên cầu”.
Theo tiến sĩ Vũ Văn Bằng từ việc xác định chính xác vị trí ném, máy sẽ định vị được hướng xác nạn nhân trôi. “Máy chỉ hướng xuôi dòng về hạ lưu sông Hồng phía Bát Tràng. Hành trình tìm kiếm xác nạn nhân trên sông chúng tôi đi theo tuyến có định hướng, có cở sở chính xác chứ không tìm lan man. Dựa trên cơ sở đó chúng tôi xác định xác nạn nhân chỉ dừng lại cách cầu Thanh Trì khoảng 25km.
"Gia đình chị Huyền và cơ quan công an đã tìm kỹ suốt 49 ngày qua, thậm chí ra đến cửa sông nhưng không thấy gì. Xác sẽ không chìm dưới mặt đáy sông mà bị vùi lấp nên nếu lặn mò thì sẽ không hiệu quả”, tiến sĩ Bằng nói.
Ông Bằng cũng cho biết: “Trong quá trình tìm kiếm máy bức xạ từ, đã xác định được gần 50 vị trí có cốt người ở đó, trong số đó có thể lẫn xác của nạn nhân. Tuy nhiên để chắc chắn hơn chúng tôi cũng đã tìm trên cạn để cho gia đình yên tâm.
Trên cạn có nhiều nhà ngoại cảm chỉ nơi nghi ngờ có xác chị Huyền, người chỉ chỗ này, người chỉ chỗ kia, chúng tôi cũng đã được người nhà dẫn đến dò tìm nhưng không phát hiện thấy gì. Có nhà ngoại cảm bảo xác ở Việt Trì (Phú Thọ), có người cho rằng bác sĩ Tường mang xác về Hà Nam chôn ở nghĩa địa, có người chỉ bãi rác Văn Điển… Tất cả là vô lý, ta có thể xóa ngay những thông tin ấy”, tiến sĩ Bằng cho hay.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Bằng, máy bức xạ từ thứ cấp có thể quét sang 2 bên đường với bán kính 200 mét. “Trong hành trình tìm kiếm ở trong nội thành không phát hiện gì. Có xác định 2 vị trí nghi vấn trên cạn nhưng ko có, đó chỉ là hài cốt của người xa xưa.
Tín hiệu chỉ tập trung chủ yếu cầu Vĩnh Tuy đến cầu Thanh Trì. Sau khi kết thúc hành trình và phân tích, chúng tôi đã xác định được 5 vị trí nghi vấn nhất. Ngoài 2 vị trí xác định chính xác ban đầu là điểm cách cầu Thanh Trì 300 mét và điểm cách cầu 700 mét thì còn có 3 vị trí khác đó là 1 vị trí trước Bát Tràng (ở bên kia bờ sông), 1 vị trí ở bãi bồi xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), điểm cuối cùng ở bến phà Vạn Phúc (huyện Thường Tín)”, ông cho biết.
Nhưng cũng theo tiến sĩ Bằng: “Không thể mò lặn tìm xác mà tôi sẽ bàn với gia đình và cơ quan chức năng phải dùng máy múc gặm đất mang lên bờ, lên thuyền hay sà lan lục tìm từng miếng đất cát mới mong có hy vọng tìm thấy các mảnh lẫn trong đất cát. Nếu như 5 vị trí này không thấy thì chúng tôi sẽ xác định 5 vị trí khác, cứ lọc dần lọc dần, cuối cùng tìm bằng ra mới thôi".
"Chắc thứ 2 tới, tôi gửi bảng phân tích cho cơ quan công an. Ngày thứ 3, tôi sẽ bàn với gia đình và nhóm khoa học để định ra lịch trình. Nếu thống nhất được phương pháp, máy móc thì giữa tuần sau sẽ tiến hành khai quật tìm kiếm", tiến sĩ Bằng nói
Tiến sĩ Bằng cũng cho biết thêm trong vụ việc tìm kiếm lần này, ông tham gia hoàn toàn mang tính chất giúp đỡ, không nhận một khoản tiền nào từ cơ quan điều tra hay gia đình người thân.
“Tôi làm việc này vì trách nhiệm của khoa học. Mình có máy móc, có phương tiện, nếu mình không làm thì không phải với lương tâm. Trường hợp này, tôi giúp là chính chứ không phải vì tiền nong gì cả”, ông nói.
Theo NDT