Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị; cùng dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Hơn 700 đại biểu tham dự Hội nghị gồm đại diện lãnh đạo: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; đại diện lãnh đạo các thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2023 nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của đất nước, trong đó có những thách thức chưa từng có tiền lệ, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực.
Thông tin về hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước; thông tin về các sự kiện đối ngoại trở thành điểm nổi bật trong bức tranh tuyên truyền tổng thể. Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền.
Tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao. Tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngang tầm với tuyên truyền phát triển kinh tế theo đúng định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.
Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí ngày càng phát huy kết quả tích cực, có nhiều chuyển biến rõ nét trong năm 2023. Trong đó, chú trọng lấy tính thuyết phục làm thước đo hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng thực chất, tạo khí thế, động lực mới. Việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí được triển khai quyết liệt, đồng thời với đó là chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng…
Để có cơ sở đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Báo chí năm 2016, đánh giá, phân tích thực trạng về công tác quản lý Nhà nước và hoạt động báo chí trong 6 năm thi hành Luật Báo chí; qua đó thấy được sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng của khoa học, công nghệ truyền thông hiện đại đã làm cho hành lang pháp lý về báo chí chưa bao quát hết được thực tiễn, bộc lộ những hạn chế, bất cập dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động lên kế hoạch, xây dựng, trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan và ban hành Kế hoạch số 316-KH/BTGTW ngày 29/6/2023 về Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam; khẳng định sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân đối với báo chí; đề xuất những nội dung phương hướng cho báo chí trong thời gian tới. Kế hoạch ban hành với các nội dung tổng thể bao gồm các sự kiện ở tầm quốc gia; các hội thảo, hội nghị, toạ đàm quan trọng; yêu cầu về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương trong việc triển khai các hoạt động kỷ niệm.
Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lí, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lí báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục thống nhất phối hợp chặt chẽ, chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin; bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, bảo đảm để báo chí giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác báo chí năm 2023 còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là: Nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin, đến phương thức tiếp cận công chúng, làm chủ công nghệ và thu hút nguồn thu. Còn cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình hiện nay. Một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, tự cho mình “quyền lực” để dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí đã được quan tâm nhưng chưa xử lý được căn cơ, dứt điểm tình trạng những vi phạm khá nhức nhối trong thời gian qua…
Tại hội nghị, các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí cũng như đời sống báo chí-truyền thông hiện nay; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, toàn diện cho năm 2024 và trong giai đoạn tới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí. |
Hội nghị thống nhất nhận định, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí phát huy hơn nữa những kết quả trong năm 2023; khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Điểm nhấn nổi bật trong năm 2023 là Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cơ quan liên quan xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/02/2023 về “trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỉ luật lãnh đạo cơ quan báo chí”, thay thế Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/08/2007 của Ban Bí thư khoá X về “quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỉ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí” nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước mới ban hành; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với cán bộ làm công tác báo chí. Quy định số 101-QĐ/TW xác định rõ các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan hoạt động báo chí để đưa ra hình thức xử lí kỉ luật về Đảng đối với những hành vi vi phạm chưa có chế tài cụ thể xử lí. Đồng thời, đây cũng là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã kịp thời ban hành Hướng dẫn số 116-HD/BTGTW để triển khai thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW. |