Đồng bằng Sông Cửu Long chủ động, thích ứng với hạn mặn, sụt lún, thiếu nước ngọt
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Xâm nhập mặn ở các cửa sông có xu thế giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Riêng trên các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé, xâm nhập mặn vẫn tăng đến nửa đầu tháng 5, sau đó giảm dần từ nửa cuối tháng 5.
Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL cấp 2. Độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực.
Cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) được vận hành để ngăn chặn xâm nhập mặn. |
Trước tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân. Đồng thời, chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.
Ghi nhận tại tỉnh Bến Tre, từ đầu mùa khô năm 2023 - 2024 đến nay, nước mặn trên các sông chính chủ yếu lên xuống theo thủy triều. Độ mặn cao duy trì trong khoảng thời gian ngắn nên lượng nước ngọt dự trữ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động của các nhà máy nước, thực hiện tốt công tác chuẩn bị và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng thực hiện phương án vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước từ các nhà máy có nước ngọt (hoặc độ mặn thấp) đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao. Vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước và thông báo đến người dân để lấy nước phục vụ ăn uống. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương thực hiện phương án vận chuyển nước thô bằng sà lan về các nhà máy nước để xử lý, giúp người dân dự trữ, ứng phó trong trường hợp tình trạng xâm nhập mặn kéo dài, tại nhà máy nước như: Tân Hào, Lương Phú, Phước Long (huyện Giồng Trôm), Long Định (huyện Bình Đại), Bình Khánh Đông (huyện Mỏ Cày Nam).
Nhiều kênh rạch ở vùng ĐBCSL đã cạn khô nước. |
Từ đầu mùa vụ, ngành chức năng tỉnh Bến Tre kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch. Các địa phương triển khai phương án bảo vệ sản xuất cụ thể đối với từng khu vực theo kế hoạch, phương án đã xây dựng. Nhất là khu trồng cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng tại các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc... Người dân trên địa bàn Bến Tre cũng đã phát huy hiệu quả của phương án “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”, phát huy tính sáng tạo, nhân rộng các mô hình hay đã mang lại hiệu quả trong thời gian qua như: trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất; tăng cường chia sẻ thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên mạng xã hội như Zalo, Facebook...; chủ động đắp đập tạm, bờ bao ngăn mặn cục bộ để bảo vệ sản xuất của hộ gia đình; tự trang bị máy đo mặn để đo kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới cho cây trồng hoặc mang mẫu nước đến các điểm đo mặn tập trung để kiểm tra trước khi tưới; sử dụng phương tiện (sà lan, ghe, xe...) để vận chuyển nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất; thực hiện sản xuất theo khuyến cáo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng…
Sụt lún ở vùng U Minh Thượng
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang cho biết, từ đầu tháng 3/2024 đến nay, tình hình hạn hán diễn ra gay gắt trên địa bàn huyện U Minh Thượng. Do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, làm cho nước bốc hơi nhanh, khô cạn mặt nước trên các kênh trong khu vực vùng đệm U Minh Thượng đã gây ra tình trạng sạt lở, sụt lún đường giao thông, nhà ở, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong khu vực các xã Minh Thuận, An Minh Bắc, ước thiệt hại khoảng hàng trăm tỷ đồng.
Sạt lở, sụt lún diễn biến phức tạp ở vùng U Minh Thượng. |
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ngành có liên quan và địa phương tiếp tục chủ động thực hiện tốt kế hoạch về việc triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô giai đoạn 2023 - 2024 và phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô giai đoạn 2023 - 2024. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ động tham mưu công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán gây sạt lở, sụt lún xảy ra trên địa bàn xã Minh Thuận và xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng; kịp thời khắc phục những khó khăn trước mắt; theo dõi diễn biến mới nhất để cung cấp thông tin cho người dân nắm tình hình trong vùng nguy hiểm; phối hợp với địa phương ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại xuống thấp nhất. Thường xuyên báo cáo tình hình và tăng cường kiểm tra tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn; chủ động, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất phương án hỗ trợ các tình huống xảy ra; đồng thời thường xuyên dự báo có chủ động khắc phục nếu có sự cố.
Sụt, lún đường tỉnh 921 tại TP Cần Thơ. |
Lực lượng công an hỗ trợ nước ngọt cho người dân
Công an các tỉnh, thành vùng ĐBCSL đã chủ động nắm các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân vùng chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt.
