Hà Nội: Cần kiểm tra việc bán “chất thải” trái quy định
Để các chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật vềb vệ môi trường (BVMT), thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng (TTXD), BVMT, đồng thời phê duyệt các điểm tiếp nhận xử lý chất thải rắn từ hoạt động xây dựng để đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị Thủ đô. Tuy nhiên trên thực tế, tại nhiều địa phương, tình trạng vi phạm về môi trường, đổ thải không đúng quy định trong xây dựng vẫn diễn ra phổ biến, công tác xử lý chưa quyết liệt.
Để ngăn chặn tình trạng đổ thải trái phép, góp phần BVMT và quản lý vốn ngân sách. Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường điện tử triển khai Chuyên đề: “Bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng”. Với mục đích đồng hành cùng cơ quan quản lý Nhà nước quận Hoàng Mai trong việc tuyên truyền những chính sách pháp luật về môi trường, TTXD, đề xuất những giải pháp, quản lý chất thải xây dựng, bảo đảm đúng pháp luật.
Trong quá trình thực hiện Chuyên đề, phóng viên đã khảo sát tại Dự án xây dựng Trường THPT Hoàng Liệt để minh chứng cho vấn đề này. Qua khảo sát cho thấy: Lợi dụng việc thi công dự án, thời gian qua nhà thầu đã cho rất nhiều xe trọng tải lớn vào múc, vận chuyển đất thải mang đi bán nhằm san lấp mặt bằng tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội, gây tác động tiêu cực tới môi trường, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Được biết, Dự án thi công xây dựng Trường THPT Hoàng Liệt tại ô đất C1/TH3 (TH-III.16.1) tại phường Hoàng Liệt do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (Hà Nội) là đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 52, Công ty TNHH Thang máy và Thiết bị Nam Long, Công ty TNHH Thương mại NTD Việt Nam, Công ty TNHH Phòng cháy chữa cháy Vạn Xuân. Dự án có tổng mức đầu tư 332,361 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 480 ngày, hợp đồng theo đơn giá cố định. Gói thầu trên sử dụng vốn ngân sách quận Hoàng Mai và ngân sách TP. Hà Nội.
Theo ghi nhận tại công trường ngày 25/5, mặc dù trời đang mưa nhưng có rất nhiều phương tiện và máy móc đang hối hả thi công, tại đây có 2 máy múc công suất lớn và hàng loạt các xe mang biển kiểm soát: 29C-342.86, 29H-386.29, 29K-112.46… vào lấy đất từ Dự án vận chuyển về địa bàn xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì để bán nhằm kiếm lời bất chính. Quá trình di chuyển các xe đều che chắn sơ sài, phóng với tốc độ nhanh dẫn đến tình trạng đất rơi xuống mặt đường gây bụi bẩn, mất vệ sinh. Tuy nhiên tại công trường nhà thầu không bố trí cầu rửa xe, mà chỉ có hố nước cho xe đi vào, không có biển cảnh báo ở những vị trí có phương tiện ra vào, bên cạnh đó không bố trí lực lượng thường xuyên quét dọn, tưới nước, khiến đường sá lúc nào cũng trơn trượt khi trời mưa, bụi mù khi trời nắng, làm người dân vô cùng bức xúc.
Bà Trần T.M.H. người dân sống ngay cạnh bãi đổ xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì bức xúc cho biết: Mấy ngày nay toàn xe tải cỡ lớn vận chuyển đất về đây san lấp mặt bằng đất nông nghiệp, làm đất cát rơi ra đường rất bẩn, hôm nay trời lại mưa làm cho đường sá trở nên trơn trượt, nguy hiểm lắm.
Tiếp tục ghi nhận tại công trường ngày 26/5, có rất nhiều các phương tiện trọng tải lớn vào lấy đất, đỗ ngược chiều trên đường Trần Thủ Độ gây ảnh hưởng đến ATGT, nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý. Tại đây rất nhiều xe mang biển kiểm soát như: 29K-007.88, 29G-019.66, 29F-058.95, 29H-860.86… vào lấy đất thải vận chuyển đổ thải trái phép tại địa bàn huyện Thường Tín, nhưng tư vấn giám sát không có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Trong quá trình di chuyển, các xe này để lại một dải bùn đất dày đặc, kéo dài từ cầu Nội Tiết đến Chi cục thuế huyện Thanh Trì nhưng không có người quét dọn, vệ sinh môi trường.
