Đốt sinh khối (đốt đồng, đốt thực bì) – lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường
Người dân đốt phu phẩm sau thu hoạch cạnh đường giao thông, đây là một hành vị có thể bị phạt theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ. |
Lúa là loài được trồng trên toàn cầu và là cây trồng phổ biến nhất ở nhiều nước châu Á. Ở Việt Nam, lúa gạo là nguồn lương thực và thu nhập phổ biến của nhiều người dân. Phụ phẩm lúa, gồm có trấu, bẹ lá, phiến lá rơm, thân và mắt rơm, rễ rơm, thường được sử dụng để nấu ăn, làm thức ăn cho gia súc, làm mái nhà, che phủ và làm phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, do điều kiện sống của nông dân được cải thiện nên các phương pháp sử dụng các phụ phẩm này trở nên ít hơn. Thay vào đó, hiện nay việc đốt phụ phẩm trực tiếp trên đồng ruộng là một phương pháp xử lý nhanh chóng và thuận tiện. Đốt rơm rạ là một phương pháp rất phổ biến ở Việt Nam; nó được coi là một phương pháp hiệu quả để tiêu diệt sâu bệnh và cỏ dại cho vụ canh tác tiếp theo. Cũng như việc đốt phụ phẩm cây nông nghiệp, việc đốt thực bì và phụ phẩm của cây keo tràm thường được tiến hành sau thu hoạch. Việc làm này cũng giúp trả lại các chất dinh dưỡng thiết yếu như nitơ, phốt pho và kali cho đất. Tuy nhiên, đốt ngoài trời là phương pháp đốt không kiểm soát, thải ra một lượng lớn chất gây ô nhiễm không khí.
Đốt sinh khối, thực bì ngày cạnh đường N5 đoạn qua Quang Sơn, Đô Lương, Nghệ An |
Quá trình đốt cháy nội tại trong hoạt động đốt rơm rạ, đốt thực bì, dẫn đến phát thải nhiều loại khí và sol khí, một số trong đó có hại cho sức khỏe con người. Mối quan tâm hàng đầu là PM2.5 (các hạt mịn có đường kính 2,5µm), có thể cản trở hoạt động bình thường của tim và phổi khi con người hít phải, dẫn đến tăng nguy cơ tử vong sớm. Mặc dù tổng lượng PM 2.5 có thành phần phức tạp và có thể bắt nguồn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng PM2.5 tác động xấu chủ yếu bao gồm các hạt carbon hữu cơ (OC), một số được phát thải trực tiếp và một số được tạo ra bởi quá trình hóa học khí quyển thứ cấp trong khi phát thải.
Đốt sinh khối – đốt phu phẩm sau thu hoạch, đang là biện pháp phổ biến hiện nay |
Theo một kết quả nghiên cứu: tại đồng bằng sông Hồng, lượng CO2 vào môi trường do đốt sinh khối là 1,2-4,7 triệu tấn/năm, CH4 là 1-3,9 nghìn tấn/năm, CO là 28,3-113,2 nghìn tấn/năm. Ở đồng bằng sông Cửu Long, lượng sinh khối đốt ước tính hàng năm phát thải 17,95 triệu tấn CO2; 485,58 nghìn tấn CO và 10,38 nghìn tấn NOX vào khí quyển. Các nhà khoa học tính toán, lượng khí nhà kính phát thải vào môi trường do đốt rơm rạ có thể gây thiệt hại về môi trường, lên đến hàng trăm triệu đôla mỗi năm.
Khói từ “đốt đồng” gây hạn chế tầm nhìn cho các phương tiên tham gia giao thông |
Ngoài tác động gây ô nhiễm không khí thì việc đốt rơm rạ trên những thửa ruộng còn gây nguy cơ mất an toàn giao thông khi khói từ đốt rơm rạ gây cản trở tầm nhìn trên những tuyến đường. Hay việc đốt thực bị mất kiểm soát dẫn tớn nhiều vụ cháy rừng đã được ghi nhận trong nhiều năm qua.
Nguồn nguyên liệu sinh khối đang bị lãng phí.
Theo thống kê, nguồn nguyên liệu sinh khối có khả năng khai thác bền vững để sản xuất năng lượng sinh khối ở nước ta là khoảng 150 triệu tấn/năm. Công suất tạo ra từ nguồn sinh khối phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, rác hữu cơ đạt khoảng 400 MW. Trong đó, một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay để sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) là: Chất thải, bã nông nghiệp, các chất dư thừa sau mỗi mùa vụ thu hoạch sẽ được thu mua làm nguyên liệu. Chẳng hạn đối với cây lúa gồm các bộ phận như thân, lá, bắp, rơm, vỏ trấu; Chất thải gỗ ở các nông trường, bao gồm thân cây, các nhánh, cành lá dư thừa đã được cắt tỉa.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tiềm năng sản xuất năng lượng sinh khối từ gỗ củi ở nước ta có thể đạt 14,6 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030; phế thải từ nông nghiệp có thể đạt 20,6 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030.
Khuyến cáo của các chuyên gia
Từ ngày 25-8-2022, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực. Khi đó, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 41 của nghị định quy định: Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính. Tuy nhiên hiện đang là cao điểm của mùa gặt, thu hoạch keo tràm tại các tỉnh miền bắc. Khắp các ngả đường từ làng quê đến thành phố, cứ vào khoảng 4 - 5 giờ chiều lại được bao trùm bằng khói bụi do người dân tranh thủ đốt rơm rạ, đốt thực bì sau vụ thu hoạch. Khói bụi, đặc biệt là thời điểm này trùng với những ngày nắng nóng oi bức ở miền Bắc đã khiến cho không khí càng ngột ngạt hơn.
Không những lãng phí, thói quen “đốt đồng” gây mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân |
TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: “Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2… Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở… Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…”
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân, nhất là người già, trẻ em, người đang mắc bệnh hô hấp mãn tính nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm này, khi chỉ số ô nhiễm không khí quá cao, gây nguy hiểm. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.