Để đồng bào dân tộc thiểu số dù ở đâu cũng được thụ hưởng chính sách phù hợp
Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2024-2025 khu vực phía nam |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Như trên tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2024-2025 khu vực phía nam do Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức ngày 3/7.
Đây là hội nghị thứ ba sau các hội nghị cho khu vực phía bắc và khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức lần lượt tại Tuyên Quang, Khánh Hòa vào tháng 6 vừa qua.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, đến ngày 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021 - 2023 của 13 tỉnh, thành phố khu vực phía nam được hơn 701 tỷ, đạt 25,92%. Một số địa phương có tỉ lệ giải ngân cao so với bình quân khu vực và bình quân cả nước là Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Phước, Tây Ninh.
Mặc dù Chương trình mới đưa vào triển khai tại địa phương từ nửa cuối năm 2022 nhưng một số chỉ tiêu ước đến ngày 31/12/2023 hoàn thành, vượt kế hoạch được giao như: Tỉ lệ xã, thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông, cứng hóa; tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới, nguồn điện khác phù hợp và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Một số chỉ tiêu về con người ở khu vực phía nam đã đạt và vượt so với khu vực khác như: Tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, tỉ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi, tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi.
Trên cơ sở nguồn lực của Chương trình và sự nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và triển khai Chương trình, đến nay nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, tỉ lệ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số của khu vực phía nam lại thấp hơn các khu vực khác, chỉ đạt bình quân 1,89%.
Thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân như: Đối tượng người dân tộc thiểu số nghèo ở khu vực phía nam (đặc biệt là Tây Nam Bộ) phần lớn thuộc diện nghèo "bền vững". Các hộ di dân ngoài kế hoạch, hộ người dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn còn thiếu đất ở, đất sản xuất, phương tiện sản xuất, nước sinh hoạt. Dù các chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề này đã được đưa vào Dự án 1, Dự án 2 của Chương trình, nhưng còn vướng mắc về quy định, cơ chế, nên địa phương gặp khó trong tổ chức triển khai, chính sách chưa được giải quyết trong khi người dân tộc thiểu số nghèo ở địa bàn này chịu tác động gia tăng của hiện tượng biến đổi khí hậu tiêu cực như hạn hán, xâm nhập mặn…
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, TP. Cần Thơ luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ nguồn ngân sách địa phương, Thành phố bố trí lồng ghép việc thực hiện Chương trình vào việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn, với tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 69,084 tỷ đồng.
Chính nhờ sự tập trung, chăm lo và sự phấn đấu vươn lên nên đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ còn 1,14% tổng số hộ dân tộc thiểu số, Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 0,38%.
Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt chăm lo tốt hơn đời sống, vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững; kết nối doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho người lao động...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc lớn, mang tính nền tảng, đặc thù tác động đến tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I (2021 - 2025) tại các địa phương; nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình cho giai đoạn 2024, 2025 để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cho cả giai đoạn; đồng thời cho ý kiến về cơ chế, chính sách; đề nghị điều chỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu và cả nội dung của các dự án, tiểu dự án cho giai đoạn 2024 - 2025 của các địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Việc triển khai Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tại các địa phương mới chỉ thực hiện được hơn một năm, thời gian còn lại khoảng 2,5 năm với khối lượng công việc rất lớn. Các dự án cần được triển khai đồng bộ đến tận thôn, bản, người dân, đòi hỏi có giải pháp quyết liệt, quyết tâm, công tác phối hợp phải rất chặt chẽ.
Hiện nay, tuy tổng số đối tượng, nguồn vốn dành cho Chương trình này ở khu vực phía nam chiếm tỉ lệ nhỏ so với khu vực khác trong cả nước nhưng theo báo cáo, tỉ lệ giải ngân lại không cao, thậm chí có địa phương còn chưa giải ngân.