Giải pháp giúp Ấn Độ giảm mạnh số người tử vong vì nắng nóng
Những đợt nắng nóng từ 42-47 độ C đã trở thành thảm họa khiến 2.422 người Ấn Độ thiệt mạng năm 2015. Nguyên nhân khiến nhiều người Ấn Độ bỏ mạng vì nắng nóng được cho bắt nguồn từ một số yếu tố đặc thù như có hơn 1,7 triệu người vô gia cư sống lang thang trên đường phố, mạng lưới điện không ổn định, thiếu nước uống sạch…
Kể từ năm 2016, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định ra tay để thay đổi thực trạng này. Những ý tưởng chính phủ khuyến khích người dân áp dụng là sơn mái nhà màu trắng để giảm hấp thụ nhiệt, thay đổi giờ làm việc của người lao động để tránh thời điểm nắng nóng cực điểm, mở các ki-ốt nước uống sạch...
Các bệnh viện tại Ấn Độ cũng được trang bị thiết bị hỗ trợ những bệnh nhân sốc nhiệt. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ còn tăng cường các dự án theo dõi sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó còn có các chiến dịch tuyên truyền nhắc nhở người dân che chắn phần đầu khi ra đường trong ngày nắng nóng…
Ông Hem Dholakia tại Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước Ấn Độ nhận định các sáng kiến trên đóng vai trò trong giảm thiểu số người chết vì nắng nóng, nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Theo ông Hem Dholakia, trong 2 năm qua, mức độ, thời gian kéo dài và số đợt nắng nóng tại Ấn Độ đã có khác biệt.
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Hawaii ở Manoa (Mỹ) chỉ ra rằng, 3/4 dân số thế giới sẽ phải đối mặt với những đợt sóng nhiệt chết người vào cuối thế kỷ 21. Theo đó, Các chuyên gia cho hay, với tốc độ phát thải khí nhà kính gia tăng như hiện tại thì trong tương lai, hàng tỷ người dân trên thế giới phải hứng chịu sóng nhiệt với đỉnh điểm là những đợt nắng nóng kéo dài vào cuối thế kỷ này.
Theo nghiên cứu, ngay cả khi lượng khí thải nhà kính được giảm mạnh thì "tử thần" sóng nhiệt vẫn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới khoảng một nửa dân số thế giới.
Bằng cách phân tích các điều kiện khí hậu khiến 783 người tử vong, nhóm nghiên cứu đã xác định một ngưỡng nhiệt và độ ẩm có thể gây nguy hiểm chết người.
3/4 dân số thế giới có nguy cơ phải hững chịu thảm họa sóng nhiệt vào năm 2100 nếu lượng khí thải nhà kính không giảm.
Hiện nay, khoảng 30% dân số thế giới đang phải đối mặt với những điều kiện nguy hiểm này mỗi năm. Theo các nhà nghiên cứu, đến cuối thế kỷ 21, con số này có thể lên tới 74 % nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục ở mức cao.
Thậm chí, ngay cả khi lượng khí thải nhà kính giảm mạnh thì chúng ta vẫn phải chứng kiến "thảm cảnh" ít nhất 48 % dân số thế giới bị ảnh hưởng bởi các đợt sóng nhiệt chết người vào năm 2100.
Camilo Mora, giáo sư địa lý tại Đại học Hawaii và là tác giả chính của nghiên cứu nhấn mạnh: "Thái độ của chúng ta đối với môi trường đã quá "thờ ơ" đến mức chúng ta đang thiếu những lựa chọn tốt cho tương lai.
Cơ thể con người vốn chỉ có thể hoạt động trong một ngưỡng nhiệt độ "hẹp", khoảng 37 độ C. Do đó, sóng nhiệt có thể gây ra những hậu quả đáng sợ cho cuộc sống của con người với thử thách "khốc liệt" là thời tiết nắng nóng kết hợp với độ ẩm cao có thể làm tăng đột ngột nhiệt độ cơ thể đến mức đe dọa đến tính mạng, hay được gọi là chứng tăng thân nhiệt.
Trong những năm gần đây, số người chết vì sóng nhiệt không ngừng tăng cao ở nhiều nơi trên thế giới. Khí hậu trên Trái Đất đang thay đổi nhanh đến mức con người có có thể "bắt kịp" để có thể chống chọi với xu hướng nhiệt độ tăng cao. Giáo sư Mora nhận định: "Con người đang thiếu lựa chọn cho tương lai. Đối với những đợt nắng nóng, lựa chọn của chúng ta nằm giữa mức xấu và tồi tệ. Hậu quả của việc tiếp xúc với các điều kiện khí hậu gây chết người sẽ trở nên ngày càng trầm trọng hơn khi dân số già đi. Người già là đồi tượng rất dễ bị tổn thương do nắng nóng".
Sự nóng lên toàn cầu không chỉ thể hiện rõ ở sự thay đổi thất thường ở hai cực mà còn có xu hướng biến đổi nhiệt độ lớn ở những khu vực nhiệt đới, nơi gây nên nhiều cái chết và đe dọa mạng sống của người dân vì ảnh hưởng khủng khiếp của sóng nhiệt.
Trước đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các hoạt động của con người gây nên biến đổi khí hậu cao hơn gấp 170 lần so với tự nhiên.
Do đó, chúng ta cần phải chung tay, nỗ lực tìm kiếm giải pháp và hạn chế lượng khí thải nhà kính để có thể ứng phó được với những chuyển biến thất thường của khí hậu trong tương lai.
Linh Đức