Huyện Thạch Thành (Thanh Hóa): Quản lý khai thác khoáng sản hiệu quả song hành với bảo vệ môi trường
Xử lý nghiêm khai thác khoáng sản trái phép
Huyện Thạch Thành, có diện tích 559,22 km2, đặc trưng là địa hình đồi núi và cũng là địa phương có nhiều mỏ khoáng sản đang hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa. Thời gian qua, hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn được quan tâm, quản lý chặt chẽ và có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhận thức rõ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn nên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thành đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ban hành hơn 20 văn bản tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, vận chuyển tài nguyên khoáng sản trái phép. Trong năm 2023, lực lượng chức năng huyện Thạch Thành đã xử lý hai trường hợp vi phạm về khai thác đất làm vật liệu xây dựng hoặc đem bán khi không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Các trường hợp vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tiền phạt vi phạm hành chính lên đến hàng trăm triệu đồng, buộc các bên vi phạm phải cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn.
Chuyển biến tích cực trong hoạt động khai thác khoáng sản tại huyện miền núi Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa |
Phóng viên Sức khỏe và Môi trường (đi giữa) cùng UBND xã Thành Tân kiểm tra hoạt động khai thác đất của Công ty TNHH Nguyên Phú |
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Tính đến tháng 02/2024, trên địa bàn huyện Thạch Thành có 17 mỏ khoáng sản được cấp phép đang còn thời hạn khai thác. Trong đó có 2 mỏ cát, 5 mỏ đá và 10 mỏ đất. Các mỏ đang hoạt động nằm trên địa bàn các xã Ngọc Trạo, Thạch Cẩm, Thành Tân, Thành Thọ và thị trấn Vân Du…
Xã Thành Tân là địa phương có nhiều núi đất với trữ lượng tương đối lớn, trải đều khắp địa bàn. Đây được xem là một trong những nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng đem lại lợi ích kinh tế cao, cung cấp nguồn nguyên vật liệu đáng kể cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.
Điển hình như Công ty TNHH Nguyên Phú được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 68/GP-UBND ngày 10/05/2022 để khai thác, chế biến khoáng sản đất san lấp và đá ong phong hóa không chứa kim loại tự sinh hoặc khoáng vật kim loại tại xã Thành Công và xã Thành Tân, huyện Thạch Thành với diện tích mỏ 93.516 m2.
Ông Phạm Quốc Kiệm, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Phú chia sẻ: Kề từ khi được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản, Công ty luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước và Luật Khoáng sản 2010 (sửa đổi bổ sung 2018), phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát việc chấp hành khai thác khoáng sản đúng tọa độ, diện tích, trữ lượng, công suất theo quy định. Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cũng như hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường cũng được huyện Thạch Thành xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai thường xuyên, liên tục đến với các chủ mỏ. Để giảm lãng phí tài nguyên thiên nhiên, hạn chế ô nhiễm môi trường và nhất là bảo đảm an toàn lao động trong khai thác đá, Công ty TNHH Cao Tuấn Cường đã chú trọng đầu tư công nghệ cắt dây, thường xuyên bố trí phương tiện phun tưới nước giảm thiểu bụi, khai thác đá ở khu vực xa khu dân cư… tại mỏ đá xã Ngọc Trạo.
Thực hiện tưới nước để giảm thiểu bụi trên các cung đường vận chuyển khoáng sản |
Theo ông Cao Văn Tuấn, đại diện Công ty TNHH Cao Tuấn Cường, xác định tài nguyên khoáng sản mang lại giá trị kinh tế cao, Công ty đã nhanh chóng áp dụng công nghệ cắt dây vào khai thác đá thay vì nổ mìn như trước đây. Đơn vị cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xây dựng nhà xưởng sản xuất gạch không nung để tận dụng đá thải trong quá trình khai thác khoáng sản. Để tránh ảnh hưởng nhất có thể đến các hộ sinh sống kề mỏ đá, Công ty cũng bố trí xe bồn tưới nước thường xuyên, liên tục và sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các nguyện vọng chính đáng của bà con.
Trao đổi với phóng viên Sức khỏe và Môi trường, ông Bùi Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Trạo cho biết: Địa phương rất chú trọng tới công tác tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự. Trên địa bàn hiện có 01 mỏ đá đang hoạt động, thời gian qua chủ mỏ đã phối hợp với UBND xã để kiểm tra định kỳ về quy trình khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và đảm bảo đời sống nhân dân.
Việc các cấp chính quyền và ngành Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thành tăng cường quản lý khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn theo đúng quy định của Pháp luật, lại được sự hợp tác của các doanh nghiệp khoáng sản, đã không chỉ tiết kiệm tài nguyên mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Mỏ đá của Công ty TNHH Cao Tuấn cường áp dụng công nghệ cắt dây trong khai thác, tránh lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản |