Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh - chìa khóa ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững
“Hội nghị Chuyển đổi xanh – nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững” |
Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Huy Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Tam Dương; Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng Thị Kim Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Tập đoàn Vingroup và một số tổ chức, doanh nghiệp.
Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện chuyển đổi xanh
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Duy Đông, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Sau gần 30 năm tái lập, kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, trung bình đạt 13,8%/năm trong giai đoạn 1997-2022; quy mô nền kinh tế năm 2023 là 158,1 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 14 toàn quốc; thu ngân sách nhà nước đứng thứ 10/63 tỉnh thành. GRDP bình quân đầu người đạt 5.400 USD, đứng thứ 9/63 tỉnh thành phố trong cả nước.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế...
Những thành tựu đã đạt được là kết quả của việc triển khai những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài nước. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đóng góp hết sức quan trọng tới sự thành công trong phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Bên cạnh những thuận lợi, Chủ tịch Trần Duy Đông cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang phải đối mặt với những thách thức có liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu; thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất được triển khai ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có liên quan tới các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như thép, sắt, vật liệu xây dựng…
Trong bối cảnh này, tỉnh Vĩnh Phúc đang từng bước nghiên cứu, xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh nhằm đạt được mục tiêu Net Zero, phù hợp với các định hướng và chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược này bao gồm việc phát triển hạ tầng bền vững, bảo vệ môi trường và khuyến khích các giải pháp năng lượng tái tạo.
Ông Trần Duy Đông chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra một số giải pháp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực xanh cụ thể như:
Rà soát, sắp xếp lại quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chọn lọc trong thu hút đầu tư cùng với định hướng thu hút FDI xanh, chủ động hạn chế một số dự án gây ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất da, cao su, dệt nhuộm, giấy và không chấp thuận các dự án có tính chất sản xuất ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Xây dựng sáng kiến bằng đề án cụ thể là Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 17/4/2023. Trong đó có xác định mục tiêu là thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.
Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để đưa ra các giải pháp phát triển xanh bền vững như: hỗ trợ dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc định hướng dự án trở thành cảng cạn đạt mức phát thải ròng bằng 0 đầu tiên của châu Á vào năm 2040; thành lập Tổ công tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty Honda Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát thải ra môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất.
Tham luận tại hội nghị, các cố vấn, chuyên gia, đại diện của Bộ Công thương, Tập đoàn VinGroup... đã làm rõ các nội dung về “Chuyển đổi xanh - Kế hoạch hành động vì tương lai bền vững của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về chỉ số xanh cấp tỉnh”; chuyển đổi xanh, phát thải ròng bằng 0 và những vấn đề liên quan đến quản trị cấp tỉnh; một số giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững; xu hướng tiêu dùng xanh, lối sống bền vững hướng tới phát triển chuỗi dịch vụ thương mại; thực tiễn doanh nghiệp trong thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện với môi trường và gợi ý cho Vĩnh Phúc...
Đặc biệt là chú trọng những hành trình đến Net Zero đối với lĩnh vực vận tải, giao nhận, bưu chính, chuyển phát, kho bãi, cảng...Từ đó có những giải pháp giải quyết các vướng mắc, rào cản khi thực hiện chuyển đổi xanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh trong xu thế hội nhập.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast đánh giá: Vĩnh Phúc là một trong những địa phương tiên phong và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh theo định hướng của Chính phủ hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 – một tầm nhìn có thể thấy rõ qua những chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân. Các sáng kiến trong quy hoạch phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo của tỉnh đã được thể hiện qua những hành động cụ thể, thiết thực.
Là tập đoàn đa ngành hàng đầu tại Việt Nam, Vingroup đang tiên phong, đi đầu trong nhiều lĩnh vực kinh tế xanh, nổi bật nhất là hệ sinh thái xe điện VinFast và các dịch vụ vận tải xanh công cộng. VinFast, thương hiệu xe điện là minh chứng rõ ràng nhất cho cam kết thúc đẩy chuyển đổi xanh, thực hiện sứ mệnh kiến tạo tương lai xanh.
Để hiện thực hóa sứ mệnh ấy, Vingroup đã khởi xướng chiến dịch "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam – Vì tương lai Xanh" như một cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn về việc đồng hành cùng đất nước trên con đường phát triển bền vững.
"Như ứng dụng trên taxi Xanh cho phép người dùng di chuyển 130 km sẽ tương đương với việc trồng một cây xanh. Khi tích lũy quãng đường, người dùng có thể "trồng" 200 cây, 300 cây, để cùng nhau tạo nên một cách hình dung đầy ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ứng dụng này cũng tích hợp khi sử dụng dịch vụ taxi xanh, giúp người dân đóng góp vào lối sống xanh",
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông và Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy ký Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Vingroup về xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. |
Tại hội nghị, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup đã ký kết Bản ghi nhớ về xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Hai bên sẽ cùng nghiên cứu, xây dựng chương trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2025 - 2030, nhất là trong xây dựng, phát triển du lịch xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, hạ tầng đô thị xanh, giao thông xanh, lối sống xanh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cùng các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần đầu tư Thành Long và Công ty Cổ phần phát triển trạm sạc toàn cầu V-Green. |
Nhân sự kiện này, trong 2 ngày 23 - 24/11, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức chương trình “Roadshow Car VinFast – Hành trình mãnh liệt tinh thần Việt Nam” tại Quảng trường Hồ Chí Minh, với nhiều hoạt động như trưng bày và lái thử xe ô tô điện, xe máy điện, trải nghiệm xe bus điện của VinFast và nhiều hoạt động bên lề khác.