Đánh giá tác động của việc sử dụng khí N20 (khí cười) đối với sức khỏe con người
Khí Oxit Nitơ (tên hoá học là Dinitrogen monoxyd, hay được gọi là khí cười), công thức hoá học là N2O, là hóa chất được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trong công nghiệp, y học và công nghiệp thực phẩm. Trong vài năm gần đây, việc sử dụng Oxit Nitơ trên thế giới cho mục đích giải trí đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là trong các quán bar, vũ trường và lễ hội. Báo cáo tại Anh năm 2016, Oxit Nitơ là loại chất giải trí phổ biến nhất. Việc sử dụng Oxit Nitơ được cho có thể gây đến những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Việc lạm dụng Oxit Nitơ, đặc biệt là ở thanh thiếu niên đòi hỏi cần phải có một sự quan tâm đặc biệt. Việc có những nghiên cứu hệ thống đánh giá các tác hại của Oxit Nitơ lên sức khỏe con người là hết sức cần thiết và cấp bách.
Oxit nitơ là một hợp chất hóa học, có công thức hóa học là N2O. Ở nhiệt độ phòng, nó là một loại khí không màu, không cháy, có mùi thơm và vị hơi ngọt. Ở nhiệt độ cao, oxit nitơ là chất oxy hóa mạnh tương tự như oxy phân tử.
Khí N2O có nhiều tác động không mong muốn tới môi trường và sức khoẻ con người.
Nitro oxide nằm trong Danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới.
N2O hoạt động rất nhanh và tạo ra các tác dụng sinh lý (như giảm đau, hưng phấn và gây ảo giác) trong vòng vài giây sau khi hít vào. Nồng độ đạt cực đại sau khoảng 1 phút và biến mất trong vòng vài phút mà không có hiệu ứng nôn nao và người dùng có thể quay lại hoạt động bình thường trong một thời gian ngắn sau khi hít vào. Vì vậy, Oxit nitơ được sử dụng như một loại thuốc giải trí vì có khả năng tạo ra cảm giác "phê" ngắn hạn. Hầu hết người dùng giải trí đều không biết về độc tính trên bộ não và khả năng gây tổn thương cấp tính và mạn tính của nó.
N2O là một trong những khí thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo thống kê, oxit nito chiếm 6% tổng lượng khí thải nhà kính tại Hoa Kỳ, sinh ra từ các hoạt động của con người như nông nghiệp, đốt nhiên liệu, quản lý nước thải và các quy trình công nghiệp.
Để sử dụng giải trí, oxit nitơ thường được bán trong bóng bay chứa sẵn hoặc hộp kim loại áp suất nhỏ được thiết kế cho ngành công nghiệp thực phẩm.
Oxit nitơ đã được sử dụng trong nha khoa và phẫu thuật, làm thuốc gây mê và giảm đau từ năm 1844. Trong thời gian đầu, khí này được truyền qua các ống hít đơn giản bao gồm một túi thở làm bằng vải cao su. Ngày nay, oxit nitơ được sử dụng trong bệnh viện qua máy giảm đau tương đối tự động, với máy gây mê và máy thở y tế, cung cấp dòng khí được định lượng chính xác oxit nitơ trộn với oxy theo tỷ lệ 2:1.
Oxit nitơ là một chất gây mê toàn thân yếu và do đó thường không được sử dụng riêng lẻ trong gây mê toàn thân mà được sử dụng làm khí vận chuyển (trộn với oxy) cho các loại thuốc gây mê toàn thân mạnh hơn như Sevoflurane hoặc desflurane. Việc sử dụng oxit nitơ trong gây mê có thể làm tăng nguy cơ buồn nôn và nôn sau phẫu thuật.
Hít oxit nitơ được sử dụng thường xuyên để giảm đau cho sinh đẻ, chấn thương, phẫu thuật miệng và hội chứng mạch vành cấp tính. Việc sử dụng nó trong quá trình chuyển dạ đã được chứng minh là một biện pháp hỗ trợ an toàn và hiệu quả cho phụ nữ trong cuộc sinh đẻ. Việc sử dụng nó cho hội chứng mạch vành cấp tính vẫn chưa rõ lợi ích.
Theo một cuộc khảo sát về sử dụng chất tác động tâm thần toàn cầu năm 2016 trên hơn 100.000 người trả lời từ hơn 50 quốc gia, cho thấy 4% người dùng N2O không thường xuyên có các triệu chứng tổn thương thần kinh, với khoảng 3% người dùng báo cáo dị cảm. Các triệu chứng lâm sàng cấp tính phổ biến nhất bao gồm dị cảm (80%), dáng đi không vững (58%) và yếu chi (43%).
Một số triệu chứng lâm sàng ít gặp xuất hiện cấp tính như là liệt nửa người, tê bì các chi, và rối loạn tiền đình. Trong một cuộc khảo sát người sử dụng chất tác động tâm thần toàn cầu, bên cạnh các triệu chứng thần kinh, các triệu chứng tâm thần cũng có thể xuất hiện cấp, chẳng hạn như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn nhận thức.
Việc sử dụng kéo dài, liên tục N2O có liên quan đến các hậu quả mạn tính nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh tủy và các bệnh do mất myelin, được gọi chung là bệnh đa dây thần kinh khử myelin (GDP). Các bệnh lý này trên lâm sàng sẽ biểu hiện thông qua yếu cơ, rối loạn tiền đình và tê bì, dần dần có thể dẫn đến liệt chi.
Một mối tương quan thuận đã được tìm thấy giữa mức độ sử dụng N2O và mức độ bệnh lý tủy và GDP, và hầu hết người dùng N2O kéo dài (trung bình: 300 quả khí cười/ngày trong 6 tháng) có dấu hiệu của bệnh thần kinh do thiếu hụt Cobalamin. Việc bổ sung cobalamin (vitamin B12) gây ra sự cải thiện đáng kể về thần kinh hoặc thậm chí phục hồi ở hầu hết người bệnh, tuy nhiên, có một số người bệnh sẽ chỉ hồi phục một phần, với các bệnh thần kinh dai dẳng, chẳng hạn như dị cảm, yếu chân tay và/hoặc liệt chi. Hơn nữa, sử dụng N2O kéo dài cũng dẫn đến xuất hiện các triệu chứng tâm thần (lo âu, trầm cảm, hưng cảm, loạn thần, rối loạn nhận thức và mê sảng).
Mặc dù được cho là không gây nghiện về mặt thể chất, nhưng sử dụng N2O có thể trở thành thói quen, thậm chí gây lệ thuộc về mặt tâm thần. Sau khi hít vào, N2O mang lại cảm giác phê, tạo sự thèm nhớ và muốn tiếp tục sử dụng. Sự dung nạp có thể xảy ra khi sử dụng trong thời gian dài và cần phải tăng dần liều ở những lần sau để đạt được hiệu quả cảm giác tương tự.
Về mặt chính sách, tại nước ta, 29/8/2023, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O đúng theo quy định của pháp luật; Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O.