Hà Nội đón đợt nóng kỉ lục vào tháng 7
Nắng kỷ lục ở Bắc Bộ, Trung Bộ
Vào hôm qua (01/7), nắng nóng đã tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ lúc 13h phổ biến khoảng 35-38 độ, có nơi trên 38 độ như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 39.0 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 38.8 độ.
Dự báo, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất ngày mai (02/7) phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ. Các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ xảy ra nắng nóng gay gắt, nền nhiệt cao nhất ngày ở các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ; nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Trung Bộ phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.
Khu vực Hà Nội, nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất ngày mai phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.
Cảnh báo, nắng nóng gay gắt diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 05/7. Trong đợt nắng nóng kéo dài này, nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) là 37-39 độ, có nơi trên 39 độ; nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Trung Bộ phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.
Miền Bắc bước vào đợt nắng nóng kỷ lục.
Các tỉnh miền núi phía Bắc thiệt hại lớn sau mưa lũ
Về vấn đề mưa lũ và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại rất lớn (tính đến 16h30 ngày 30/6/2018), cụ thể:
Sau trận lũ quét, tổng thiệt hại về người đã lên đến con số 24 (Hà Giang: 05 người chết do sập nhà, lũ cuốn trôi; Lai Châu: 16 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập; Quảng Ninh: 01 người chết do nước cuốn trôi khi qua ngầm giao thông; Lào Cai: 01 người chết do bị lũ cuốn khi đi làm đồng về; Điện Biên: 01 người).
Bên cạnh đó, tổng số người mất tích là 09 người (Lai Châu) và 18 người bị thương (Lai Châu: 17 người; Sơn La: 01 người).
Về nhà cửa, tổng số nhà bị đổ, cuốn trôi là 176 nhà (Hà Giang: 39 nhà; Lai Châu: 113 nhà; Thái Nguyên: 24 nhà). Nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp: 1.270 nhà (Sơn La: 06 nhà; Hà Giang: 254 nhà; Lai Châu: 705 nhà; Thái Nguyên: 204 nhà; Lào Cai: 22 nhà; Yên Bái: 18 nhà; Điện Biên: 25 nhà; Tuyên Quang: 36 nhà). Nhà bị ngập nước: 1.896 nhà (Hà Giang: 1.664 nhà; Lai Châu: 198 nhà; Lào Cai: 18 nhà; Điện Biên: 10 nhà; Bắc Giang: 06 nhà).
Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản đã có 1.047,59 ha lúa bị thiệt hại (Hà Giang 213,70 ha; Lai Châu 726,0 ha; Lào Cai 88,0 ha; Yên Bái: 0,1 ha; Cao Bằng 1,5 ha; Điện Biên: 11,7 ha; Tuyên Quang: 3,8 ha; Bắc Giang: 3,4 ha); 16,42 ha mạ bị thiệt hại (Hà Giang: 10,22 ha; Cao Bằng: 6 ha; Tuyên Quang: 0,5 ha); 946,75 ha hoa màu bị thiệt hại (Hà Giang: 456,09 ha; Lai Châu: 432,0 ha; Lào Cai: 33,0 ha; Yên Bái: 0,78 ha; Cao Bằng: 20,0 ha; Điện Biên: 3,1 ha; Tuyên Quang: 2,0 ha); 942 con gia súc, 13.990 con gia cầm bị chết và 606,27 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Hà Giang 82,78 ha; Lai Châu 17,00 ha; Lào Cai 4,0 ha; Điện Biên: 500 ha; Tuyên Quang: 2 ha).
Về giao thông, nhiều tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở nghiêm trọng, khối lượng sạt lở sơ bộ khoảng 2,00 triệu m3 đất đá.
Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 535,68 tỷ đồng (Sơn La 0,76 tỷ đồng, Hà Giang: 122,0 tỷ đồng, Lai Châu: 344,17 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,32 tỷ đồng, Lào Cai: 57,2 tỷ đồng, Yên Bái: 0,07 tỷ đồng, Cao Bằng 0,17 tỷ đồng, Điện Biên: 1,0 tỷ đồng, Tuyên Quang: 10,0 tỷ đồng)
Quý An