HIV/AIDS tiếp tục là một vấn đề y tế lớn của thế giới
Hiện HIV/AIDS tiếp tục là một vấn đề y tế công cộng lớn của toàn cầu. Tính đến nay, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến cuối năm 2017, khoảng 36,9 triệu người đang phải sống chung với HIV. Trong năm ngoái, có 940.000 người tử vong do HIV/AIDS, mức thấp nhất trong thế kỷ 21. Trong khi đó, 59% số người lớn và 52% số trẻ em sống chung với HIV đã được điều trị liệu pháp kháng retrovirus (ART) suốt đời.
Khu vực châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 25,7 triệu người sống chung với HIV trong năm 2017. Bên cạnh đó, khu vực này cũng chiếm hơn 2/3 tổng số ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu.
Các nước tại khu vực Tây, Trung Âu và Bắc Mỹ đạt nhiều thành công nhất trong cuộc chiến này với tỷ lệ 78% số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị y tế.
Để đạt được mục tiêu mà LHQ đã đề ra nhằm kết thúc dịch AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, các ca lây nhiễm phải được giới hạn ở mức 500.000 ca mỗi năm trên phạm vi toàn cầu trong vòng hai năm.
Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: Ngăn ngừa và chăm sóc các bệnh nhân HIV phải là một phần trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu bao phủ y tế toàn cầu. Theo ông Ghebreyesus, mặc dù nhiều tiến bộ đáng kể đã được thực hiện song tiến triển trong việc xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS vẫn còn chậm. Ông cảnh báo thế giới có thể sẽ không đáp ứng được các mục tiêu của Liên hợp quốc năm 2020 về HIV/AIDS, do người dân tại rất nhiều nơi trên thế giới không nhận được các biện pháp phòng tránh và điều trị mà họ cần. Quan điểm của WHO là không nên để bất kỳ ai không được điều trị hoặc chết vì HIV/AIDS do thiếu tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Theo bà Linda-Gail Bekker, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế về AIDS (IAS) kiêm Chủ tịch Khoa học quốc tế IAS 2018, hệ tư tưởng và chính trị là rào cản lớn nhất hiện nay trong việc xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách và tài trợ phải có trách nhiệm chứng minh rằng việc xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS chỉ thu được kết quả khi ưu tiên các chính sách dựa trên khoa học, đảm bảo kinh phí đầy đủ, nỗ lực hợp tác để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Hội nghị tại Amsterdam cũng nêu rõ, để duy trì sự tiến bộ và đạt mục tiêu có 90% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị thuốc ARV vào năm 2020, mỗi năm cần thêm 7 tỷ USD cho việc phòng, chống lây nhiễm virus HIV và điều trị cho các bệnh nhân.
Linh Đức