Đại dịch Covid-19: Mỹ bước vào đỉnh, châu Âu có tín hiệu lạc quan
(SK&MT) - Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 6/4, thế giới ghi nhận 1.270.653 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, với 69.376 ca tử vong và 261.207 ca hồi phục.
Mỹ bước vào tuần đáng buồn nhất
Mỹ tiếp tục là nước có số ca nhiễm với 336.085 người, đã có 9.602 trường hợp tử vong. Trong bối cảnh đại dịch được dự báo sẽ chạm đỉnh trong vòng 2 tuần tới, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo số người chết vì Covid-19 sẽ tăng gấp đôi vào tuần tới. Các chuyên gia y tế Nhà Trắng trước đó cảnh báo, từ 100.000 tới 240.000 người có thể tử vong khi Covid-19 chạm đỉnh ngay cả khi các chỉ dẫn phòng tránh dịch bệnh bao gồm hạn chế ra ngoài và giãn cách xã hội được thực hiện.
Tổng y sỹ Mỹ Jerome Adams ngày 5/4 cho biết, tuần tới sẽ là một tuần khó khăn và đáng buồn nhất trong cuộc đời của hầu hết người dân Mỹ. Theo ông Adams, các bang trên toàn nước Mỹ sẽ chứng kiến số người chết do Covid-19 tăng cao, thậm chí tương đương với số người tử vong trong những sự kiện lớn như Trân Châu cảng và vụ tấn công khủng bố 11/9.
Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Anthony Fauci cũng cảnh báo về một tuần gây sốc trước mắt. Tuy nhiên, ông Fauci cũng hy vọng sau khi chạm đỉnh, số ca nhiễm mới sẽ dần đi xuống như những gì đang diễn ra ở Italy.
Châu Âu có nhiều tín hiệu khả quan
Sau thời gian gia tăng liên tục số ca mắc bệnh và tử vong mới, ngày 5/4, xu thế đảo chiều và dịch bệnh chững lại được ghi nhận tại một số nước châu Âu, đặc biệt là tại các ổ dịch lớn như Tây Ban Nha hay Italy.
Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế nước này cho biết trong ngày 5/4 đã ghi nhận 694 ca tử vong - mức thấp nhất trong 10 ngày qua. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm. Hiện quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này đã ghi nhận tổng cộng 131.646 người mắc COVID-19, trong đó có 12.641 ca tử vong. Tây Ban Nha là nước xếp thế hai thế giới về số người nhiễm virus (sau Mỹ) và thứ hai thế giới về số ca tử vong (sau Italy).
Trong khi đó, số liệu của Viện nghiên cứu Robert Koch cho thấy số ca nhiễm mới tại Đức đã giảm 3 ngày liên tiếp. Tới rạng sáng 6/4, số ca mắc bệnh tại Đức là 100.024, với 3.932 ca mới; trong khi số ca tử vong là 1.576, tăng 132 trường hợp so với 1 ngày trước đó.
Theo Bộ Y tế Pháp, tống số tử vong tính tới tối 5-4 ở nước này là 8.078 trường hợp trong đó có 5.889 ở bệnh viện, tăng 357 so với một ngày trước đó, và ít nhất 2.189 trường hợp ở các nhà dưỡng lão. Có thêm 748 người mắc Covid-19 phải nhập viện. Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, có bẩy bác sĩ đã tử vong trong đó có một trường hợp mới được xác nhận ngày hôm qua.
Đà lây lan của virus corona có dấu hiệu chậm lại vì số người mới được xác nhận nhiễm thấp hơn hẳn so với mấy ngày trước, với 1.873 trường hợp. Kết quả này cho thấy bệnh dịch đã giảm đà lây lan vì số xét nghiệm trong hai ngày qua cao hơn nhiều so với hai tuần trước. Điều này có cơ sở để hy vọng rằng bệnh dịch bớt nghiêm trọng vì Pháp chủ yếu tiến hành xét nghiệm đối với những người có triệu chứng mắc bệnh rõ ràng và cần phải nhập viện.
Tại Italy, số ca tử vong giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua với 525 trường hợp. Lần đầu tiên số người được điều trị tại bệnh viện cũng giảm 61 trường hợp. Đây là dấu hiệu cho thấy dịch có thể đã đạt đỉnh sau gần một tháng phong tỏa toàn bộ đất nước. Dù vậy, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cảnh báo người dân rằng "tình trạng khẩn cấp chưa kết thúc, mối nguy hiểm vẫn còn. Nếu mọi người lại đổ ra đường thì các biện pháp chặn chặn dịch sẽ trở nên vô dụng." Chính quyền Italy đang tính tới phương án ngăn ngừa dịch lây lan trở lại trong thời gian tới bằng cách cung cấp khẩu trang bình thường cho người dân cùng với một ứng dụng điện thoại để theo dõi sức khỏe.
Tình hình ở Tây Ban Nha, nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai ở châu Âu, cũng bớt căng thẳng khi số ca tử vong ở mức thấp nhất trong 10 ngày qua. Số bệnh nhân nặng giảm cũng giảm đáng kể và đà lây nhiễm cũng chậm lại, tăng khoảng 4,8%/ngày so với hơn 12% trong 10 ngày qua. Chính phủ Tây Ban Nha đã chuẩn bị các biện pháp kiểm soát dịch sau khi nới lỏng dần lệnh phong tỏa. Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết, khoảng một triệu test kit Covid-19 đã được chuyển tới chính quyền các vùng để tiến hành xét nghiệm, sau đó đánh dấu những nơi có người nhiễm. Mục đích là để sớm phát hiện những người có triệu chứng và cách ly kịp thời nhằm tránh nguy cơ lây lan trở lại. Việc yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà cũng sẽ được xem xét.
Linh Đức