Hòa Bình: Lợi dụng cấp phép cải tạo mặt bằng để lách Luật khoáng sản mang đất đi tiêu thụ
Trong quá trình thực hiện chuyên đề: “Bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản”. Tạp chí Sức khỏe & Môi trường nhận được phản ánh của người dân xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, Hòa Bình về việc: Hiện nay trên địa bàn huyện Lương Sơn có rất nhiều dự án với lý do “cải tạo mặt bằng, san hạ cốt nền, cắt tầng” … để được cấp phép “chóng vánh” khai thác khoáng sản mang đi bán? Mục đích chính là xúc đất đồi đi san lấp mặt bằng. Điều lạ, các mỏ đất này đều không bị ràng buộc bởi Luật khoáng sản, không tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác, đáng nói hơn cả là địa điểm chỉ định để san lấp mặt bằng lại không có nhu cầu san lấp hoặc chưa được triển khai dự án. Chỉ bằng những “mảnh giấy” chớp nhoáng mấy tháng là các “chủ mỏ” mặc sức chở đất đi tiêu thụ. Qua đó, để lại nhiều hệ lụy về môi trường và thất thu cho nguồn ngân sách Nhà nước, điển hình như hộ ông Lương Văn Nhu tại xóm Vé, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn.
Xe trọng tải lớn tấp nập ra vào điểm mỏ để vận chuyển tài nguyên đất, hình ảnh được ghi lại vào chiều 23/11/2022
Bất chấp việc bị tạm dừng, mỏ đất của ông Lương Văn Nhu vẫn ngang nhiên khai thác đất mang đi tiêu thụ
Trao đổi với phóng viên (PV), Bà Lê Thị C…một người dân sinh sống tại xóm Vé, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) bức xúc cho biết: Là người dân sinh sống gần khu mỏ thi công, đào xúc tại đây. Chúng tôi vô cùng bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và bụi bẩn của các xe trọng tải lớn ra vào. Nghe đâu họ khai thác đất và chở ra Hà Nội bán cho các nhà máy gạch, nhà máy xi măng và các khu san lấp mặt bằng.
Một người dân khác tại địa phương cho biết: Việc cấp phép này chỉ là “lá bùa” để nhóm lợi ích khai thác tài nguyên mang đi bán, chứ cải tạo mặt bằng gì, Nhà nước cấp phép để khai thác đất phục vụ thi công san lấp dự án, nhưng đằng này “chủ mỏ” lại ra sức vận chuyển tài nguyên mang ra Hà Nội bán. Người dân tỏ ra lo ngại khi các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cấp phép như vậy có đúng quy định không? Liệu có thất thoát ngân sách từ việc cấp phép “chớp nhoáng”.
Máy xúc hoạt động hết công suất đang ngày đêm băm nát cả khu đồi
Để có thông tin khách quan về việc này, ngày 15 và ngày 23/11, PV đã trực tiếp khảo sát tại mỏ của ông Lương Văn Nhu tại xóm Vé, xã Tân Vinh cho thấy, thông tin phản ánh trên của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Chỉ trong một giờ đứng quan sát tại đây, PV thấy hàng chục chiếc xe tải hạng nặng ra vào tấp nập lấy đất. Để thi công, “chủ mỏ” đã huy động 2 máy múc công suất lớn, hoạt động suốt ngày. Tại thời điểm này, máy múc đào bới nham nhở cả khu vực, thậm chí bạt cả cây rừng bên trên để múc đất, thỉnh thoảng lại nghe tiếng các tảng đất đổ “rầm rầm” từ bên trên xuống phía dưới rất nguy hiểm cho những người đang vận hành máy múc. Mặt khác con đường giao thông của người dân cũng từ đó mà trở nên mất an toàn và bụi bẩn. “Chủ mỏ” dường như phó mặc đường xá bụi bặm cho người dân gánh chịu.