Cán bộ, chiến sĩ công an hỗ trợ nước ngọt miễn phí cho người dân. |
Đại tá Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do nắng nóng, xâm nhập mặn trong những năm qua. Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an. Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phối hợp chính quyền địa phương nắm tình hình những địa bàn đang gặp khó khăn về nguồn nước ngọt, nước sạch để lên kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ bà con nhân dân trong sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi.
Xã đảo Tiên Hải (TP Hà Tiên, Kiên Giang) là địa bàn có khoảng 500 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu, nhu cầu dùng nước ngọt khoảng 250m3 mỗi ngày đêm. Lượng nước ngọt dùng trên đảo vào những ngày nắng nóng như hiện nay rất khan hiếm. Để hỗ trợ nhu cầu dùng nước ngọt để uống, nấu ăn cho người dân xã đảo, Công an xã Tiên Hải phụ trách vận hành hệ thống lọc nước biển mặn thành nước ngọt và cấp miễn phí cho người dân, phần nào giải quyết nhu cầu cho rất nhiều hộ dân trên xã đảo. Hệ thống lọc nước này được nhà hảo tâm hỗ trợ đầu tư cho xã Tiên Hải năm 2020, với công suất hệ thống đạt 35m3/ngày đêm.
Ứng dụng công nghệ vào công tác ứng phó hạn mặn
Trước tình hình hạn hán nghiêm trọng, ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ vào phòng, chống hạn mặn. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre đã nghiên cứu, sử dụng phương pháp kết hợp mô hình MIKE 11, MIKE 21 và hiển thị kết quả bản đồ trên nền ArcGis để cho kết quả dự báo xâm nhập mặn có đủ độ tin cậy trên cả 3 sông chính là: Cổ Chiên, Hàm Luông và Cửa Đại.
Theo ông Đặng Hoàng Lam, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, trước đây, dự báo xâm nhập mặn chủ yếu bằng phương pháp thống kê và kinh nghiệm của dự báo viên. Thì nay, nghiên cứu mô hình tính toán mặn đã được Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre tiến hành xây dựng cho khu vực tỉnh với mạng sông được giản lược chỉ còn 47 sông, kênh chính từ Kratie (một tỉnh phía Đông nước Campuchia) tới các cửa sông ven biển với 1.946 điểm nút, nhằm phù hợp với số liệu tự cung cấp được nhiều nhất.
Ngành chức năng đo độ mặn tại các cửa sông, cống để có giải pháp phù hợp. |
Phương án dự báo xâm nhập mặn được thực hiện dựa trên công cụ dự báo biên mực nước; bộ mô hình MIKE 11 đã hiệu chỉnh và kiểm định (HD và AD) và biên đầu độ mặn giúp cho các dự báo viên chủ động trong phương án dự báo của mình, áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến hơn so với dự báo truyền thống, mang tính kế thừa hơn cho phương pháp dự báo. Kết hợp với công cụ ArcGis, phương án dự báo đã cho kết quả dự báo với bản đồ trực quan và dễ hiểu hơn so với bảng biểu thông thường, đáp ứng với quy định các mẫu bản tin dự báo của ngành. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, phương án dự báo xâm nhập mặn được thực hiện dựa trên công cụ dự báo biên mực nước; bộ mô hình MIKE 11 đã hiệu chỉnh và kiểm định (HD và AD) và biên đầu độ mặn cho kết quả đủ độ tin cậy trong việc dự báo ranh mặn 1‰ và 4‰ trên các sông chính của địa phương.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre hiện quản lý 32 nhà mấy nước (trong đó, có 27 nhà máy nước vận hành cấp nước và 5 nhà máy nước đã thực hiện hòa mạng để đảm bảo hiệu quả cấp nước cho người dân sử dụng). Hiện, số hộ dân sử dụng nước từ các nhà máy nước là 98.000 hộ. Trong đó, có khoảng 13.000 hộ chịu ảnh hưởng mặn có độ mặn trên 1‰, còn lại là dưới 1‰. 15.000 hộ độ mặn thấp hơn 0,5‰.
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre, so với cùng kỳ năm 2023, tình hình xâm nhập mặn tại các nhà máy nước trực thuộc trung tâm có tăng. Trung tâm đã phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình. Từ đầu mùa hạn mặn đến nay, trung tâm vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước ngọt từ các nhà máy nước có nước ngọt/độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao, đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong dịp Tết và mùa khô năm 2023-2024.
Nhiều giải pháp như đắp đập tạm, tạo túi trữ nước ngọt cho các trạm bơm, lắp đặt thuyền bơm… cũng đã được ngành chức năng và các địa phương ở Bến Tre triển khai thực hiện, nhằm ứng phó hiệu quả với tình hình xâm nhập mặn.