Hiên tượng ấm lên toàn cầu vẫn là mối đe dọa lớn nhất
Phát biểu họp báo trực tuyến tại Geneva, người đứng đầu IFRC Jagan Chapagain nhận định dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng mà thế giới đang phải đối mặt, đến nay đã làm hơn 60 triệu người mắc bệnh và 1,4 triệu người tử vong. Tuy nhiên, IFRC dự báo tình trạng biến đổi khí hậu sẽ gây ra tác động đáng kể hơn đối với nhân loại và Trái Đất trong cả trung và dài hạn. Kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố COVID-19 là đại dịch y tế toàn cầu vào tháng 3/2020, thế giới đã hứng chịu hơn 100 thảm họa, trong đó có nhiều thảm họa liên quan đến khí hậu. Ông Chapagain đồng thời lưu ý rằng thế giới đang tiến gần hơn đến việc cho ra đời vaccine phòng COVID-19, trong khi "rất tiếc không có một vaccine nào cho khí hậu".
Theo báo cáo của IFRC, cường độ và tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã gia tăng đáng kể trong những thập kỷ qua. Chỉ riêng năm 2019, thế giới hứng chịu 308 thảm họa thiên nhiên khiến khoảng 24.400 người thiệt mạng, trong đó 77% số thảm họa có liên quan đến khí hậu hoặc thời tiết. Số thảm họa liên quan đến khí hậu và thời tiết cũng tăng đều kể từ những năm 1960 của thế kỷ trước và tăng gần 35% kể từ những năm 1990 đến nay. IFRC cho biết, trong một thập kỷ qua, những thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu đã làm hơn 410.000 người trên thế giới tử vong, hầu hết ở các nước nghèo. Các đợt nắng nóng và mưa bão là nguyên nhân gây tử vong cao nhất. Trước các mối đe dọa này, IFRC kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp hành động.
IFRC ước tính thế giới sẽ cần khoảng 50 tỷ USD mỗi năm trong một thập kỷ tới để giúp 50 quốc gia đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. IFRC nhấn mạnh số tiền này đã bị thu hẹp do ngân sách dành để ứng phó với tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá 10.000 tỷ USD. Cơ quan này đồng thời cảnh báo thực trạng phần lớn ngân sách dành cho ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đã không đến được các nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất.
Linh Đức