Để thương hiệu trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long vươn rộng, bay xa
Theo Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, diện tích cây ăn trái của Việt Nam hiện nay khoảng 1,2 triệu hecta với nhiều loại trái cây chủ lực như xoài, sầu riêng, vú sữa, mít, nhãn, bưởi, chanh leo và nhiều loại trái khác. Hiện trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu sang 60 thị trường trên thế giới, nhiều loại trái cây đã khẳng định được thương hiệu tại các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, vùng ĐBSCL là nơi chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu trái cây của Việt Nam, diện tích trồng cây ăn trái ở khu vực này khoảng 370.000 hecta với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được các địa phương quy hoạch thành vùng chuyên canh tập trung để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Xây dựng thương hiệu trái cây vùng ĐBSCL để xuất khẩu
Với diện tích trồng thanh nhãn gần 70 hecta tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, Tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden với 11 thành viên đang xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Australia. Theo ông Trần Phước Sơn, thành viên Tổ hợp tác cho biết, quy trình canh tác được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap, sản phẩm đồng nhất về kích cỡ, chất lượng phải đảm đảm, khi đó mới xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Người làm vườn thu hoạch nhãn. |
“Chúng tôi quan tâm đến xây dựng chất lượng, nếu có chất lượng tốt thì mình không lo gì sản phẩm của mình mà doanh nghiệp không tìm đến, chính vì chỗ đó chúng tôi xây dựng các mô hình làm theo cái tiêu chuẩn VietGap. Hàng hóa mình muốn cạnh tranh được thì không còn cách nào khác hơn là mình vừa cải tiến kỹ thuật nhưng mà phải làm theo hướng sạch, đủ tiêu chuẩn đi xuất khẩu các thị trường khó tính”, ông Trần Phước Sơn chia sẻ.
Để trái cây vào được những thị trường khó tính ngoài yêu cầu mẫu mã, chất lượng thì phải đáp ứng các tiêu chí về mã số vùng trồng, cơ sở nhà đóng gói và kiểm dịch thực vật. Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu II- Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT, từng thị trường nhập khẩu sẽ đưa những yêu cầu, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực phẩm từng lô hàng xuất khẩu. Chính vì vậy cần phải hiểu rõ những quy định của từng thị trường và yêu cầu mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thu hoạch thanh nhãn. |
Cần Thơ trung tâm của vùng ĐBSCL với hạ tầng giao thông thuận tiện để xuất khẩu hàng hóa nông sản đi các thị trường bằng đường hàng không, vận tải thủy, đường bộ. Hiện nay tại Cần Thơ đã có trung tâm chiếu xạ với quy mô lớn với công suất 20.000 tấn/năm, đáp ứng được nhu cầu về chiếu xạ trước khi xuất khẩu của các doanh nghiệp và Trung tâm này sẽ giảm tải cho các trung tâm chiếu xạ tại TP. HCM, góp phần giảm thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa, tạo sức cạnh tranh cho nông sản ĐBSCL.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Công ty chiếu xạ Cần Thơ cho biết, trong dự án chiếu xạ Cần Thơ giai đoạn 1 sẽ có kho hàng rời và nhà máy chiếu xạ để phục vụ cho hàng tồn lưu vài ngày trong thời gian chờ chiếu xạ. Ngoài ra trong giai đoạn 2 Công ty sẽ triển khai kho lạnh để lưu trữ hàng hóa đông lạnh để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu lưu trữ hàng hóa tại cơ sở Cần Thơ.
Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái chủ lực
Hiện nay, diện tích cây ăn trái của Cần Thơ đang được mở rộng và đáp ứng các tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Hiện diện tích cây ăn trái của thành phố trên 25.000 hecta với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: xoài, vú sữa, nhãn, sầu riêng, măng cụt, dâu hạ châu. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, địa phương đang tập trung nguồn lực đầu tư hệ thủy cho vùng sản xuất cây ăn trái để hình thành các vùng chuyên canh tập trung, áp dụng quy trình canh tác bền vững, gắn kết với doanh nghiệp để nông sản có đầu ra ổn định.
Thu hoạch vú sữa. |
“Trong mấy năm gần đây vấn đề liên kết, tiêu thụ đặc biệt trong ngành hàng cây ăn trái ở thành phố Cần Thơ thì cũng diễn ra hết sức là sôi động, nhiều loại cây ăn trái giá trị sầu riêng, vú sữa, nhãn thì được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Khi thiết lập mã vùng trồng thì các doanh nghiệp đều đứng ra mong muốn liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho thị trường xuất khẩu”, ông Trần Thái Nghiêm nhấn mạnh.
Trái cây vùng ĐBSCL đóng góp lớn vào xuất khẩu chung của Việt Nam. Hiện nay diện tích cây ăn trái ở khu vực ĐBSCL khoảng 370.000 ha, trong đó tỉnh Tiền Giang với diện tích lớn nhất hơn 80.000 hecta, còn lại các địa phương Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp có diện tích vườn cây ăn trái từ 25.000 đến 50.000 hecta. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, diện tích cây ăn trái ở vùng ĐBSCL lớn nhưng quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và chưa hình thành được nhiều vùng chuyên canh tập trung có sự gắn kết giữa người dân, doanh nghiệp trong bao tiêu, xuất khẩu.
Hiện nay, nhiều địa phương đang quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, khuyến khích người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết để nông sản ổn định đầu ra, đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, hiện nhiều loại cây ăn trái ở vùng ĐBSCL được các nhà vườn rải vụ thành công, điều này đã làm giảm áp lực mùa vụ, giúp cho doanh nghiệp có hàng để tham gia ký kết các hợp đồng xuất khẩu.
Thu hoạch mít. |
Theo ông Tùng trước đây trái cây theo mùa còn bây giờ được người dân rải vụ cho các tháng trong năm, bây giờ có khoảng 45% diện tích trái cây được rải vụ, trong đó có cây sầu riêng đang được Thái Lan qua học cách rải vụ. Ngoài ra, giữa khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ thường trái cây cũng lệch thời điểm thu hoạch 1 tháng nên giảm áp lực trong tiêu thụ.
ĐBSCL đã đóng góp rất lớn trong xuất khẩu trái cây của Việt Nam trong những tháng đầu năm, những tín hiệu xuất khẩu tích cực đầu năm khi nhiều lô hàng trái cây xuất khẩu sang các thị trường khó tính đã cho thấy ngành hàng trái cây vùng ĐBSCL đã chuyển mình để thích nghi, đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác nhập khẩu. Với thế mạnh về nông nghiệp, các địa phương đang quy hoạch lại vùng sản xuất để hình thành những vùng chuyên canh tập trung theo tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây của vùng ĐBSCL chủ yếu dưới dạng tươi, thời gian bảo quản ngắn, dễ hư hỏng, đây được xem là điểm yếu về xuất khẩu trái cây của vùng. Vì vậy cần phải có chiến lược thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến trái cây để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu, khi đó sẽ gia tăng giá trị cho ngành trái cây toàn vùng.