Hoằng Hóa - Thanh Hóa: Thay đổi môi trường đất để làm bãi tập kết cát trái phép
Hủy hoại hay thay đổi hiện trạng đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Tác hại của điều này là làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp…
Nhằm nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tiễn, để có cái nhìn khách quan, Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã thực hiện chuyên đề: “Ảnh hưởng đến môi trường, biến đổi hiện trạng đất từ hoạt động tập kết vật liệu trái xây dựng trái phép”. Phóng viên đã tiến hành khảo sát thực tế tại bãi tập kết, kinh doanh cát trái phép ở xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ảnh hưởng đến môi trường, hành lang thoát lũ từ hoạt động tập kết cát trái phép trên đất nông nghiệp của hộ ông Nguyễn Xuân Tùng, xã Hoằng Xuân
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Hoằng Xuân có bãi tập kết cát quy mô khá lớn đang hoạt động với hàng nghìn m3 cát là của hộ ông Tùng, bãi tập kết cát này được hình thành trên khu đất nông nghiệp sát mép sông Mã. Quan sát bên trong, nhận thấy cát được tập kết thành đống cao như núi trên diện tích hàng nghìn m2 đất. Xung quanh xuất hiện các hồ lắng được đào bới nham nhở, với mục đích làm hồ lắng nước sơ sài, cạnh đó là diện tích đất canh tác của các hộ dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Một người dân sống gần đê xã Hoằng Xuân chia sẻ: “Bãi cát của hộ ông Tùng nằm cạnh mép sông Mã, mỗi ngày có nhiều lượt xe ra vào chở cát rồi chạy lên đê. Cát từ xe rơi vương vãi xuống đường, gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí khu vực bãi cát còn cạnh vị trí lấy nước từ sông Mã vào nhà máy nước sạch Hoằng Xuân. Không biết chính quyền địa phương có nắm được sự việc và xử lý gì chưa, nhưng họ vẫn hoạt động suốt thời gian dài”.
Theo Phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa, bãi tập kết cát của hộ ông Nguyễn Xuân Tùng trên diện tích 5.000 m2 đất trồng cây hàng năm thuê thầu với UBND xã Hoằng Xuân. Sau khi kiểm tra, huyện đã giao cho xã yêu cầu hộ hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của đất và hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.
Cát được tập kết thành đống cao như núi
Được biết, sau khi có thông tin của báo chí về tình trạng tập kết cát trái phép, ngày 16/11/2022, UBND huyện Hoằng Hóa đã phối hợp với UBND xã Hoằng Xuân tiến hành kiểm tra lập biên bản. Cụ thể, phần diện tích đất được ông Nguyễn Xuân Tùng thuê thầu với UBND xã Hoằng Xuân tại Hợp đồng số 35/HĐ-GK ngày 28/6/2020, về việc giao khoán diện tích đất nông nghiệp với mục đích trồng cây hàng năm với diện tích được giao khoán là 5.000m2. Hiện khu vực trên ông Tùng đã cải tạo để tập kết, kinh doanh cát và xây dựng hệ thống hạ tầng ao lắng cho hoạt động tập kết cát với diện tích khoảng 5.000m2.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị UBND xã kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng đất không đúng mục đích thuê thầu của hợp đồng. Yêu cầu ông Nguyễn Xuân Tùng hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của đất cũng như sử dụng đúng mục đích theo hợp đồng đã ký với UBND xã.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đã đến lúc UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng có liên quan cần có biện pháp “mạnh tay” để xử lý tình trạng biến đất nông nghiệp thành bãi tập kết cát trái phép, ảnh hương nghiêm trọng đến môi trường.
VĂN DUY