Hàng “Tàu” nhãn Việt lộng hành dịp Tết
Bánh kẹo không nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác Việt Nam nhưng bên trong toàn chữ Tàu, khi được hỏi thì người bán xởi lởi: “Hàng Việt Nam, em cứ ăn thoải mái”. Nhưng khi hỏi, tại sao lại có chi chít chữ Tàu hoặc không có nhãn mác thì khách nhận ngay cái nguýt dài.
Bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán tràn lan. (Ảnh minh họa)
Câu hỏi về chất lượng
Thời điểm cận Tết, các loại hàng hóa ùn ùn kéo về, đây là dịp các loại hàng ngoại “đổ bộ” vào thị trường tiêu dùng Việt Nam. Các loại hàng hóa, bánh mứt đủ các thể loại lẫn màu sắc đã làm thị trường tết Việt Nam thêm xôm tụ nhưng cũng dấy lên lo ngại cho người tiêu dùng về chất lượng.
Khu vực bán bánh kẹo, mứt tràn ngập các loại với màu sắc lòe loẹt, người ra vào nườm nượp. Trong vai một người đi mua hàng, chúng tôi được một chủ quầy hàng ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vồn vã giới thiệu loại kẹo rẻ nhất giá 35.000 đồng/kg, kẹo dẻo trái cây, kẹo dẻo ngô là 40.000-60.000 đồng/kg, socola các loại từ 55.000-100.000 đồng/kg.
Chủ quầy hàng này còn cho biết: “Ở đây uy tín nên khách từ nhiều nơi đến lấy hàng về bán lại”. Vừa nói, người bán vừa tranh thủ nhặt vài ba loại kẹo bảo cứ ăn thử, thích loại nào thì mua. Người bán cũng bật mí thêm: “Nếu mua về ăn Tết thì nên mua loại 70.000 đồng/kg trở lên, loại 35.000-40.000 đồng/kg thì nói chung ăn toàn bột thôi. Ở đây là bán rẻ nhất rồi, không mua ở đây thì chẳng có nơi nào bán rẻ hơn đâu”.
Cầm trên tay một bịch kẹo với bao bì chi chít chữ Trung Quốc chúng tôi tỏ ra khá ái ngại bởi nguồn gốc xuất xứ, bà chủ quầy hàng nhanh nhẩu trấn an: “Bánh kẹo toàn hàng Việt Nam thôi, ngon lắm, cái này không mua nhanh là hết. Chị mới nhập hàng về hôm qua mấy thùng mà hôm nay chỉ còn nhiêu đây”. Khi được chúng tôi hỏi, hàng Việt Nam, tại sao trên nhãn toàn chữ Trung Quốc thì người bán có phần bực bội, gắt gỏng: “Có mua không mà hỏi nhiều”, “Mới sáng sớm ra mà bày đặt hỏi nguồn với chả gốc, không mua thì đi chỗ khác chơi”.
Bỏ ngỏ khâu quản lý
Đi dọc theo các sạp, bán bánh kẹo khác cũng ngập tràn những gói kẹo, mứt xanh, đỏ, tím, vàng… màu sắc đủ kiểu được đựng trong khay, chậu bày bán mà không ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng, giá bán mỗi loại chỉ từ 30.000-100.000 đồng/kg. Đa phần các quầy hàng ở đây chỉ dán nhãn tên và giá tiền cho sản phẩm. Do giá mềm và hợp khẩu vị nên người mua cũng “nhắm mắt” mua đại để về đón Tết, phớt lờ những điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như những khuyến cáo của các phương tiện truyền thông.
Chị Kim Anh (ở Q.10) cho biết: “Kinh tế hiện nay khá khó khăn, không phải ai cũng có đủ điều kiện để mua bánh kẹo xịn, giá cả bánh kẹo tết ở đây lại khá phù hợp với túi tiền của người lao động”. Khi được chúng tôi hỏi về việc chị có quan tâm đến nhãn mác hay hạn sử dụng in trên bao bì không thì chị chỉ lắc đầu và cười.
Có thể thấy, mặt hàng bánh kẹo, mứt là loại mặt hàng không thể thiếu trong những ngày Tết nhưng việc nhập nhèm nguồn gốc, chất lượng sản phẩm là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng, không ai kiểm định những sản phẩm này có đảm bảo chất lượng an toàn cho người sử dụng hay không. Còn người tiêu dùng nếu cứ “làm ngơ” và không biết “tự bảo vệ mình” thì hậu quả sau này chỉ có tự bản thân họ “lãnh đủ” mà thôi.
Thị trường bánh kẹo đang vào mùa “làm ăn” nhưng việc quản lý chất lượng sản phẩm không rõ nguồn gốc lại bị bỏ ngỏ.
Thường thì các cơ quan chức năng chỉ “ra quân” rầm rộ vào các ngày cao điểm cận Tết để kiểm tra nhưng liệu có bắt hết mẻ cá này? Chỉ biết rằng sau mỗi đợt kiểm tra và truy quét: Người vẫn bán, dân vẫn mua, báo chí lại tiếp tục ca bài ca cũ.
Theo Cong Luan