Hậu Giang: Tận dụng cơ hội, mở ra không gian phát triển hòa nhập cùng miền Tây
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. |
Xin ông cho biết, Hậu Giang đã thực hiện những giải pháp nào để kinh tế - xã hội có bước phát triển ấn tượng thời gian qua?
Đây là quyết tâm rất lớn của người dân và Đảng bộ Hậu Giang để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, phấn đấu về đích sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng yếu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,94%, đứng đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ tư của cả nước; năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng ở mức 12,27% và xếp thứ hai của cả nước. Riêng năm 2024, đã có những tín hiệu phấn khởi khi các dự án đầu tư mới vào địa bàn tăng 25% so với năm 2023. Đặc biệt có nhiều nhà đầu tư lớn đến nghiên cứu và dự kiến sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh với những dự án lớn như: Dự án đô thị nghỉ dưỡng Mekong, với diện tích gần 3.000 ha và suất đầu tư khoảng 6 tỷ USD và dự án du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các hộ dân nằm trong dự án đường cao tốc đi qua tỉnh Hậu Giang. |
Năm 2024, Hậu Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%. Với sự nỗ lực cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8,04%; xếp thứ 2 vùng ĐBSCL và xếp ở nhóm cao cả nước (trong đó, cả 3 khu vực kinh tế đều tăng: khu vực nông nghiệp tăng 3,79%; công nghiệp-xây dựng tăng 14,31%; dịch vụ tăng 6,46%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt kết quả tích cực, quốc phòng an ninh được đảm bảo.
Để thực hiện toàn diện tất cả các chỉ tiêu đã đề ra năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, các dự án có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội; các khu tái định cư phục vụ các dự án; thành lập các Tổ công tác theo dõi, đôn đốc các dự án trọng tâm và chuẩn bị đầu tư, thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hiệu quả thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Ngoài ra, Hậu Giang đã tập trung thực hiện và bàn giao mặt bằng theo kế hoạch đối với các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án trọng điểm của Tỉnh, các dự án tạo quỹ đất sạch. Triển khai các dự án tạo quỹ đất sạch cho các dự án khu, cụm công nghiệp hiện có và các khu công nghiệp mới trong quy hoạch đến 2025, tạo động lực, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Nỗ lực, tăng tốc trong giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Hậu Giang cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Theo đó, tiếp tục tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đồng thời, Hậu Giang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm tháo gỡ khó khăn, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, các dự án có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ban chấp hành tỉnh về thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hai tuyến cao tốc đang xây dựng đi qua địa bàn, vậy tỉnh đã đồng hành cùng các đơn vị thi công ra sao để hoàn thành dự án đúng tiến độ?
Tỉnh Hậu Giang rất phấn khởi khi được Trung ương đầu tư 2 tuyến đường cao tốc, mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của ĐBSCL nói chung và tỉnh nhà nói riêng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trên cả nước, trong đó khu vực ĐBSCL phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 600 km, hưởng ứng và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc" để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Khu công nghiệp sông Hậu, tỉnh Hậu Giang. |
Xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu then chốt để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và đến nay Hậu Giang đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng của 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh cho nhà thầu thi công. Tỉnh xác định việc hoàn thành dự án là nhiệm vụ chính trị, uy tín, cơ hội cho sự phát triển của cả vùng. Trên tinh thần đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và các địa phương cùng với chủ đầu tư, nhà thầu tập trung giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà thầu thi công triển khai đảm bảo tiến độ dự án và đảm bảo các mốc tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT. Hậu Giang luôn đồng hành cùng chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong quá trình thực hiện thi công 2 dự án. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ người dân bị ảnh hưởng dự án; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có chỉ đạo phù hợp. Qua đó, tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng thi công.
Hiện nay các địa phương đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát phục vụ thi công?
Thời gian qua, như một số tỉnh trong vùng, Hậu Giang cũng gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu cát ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án. Tỉnh Hậu Giang đã cùng với chủ đầu tư, nhà thầu thi công tranh thủ tìm kiếm nguồn vật liệu cát san lấp từ các tỉnh như: An Giang, Sóc Trăng, Bến Tre,…. để được xem xét, hỗ trợ. Đến nay nguồn vật liệu cát cơ bản đã đáp ứng nhu cầu dự án theo tiến độ.
Hậu Giang sẽ tận dụng 2 tuyến cao tốc ra sao để mở rộng không gian phát triển?
Địa bàn tỉnh Hậu Giang có 2 tuyến cao tốc đi qua, với chiều dài khoảng 100km. Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc góp phần quan trọng tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp mới, khu đô thị mới, khu dịch vụ mới, giá trị mới, tạo công ăn, việc làm, thu nhập và sinh kế tốt hơn cho người dân trên địa bàn nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Để tận dụng lợi thế và khai thác hết tiềm năng từ các tuyến cao tốc này trong thời gian tới, Hậu Giang đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp kết nối với các nút giao các tuyến cao tốc và sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào 3 vùng công nghiệp lớn của tỉnh, với quy mô khoảng 9.650ha. Đây được xem là "đòn bẩy" để tạo đột phá phát triển kinh tế và tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sông vật chất tinh thần cho người dân Hậu Giang.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!.