Dịch Covid-19 lây lan rộng ở cả 5 châu lục
Tính đến 19 giờ ngày 25/2, số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận toàn thế giới có 2.707 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 80.328 ca nhiễm. Như vậy so với cùng giờ ngày 24/2, số ca lây nhiễm tăng 621 người.
Số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 ở Trung Quốc đã không còn gây "choáng váng", nhưng ở Ý và Hàn Quốc những con số này đang khiến người dân toàn thế giới lo ngại. Đến nay đã có 43 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Tính đến cuối ngày 25/2, Hàn Quốc có thêm 144 trường hợp nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm bệnh của quốc gia này lên 977, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC). Như vậy, kể từ ngày 18/2, con số này đã tăng hơn 30 lần.
*Còn ở Ý, cơ quan chức năng khu vực Veneto cho biết, một cụ bà 76 tuổi cùng ngày đã tử vong ở thành phố Trevis, miền Bắc Italy, trở thành nạn nhân thứ 11 của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại quốc gia Nam Âu này. Tổng ca tử vong và nhiễm bệnh liên quan đến dịch Covid-19 lần lượt là 11 và 322, số ca nhiễm nhiều nhất tại châu Âu.
Ý đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan từ tâm dịch ở các khu vực giàu có Lombardy và Veneto. Số ca lây nhiễm COVID-19 được ghi nhận trong ngày 25/2 là 322 so với 229 ca trong ngày 24/2. Phần lớn các ca nhiễm bệnh ở miền Bắc Italy. Ý đang là mối lo của Châu Âu khi cả hai ca nhiễm đầu tiên ở Áo và Croatia đều từng đến Ý.
Ý đóng cửa trường học, bảo tàng, nhà hát, đồng thời phong tỏa 2 khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất là vùng Lombardy và Veneto.
12 quốc gia châu Âu đều đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19, trong đó Áo, Croatia và Tây Ban Nha xác nhận các ca nhiễm đầu tiên hôm 25/2.
Croatia xác nhận ca nhiễm đầu tiên là một người đàn ông từng đến Milan (Ý). Áo cũng ghi nhận 2 trường hợp nhiễm bệnh là cặp vợ chồng di chuyển từ vùng Lombardy (Ý). Tây Ban Nha có 3 trường hợp: một phụ nữ ở Barcelona tới Lombardy trong những ngày gần đây, một bác sỹ Ý và bạn đi tới Tây Ban Nha nghỉ dưỡng.
*Theo thống kê của giới chức Iran, tính đến ngày 25/2, ở nước này đã có 16 người tử vong do Covid-19. Tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này là 95 người. Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi đã nhiễm virus Corona SAR-CoV-2 và đang bị cách ly. Một chính trị gia nổi tiếng của Iran là ông Mahmoud Sadeghi ngày 25/2 cũng tuyên bố ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
*Chính quyền Đức hôm 25-2 cho biết một thanh niên 25 tuổi sống ở bang Baden-Wuerttgl cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19 sau chuyến đi tới Milan (Ý) và một người đàn ông khác ở phía Bắc nước này đang trong tình trạng nguy kịch. Các trường hợp nhiễm mới đã nâng tổng ca nhiễm tại Đức lên 18 và chưa có trường hợp tử vong.
Các trường học và trường mẫu giáo ở Heinsberg thuộc Rhine-Westphalia, nơi người đàn ông này đã đến, sẽ đóng cửa trong ngày 26/2 như biện pháp phòng dịch.
*Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đã nhận định nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 tại nước này khi ông yêu cầu một Ủy ban Thượng viện phê chuẩn ngân sách 2,5 tỷ USD để chống dịch.
Bộ trưởng Y tế Mỹ cũng cho hay hiện nước này đang dự trữ khoảng 30 triệu khẩu trang, nhưng ước tính số lượng cần thiết phải lên tới 300 triệu chiếc.
Trong một diễn biến có liên quan, Thị trưởng TP San Francisco London Breed hôm 25-2 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó tốt hơn trước nguy cơ virus xuất hiện. Tuyên bố có hiệu lực ngay lập tức.
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp người dân địa phương chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực và nhân sự để ứng phó với dịch bệnh.
Theo tuyên bố tình trạng khẩn cấp này, giới chức San Francisco sẽ được phép tập hợp các nguồn lực và nhân nhằm thúc đẩy các biện pháp và lập kế hoạch khẩn cấp, đồng thời thúc đẩy khả năng triển khai phản ứng nhanh với bất kỳ trường hợp nào có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuyên bố trên của thành phố San Francisco được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về khả năng bùng phát dịch bệnh trên tại Mỹ. Trước đó, bà Nancy Messonnier, Giám đốc Trung tâm tiêm chủng và bệnh hô hấp quốc gia thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết dịch bệnh đang lan rộng ở ngày càng nhiều quốc gia, việc ngăn chặn thành công ở biên giới của Mỹ ngày càng khó khăn hơn.
Tính đến sáng ngày 26/2, Mỹ ghi nhận 57 ca lây nhiễm virus COVID-19, chưa có trường hợp tử vong.
Covid-19 lan rộng ở châu Âu sau khi bùng phát ở Italy
*Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 25/2, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, 15 trường hợp bị Covid-19 tại nước này đã được điều trị thành công. 7 trường hợp bị bệnh còn lại vừa trở về từ du thuyền Diamond Princess chỉ có các triệu chứng nhẹ và đang được điều trị. Cho đến lúc này, chưa có trường hợp lây nhiễm sang cộng đồng tại Australia. Thực tế này cho thấy biện pháp cách ly mà chính quyền Australia thực hiện thời gian qua phát huy hiệu quả cao, khiến cho nước này kiểm soát tốt Covid-19.
*Ngày 25/2, truyền hình nhà nước Algeria đưa tin, nước này đã xác nhận ca đầu tiên dương tính với chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
*Trong họp báo ngày 24-2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại về tình trạng bùng phát dịch tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Iran. Trước tình hình này, viễn cảnh COVID-19 tiến triển thành đại dịch toàn cầu trong tương lai là hoàn toàn có khả năng. Dù vậy, giới chức WHO hiện vẫn từ chối công nhận COVID-19 là đại dịch.
Dù vậy, ông Tedros vẫn kêu gọi thế giới cần tập trung ngăn chặn dịch, đồng thời làm mọi việc có thể để sẵn sàng cho nguy cơ một đại dịch.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nhận định tình hình hiện nay đã cấu thành đủ điều kiện gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu.“Hiện giờ chúng tôi coi đây đã là đại dịch, vấn đề chỉ là cách gọi. Việc WHO có quyết định thừa nhận điều này không chỉ là vấn đề thời gian” - TS Bharat Pankhania thuộc Đại học Y Exeter (Anh) nhận định:
Đồng quan điểm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong Dirk Pfeiffer cho rằng tình hình mới đòi hỏi chính phủ các nước phải thay đổi tư duy phòng, chống dịch từ khống chế, cách ly virus sang giảm thiểu rủi ro. Ông chỉ ra thế giới không còn một nguồn lây nhiễm tập trung là Trung Quốc nữa, mà hiện giờ hầu như nước nào cũng có nguy cơ trở thành nguồn lây lan mới.
Bi quan hơn, ông Paul Hunter, chuyên gia tại ĐH East Anglia (Anh), cảnh báo thời gian để kiểm soát dịch có thể đang cạn dần. Theo ông Hunter, sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm tại Hàn Quốc là chưa từng có tiền lệ kể từ khi dịch bệnh xảy ra, trong khi tình hình tại Ý là nỗi lo lớn của cả châu Âu.
Linh Đức