Để có thêm thông tin về nơi “tiêu thụ” đất, PV “bám” theo chiếc xe mang biển số 29H-355.24 đi về hướng chợ Lương Sơn, chạy ra đường Hồ Chí Minh và rẽ vào Nhà máy xi măng Nam Sơn ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội để tiêu thụ. Quá trình di chuyển khoảng 15km trong tình trạng xe quá tải, đi qua trạm tuần tra của CSGT, nhưng xe “vẫn may” không gặp phải sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Xe tải mang biển số 29H-355.24 chở đất từ điểm mỏ của ông Lương Văn Nhu đến Nhà máy xi măng Nam Sơn (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội ) để tiêu thụ.
Cần xem lại việc “cấp bùa” cho ông Lương Văn Nhu khai thác tài nguyên?
Liên quan đến công tác quản lý trên địa bàn, PV có đến UBND xã Tân Vinh để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên sau nhiều ngày nỗ lực liên hệ, PV không nhận được bất kỳ sự hợp tác nào của chính quyền sở tại. Do không được phối hợp cung cấp thông tin bởi UBND xã Tân Vinh, PV tiếp tục liên hệ qua UBND huyện Lương Sơn để làm việc. Trao đổi với PV, ông Vũ Đức Thanh - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn cho biết: Mỏ đất của ông Lương Văn Nhu được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép ngày 21/10/2022. Tuy nhiên ngày 21/11/2022, UBND huyện Lương Sơn ban hành Văn bản số 2987/UBND-TNMT yêu cầu tạm dùng hoạt động cải tạo mặt bằng, khai thác đất san lấp của hộ ông Lương Văn Nhu do dự án hạ tầng kỹ thuật khu nhà tại xóm Mỏ, thị trấn Lương Sơn không còn nhu cầu san lấp và giao UBND xã Tân Vinh thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý hành vi khai thác không đúng quy định pháp luật.
Văn bản của UBND huyện Lương Sơn yêu cầu tạm dùng hoạt động cải tạo mặt bằng, khai thác đất san lấp của hộ ông Lương Văn Nhu
Tuy nhiên trên thực tế hoạt động khai thác vẫn diễn ra rầm rộ ngay sau khi có văn bản tạm dừng. Khi PV đề cập đến việc tại sao cơ quan quản lý Nhà nước lại cấp phép khai thác vận chuyển đất vào vị trí dự án không có nhu cầu san lấp hoặc đã thi công xong trước khi cấp phép. Ông Thanh cho biết việc đó là do UBND tỉnh Hòa Bình cấp.
Được biết, để khu mỏ này được cấp phép hoạt động ngày 21/10/2022, ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký Quyết định số 36/QĐ – UBND về việc cấp giấy phép khai thác đất san lấp khi thực hiện cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp cho hộ gia đình ông Lương Văn Nhu ở xóm Vé, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, khối lượng đất dôi dư được phép khai thác phục vụ cho thi công dự án Hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xóm Mỏ, thị trấn Lương Sơn. Theo đó: Diện tích khai thác: 10,9950 m2; mức sâu khai thác + 36,0 m, khối lượng đất san lấp khai thác 92.862,5 m3. Thời hạn khai thác 9 tháng kể từ ngày ký.
Nhận định về việc cấp phép của UBND tỉnh Hòa Bình cho hộ gia đình ông Lương Văn Nhu khai thác khoáng sản nói trên, một chuyên gia về Địa chất và Khoáng sản phân tích: Trong việc cấp phép khai thác ở đây có nhiều điều “bất thường” và có dấu hiệu “lách luật” để tạo vỏ bọc và trục lợi. Với một dự án “cải tạo mặt bằng”, thì cần phải hiểu đúng nghĩa của nó. Đằng này giữa thực tế và sự thật có nhiều điều trái ngược. Và từ đó có dấu hiệu “lợi dụng dự án để khai thác đất dưới vỏ bọc cải tạo mặt bằng”? Việc làm này sẽ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Không đúng với quy định trong điều 78, 79 của Luật Khoáng sản.
Đã đến lúc các cấp bộ, ngành chức năng, cần phải vào cuộc, thanh kiểm tra việc khai thác khoáng sản dưới dạng này. Tránh để xảy ra những hệ lụy về môi trường, thất thoát tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.
Sức khỏe & Môi trường tiếp tục thông tin.
|
Phương Thúy