Hai năm sau vụ đánh tráo cổ vật tại chùa Linh Tiên: Người dân mất lòng tin, sư trụ trì vẫn chưa thể về chùa
Câu đối cổ tại chùa thiêng bị đánh tráo
Theo bản án của TAND huyện Hoài Đức (Hà Nội), đầu tháng 5/2018, bà Trần Thị Phích (SN 1961, tức Ni sư Thích Đàm Chính, Trụ trì chùa Linh Tiên tại thôn Cao Xá, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có thuê anh Nguyễn Đăng Hùng (SN 1981,trú tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức) đến trùng tu lại 3 đôi câu đối và 1 Y môn của chùa; đồng thời, đưa cho Hùng 17,5 “quỳ” vàng (mỗi quỳ có giá khoảng 1.850.000 đồng) để thếp vào chữ và hoa văn.
Do quen biết từ trước, nên khi Hùng đề nghị được mang đồ vật về xưởng làm cho tiện thì bà Phích đã đồng ý.Tại xưởng tư gia, trong lúc cạo hết lớp sơn trên gỗ thì đối tượng phát hiện các câu đối là vật có giá trị nên đã nảy sinh ý định đánh tráo nhằm trục lợi.
Chùa Linh Tiên (Linh Tiên Quán), nơi xảy ra vụ đánh tráo cổ vật
Để thực hiện ý đồ, Hùng đã thuê người làm giả 3 đôi câu đối rồi trao trả chùa Linh Tiên.Còn các câu đối thật, Hùng bán lại cho anh Bùi Minh Quang (SN 1978, Đan Phượng, Hà Nội) với giá 35 triệu đồng.
Đến khoảng tháng 9/2018, sau khi mọi việc bị bại lộ, Hùng liên hệ với anh Quang thì được biết, 3 đôi câu đối hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại chùa Đại Từ Ân (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội). Lập tức, Hùng cùng Ni sư Thích Đàm Chính, anh Quang và một số người trong Ban quản lý di tích chùa Linh Tiên đến chùa Đại Từ Ân để xin chuộc lại cổ vật.
Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án đánh tráo cổ vật tại chùa Linh Tiên ngày 21/8/2019, HĐXX TAND huyện Hoài Đức quyết định tuyên bị cáo Nguyễn Đăng Hùng 4 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Về phía bà Trần Thị Phích, HĐXX cho rằng do bị hại không biết 3 đôi câu đối bị Hùng đánh tráo và chiếm đoạt nên chưa đủ căn cứ để xử lý. Tuy nhiên, việc bà Phích đồng ý cho Hùng mang cổ vật ra khỏi chùa để tu sửa là trái với quy định. Do đó, kiến nghị UBND huyện Hoài Đức xem xét kiểm điểm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan. Đồng kiến nghị Ban trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội xem xét xử lý sai phạm của Trụ trì chùa Linh Tiên theo quy định của Giáo hội.
Cổ vật đã về đúng chỗ nhưng lòng tin thì không
Sự nghi ngờ về việc thầy trụ trì thông đồng với kẻ gian đánh tráo cổ vật, thậm chí nghi sư thầy "ôm" tiền công đức sử dụng cho cá nhân đã khiến người dân tại đây có những hành vi thô bạo và phản cảm, đỉnh điểm là việc người dân tự ý đuổi sư trụ trì ra khỏi chùa mà không quan tâm đến chính quyền hay pháp luật, làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận.
Đến nay, sau hai năm kể từ khi vụ án cổ vật bị đánh tráo tại chùa Linh Tiên xảy ra, tưởng chừng sự việc đã dần đi vào lãng quên thì cuộc sống của các sư thầy tại chùa vẫn chưa thể ổn định.
Sư thầy trụ trì bị người dân đuổi ra khỏi chùa (ảnh cắt từ clip)
“Ngay sau khi 3 đôi câu đối được trả lại chùa, một số người dân và một vài phần tử quá khích đã đuổi tôi và các đệ tử ra khỏi chùa, gây náo loạn nơi cửa phật bằng những lời lẽ, hành động phản cảm. Tôi đã có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết dứt điểm những bất đồng để trả lại sự thanh tịnh của chùa và an ninh trật tự tại địa phương nhưng sự việc vẫn kéo dài cho đến hôm nay”, Ni sư Thích Đàm Chính bày tỏ.
Cũng theo Trụ trì chùa Linh Tiên, ni sư mong muốn chính quyền địa phương xem xét, có kết luận và hình thức xử lý dứt điểm, công khai trước nhân dân để sớm được quay trở về chùa tu hành.
“Là một ni sư có hộ khẩu thường trú tại chùa Linh Tiên thì tôi phải được ở trong chùa hoặc tịnh thất, tịnh xá chứ không thể ở nhà, điều đó là trái với giới luật của Phật”, Ni sư Thích Đàm Chính bức xúc.
Được biết, ngày 25/1/2019, Công an huyệnHoài Đức đã tiến hành xử phạt hành chính 3 cá nhân gồm: Phí Thị Hồng, Ngô Thị Hoa, Ngô Thị Kỳ về tội “Gây mất trật tự công cộng” do có những hành động đuổi đánh các sư thầy.
Song, vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất hiện nay là hỗ trợ Ni sư Thích Đàm Chính cùng các đệ tự có thể quay trở về chùa thì Ban tôn giáo lại cho rằng “rất phức tạp” và đang trong quá trình giải quyết.
“Hiện UBND xã Đức Thượng đang trong quá trình giải quyết một số đơn thư kiến nghị, tố cáo của đại diện chính quyền thôn, của một số người dân thôn Cao Xá liên quan đến chùa và sư trụ trì…
UBND huyện, Ban Tôn giáo huyện đang tiếp tục phối hợp Ban Tôn giáo thành phố, Ban trị sự GHPG thành phố Hà Nội tìm hướng giải quyết trên cơ sở đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đúng quy định pháp luật”, đại diện Ban Tôn giáo huyện Hoài Đức cho hay.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Nguyễn Phượng