Giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần
Giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần |
Những thách thức về rác thải nhựa đã được cảnh báo rất nhiều, trong đó có cả thực trạng về sản xuất, thói quen tiêu dùng, về chính sách.
Thông qua Dự án” Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” của Bộ TN&MT, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT đã nghiên cứu, rà soát chính sách thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm thay thế túi nilon, hộp xốp, ống hút nhựa,… cùng việc đánh giá tiềm năng của các sản phẩm thay thế, từ đó, xác định các cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản phẩm thay thế trong thời gian tới.
Theo đó, TS. Nguyễn Trung Thắng cùng nhóm nghiên cứu Viện Chiến lược chính sách TN&MT đã đưa ra một số giải pháp trong việc thúc đẩy thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và nilon khó phân huỷ tại Việt Nam, tập trung vào 3 nhóm giải pháp về Chính sách; Thúc đẩy thị trường và Nâng cao nhận thức hành vi.
Theo TS. Nguyễn Trung Thắng, chính sách là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm đưa ra định hướng hành động. Chúng ta cần có các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận, chứng nhận với các sản phẩm thay thế được Nhà nước ban hành quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về yêu cầu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm thay thế, như vậy có thể tạo điều kiện cho các sản phẩm này được hưởng các ưu đãi về bảo vệ môi trường, cũng như hỗ trợ cho việc truyền thông, tiếp thị với các sản phẩm này.
Trong Quy định về áp dụng thuế, phí nhằm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân huỷ, cần xây dựng được các quy định về lộ trình, tăng thuế bảo vệ môi trường, phí xử lý đối với sản phẩm nhựa một lần; đồng thời, các biện pháp thuế cần được áp dụng đối với các công ty có hoạt động liên quan đến sản xuất, nhập khẩu và bán các mặt hàng nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân huỷ. TS. Nguyễn Trung Thắng cho biết, cách tiếp cận thuế này sẽ mang lại động lực tài chính cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường.
Đồi với quy định, hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường, cần hỗ trợ kinh phí triển khai các nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhằm hoàn thiện sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm thay thế; ngoài ra, cần tài trợ, trợ cấp và thúc đẩy cơ hội hợp tác cho các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải pháp và sản phẩm bền vững để khuyến khích sự đổi mới và kinh doanh trong giải quyết ô nhiễm nhựa.
Cùng với đó, cần cung cấp các khoản tín dụng và ưu đãi thuế cho các công ty áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững, chuyển sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, đầu tư vào các sản phẩm bền vững hoặc tham gia sản xuất và bán lẻ các sản phẩm thay thế bền vững. Những ưu đãi này sẽ làm cho việc sản xuất và bán các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trở nên khả thi hơn về mặt kinh tế.
Về nhóm giải pháp Thúc đẩy thị trường, TS. Nguyễn Trung Thắng đề cập đến việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong thiết kế, sản xuất, tiếp thị với các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường, có thể thông qua dưới các hình thức hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo, giải thường thiết kế vì môi trường… Đồng thời, cần tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường để mở rộng thị trường cho các sản phẩm thay thế.
Qua đó, cần chú trọng tăng cường vai trò của Hiệp hội nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, cũng như nghiên cứu về việc thành lập một liên minh chính thức gồm các doanh nghiệp bền vững, hợp tác với Nhà nước để cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm nhựa.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi thị trường sang các sản phẩm thay thế là điều cần thiết, thông qua phương pháp tiếp cận các chương trình hành động tự nguyện, hướng đến đối tượng doanh nghiệp như khuyến khích doanh nghiệp dừng phát, tặng miễn phí sản phẩm nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân huỷ; triển khai cơ chế tích điểm thưởng, đổi quà tặng… từ đó thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng các biện pháp nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ, kết nối mạng lưới doanh nghiệp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản phẩm thay thế tới người tiêu dùng, cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp tại Việt Nam; liên kết giữa các thường hiệu trong, ngoài nước và ưu đãi thuế, phí, đầu tư cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần.
Giải pháp hướng đến nâng cao nhận thức và hành vi người tiêu dùng là giải pháp để duy trì lâu dài, trong đó, cần xây dựng cụ thể các quy định về khuyến nghị, thúc đẩy các hành động tự nguyện giảm thiểu, không phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đối với các chương trình giáo dục trong trường học và đào tạo, cần thiết phải xây dựng hệ thống, giáo trình tập huấn, tăng cường để nâng cao nhận thức về tác động bất lợi của nhựa sử dụng một lần với sức khoẻ con người và môi trường; thúc đẩy lợi ích của việc chuyển đổi sang các giải pháp thay thế bề vững thông qua các chương trình do Nhà nước tài trợ.
Ngoài ra, cần cung cấp các thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động triển lãm; hỗ trợ doanh nghiệp truyền thông về các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân huỷ cả ở trong và ngoài nước.