Trao đổi với ông Nguyễn V.H. được biết: Quận Hoàng Mai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cháu học sinh có trường, có lớp để học tập chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi. Tuy nhiên quá trình thi công nhà thầu không có trách nhiệm với môi trường xung quanh. Để các xe chở đất, vật liệu ra vào công trường gây ra, bụi bẩn, mà không có biện pháp giảm thiểu và quét dọn vệ sinh môi trường. Chúng tôi đề nghị chính quyền phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai phải có biện pháp xử lý việc này.
Cùng chung nỗi bức xúc, một người dân khác cho biết: Thời gian gần đây, khi thi công xây dựng Dự án Trường THPT Hoàng Liệt, nhà thầu luôn xả nước thải có chứa bùn đất ra phía đường Trần Thủ Độ, gây ảnh hưởng đến tuyến phố và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vì khu vực này mật độ tham gia giao thông rất đông.
Theo quy định, khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình, chủ dự án, nhà thầu thi công phải tuân thủ những quy định bắt buộc để đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như đổ thải đúng quy định. Cụ thể, tùy từng công trình, chủ dự án phải lập kế hoạch BVMT, đánh giá TĐMT được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí nhân sự phụ trách để kiểm tra, giám sát nhà thầu thực hiện kế hoạch quản lý và BVMT trong khi thi công xây dựng; bố trí đầy đủ kinh phí để thực hiện kế hoạch quản lý, xử lý chất thải và BVMT trong quá trình thi công; đình chỉ thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện vi phạm. Về phía nhà thầu xây dựng phải thực hiện nghiêm những kế hoạch quản lý chất thải và BVMT trong quá trình thi công gói thầu, khắc phục và giảm thiểu rủi ro, tác động đến môi trường; tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn các nội quy, quy trình, biện pháp BVMT cho cán bộ, công nhân, người lao động và các đối tượng có liên quan trên công trường.
Do đó, để Dự án được triển khai đúng quy định của pháp luật, tránh gây thất thoát vốn ngân sách, đặc biệt để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT cũng như quản lý chất thải trong thi công xây dựng dự án đầu tư công. Đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, quận Hoàng Mai sớm vào cuộc kiểm tra quá trình triển khai thực hiện dự án. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở nhà thầu thực hiện nghiêm các giải pháp BVMT trong thi công xây dựng, nghiêm cấm việc đổ thải, bán chất thải trái quy định. Trong trường hợp khi phát hiện ra vi phạm cần xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật và môi trường sống cho người dân.
Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 16/5/2017 của UBND Thành phố Hà Nội nêu rõ: Chủ đầu tư xây dựng phải tổ chức lập và phê duyệt biện pháp chi tiết thi công, phá dỡ công trình, đào đắp, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường, có hợp đồng ký kết với nhà thầu có đủ điều kiện năng lực và tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định và phải có Bản cam kết bảo vệ môi trường. Thông tư 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã quy định rõ: Chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng. Việc vận chuyển phải theo thời gian và lộ trình về tuyến đường, an toàn giao thông và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương. Trong quá trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi. Để đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị, UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt 2 vị trí tiếp nhận, xử lý chất thải rắn từ hoạt động xây dựng: - Vị trí Bãi Nguyên Khê tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nôi - Vị trí nút 6,5 ha tại nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ |
Dự án mới bắt đầu triển khai,nhà thầu đã để xảy ra những vi phạm về môi trường và quản lý chất thải. |
Ghi nhận ngày 25/5, tại công trường có rất nhiều phương tiện trọng tải lớn vào lấy đất thải mang đi tiêu thụ trong tình trạng không che chắn dẫn đến đất, cát rơi xuống đường gây bụi bẩn, mất VSMT |
Sau khi di chuyển chặng đường 7km với tình trạng bụi bẩn, các xe đổ thải trái phép tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì |
Ghi nhận ngày 26/5, nhà thầu tiếp tục cho xe vào vận chuyển đất thải mang đi đổ thải trái phép tại huyện Thường Tín |