Đèn tảo Aloxy – chiếc máy lọc tự nhiên
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên là giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị Yên đã thành công thương mại hóa sản phẩm đèn tảo lọc không khí và sinh oxy tươi.
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên tại lễ trao giải Kovalepskaia |
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên còn nhớ trong sự kiện Techfest 2021, cuối tháng 11/2021, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã đến thăm khu trưng bày sản phẩm Khoa học - Công nghệ của chi hội Nữ Trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị Yên đã giới thiệu tới ông những phiên bản đầu tiên của chiếc đèn tảo. Thứ trưởng đã đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu các nhà khoa học Bách khoa Hà Nội đã đạt được.
Các mô hình đèn tảo lọc không khí, hấp thụ CO2 cũng được giới thiệu với ngài John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu trong chuyến thăm trường Đại học Bách khoa Hà Nội cuối tháng 2/2022, qua đó phần nào hiểu thêm những gì người Việt Nam nói chung và các nhà khoa học Bách khoa Hà Nội nói riêng đã và đang cố gắng nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực môi trường nhằm góp sức ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ những phiên bản chế tạo đầu tiên từ năm 2018 đến nay, chị Yên đã nỗ lực cải tiến và phát triển sản phẩm, đưa đèn tảo đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua thương mại hóa. Hiện nay, đèn tảo được thiết kế có nhiều kích thước khác nhau, loại nhỏ gọn nhất phù hợp để bàn, các loại lớn hơn phù hợp cho các không gian rộng hơn.
Hệ thống tích hợp hai chức năng là lọc bụi mịn giống như các máy lọc không khí thông thường và hấp thụ CO2, sinh ra khí oxy tươi, như một hệ sinh thái đơn giản.
Căn cứ vào các công bố trên thế giới về khả năng quang hợp của tảo cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng trong nhà, PGS.TS Yên đã sáng tạo ra thiết bị đèn tảo đầu tiên ở Việt Nam nhằm cải thiện chất lượng không khí trong các không gian kín và cung cấp thêm oxy tươi cho căn phòng, đây là chức năng mà các máy lọc không khí thông thường hiện nay không có.
Kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trên các mô hình đèn tảo cho thấy hiệu suất hấp thụ CO2 của thiết bị đạt 60-80% ứng với nồng độ CO2 đầu vào từ 800-2500 ppm.
Luôn đứng ở cả vai trò là khách hàng, hiểu yêu cầu của người dùng thông qua trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, PGS.TS Thái Yên đã nhiều lần chỉnh sửa thiết kế để thiết bị đèn tảo hoàn thiện từng ngày. Hiện nay, PGS.TS Yên đang hợp tác với một doanh nghiệp để thương mại hóa các dòng đèn tảo với thương hiệu ALOXY.
Trong thiết bị đèn tảo gồm có 3 bộ phân chính gồm: Màng lọc Hepa giúp tách bụi mịn; bộ bơm sục khí giúp hút không khí từ ngoài vào đèn, qua đó loại bỏ khí cacbonic; đèn LED cung cấp ánh sáng cho tảo phát triển.
Với phiên bản đèn tảo nhỏ để bàn đang được thương mại hiện nay, nút điều khiển ánh sáng có 3 mức sáng mờ, trung bình và mạnh, phù hợp nhu cầu người sử dụng. Nút bật/tắt bơm khí được tách riêng để đảm bảo bơm luôn hoạt động hút khí, đảm bảo chức năng lọc bụi của thiết bị. Tốc độ hút khí cũng theo 3 chế độ với lưu lượng khác nhau. Với tần suất sử dụng liên tục không ngừng nghỉ, một tháng, chiếc đèn tảo tiêu hao khoảng vài số điện.
Bên cạnh dòng đèn tảo để bàn, PGS.TS Yên đang tiếp tục phối hợp với công ty Aloxy để cho ra các mẫu đèn theo không gian và yêu cầu của khách hàng, Thiết bị với nguồn sáng màu sắc khác nhau cũng đã được thử nghiệm để tối ưu quá trình phát triển của tảo, giúp cho hiệu suất hấp thụ CO2 tốt nhất, sinh oxy cao nhất và phù hợp theo yêu cầu cũng như phong thủy của người dùng.
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên cho biết, sau khi các phóng sự về đèn tảo được phát sóng trên VTV1, VTV2, rất nhiều người xem đã gọi điện nhờ tư vấn và liên hệ mua sản phẩm này. “Sau Covid-19 và trong hoàn cảnh ô nhiễm không khí gia tăng, quan tâm về sức khỏe và nhu cầu về oxy trong nhà của mọi người đã tăng lên rõ rệt. Vì vậy chúng tôi càng quyết tâm đẩy nhanh quá trình đưa nghiên cứu ra thành các sản phẩm tiêu dùng đa dạng hơn”, PGS.TS Yên bộc bạch.
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên giới thiệu đèn tảo với Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tại triển lãm KH&CN |
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên xác định bản thân có thể làm tốt chuyên môn, nghiên cứu khoa học, còn sản phẩm của mình cần kết hợp với những nhà máy sản xuất doanh nghiệp bên ngoài để đưa ra thị trường.
Với thành công bước đầu khi thăm dò thị trường bằng chiếc đèn tảo để bàn, PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên có thêm động lực để tiếp tục cố gắng, phát triển tiếp các dòng sản phẩm quy mô lớn và có tầm ảnh hưởng rộng hơn.