Indonesia: Ba trọng tâm xử lý đại dịch Covid-19
Chính phủ Indonesia cung cấp gói lương thực cơ bản cho người nghèo
Phát biểu tại phiên họp nội các ngày 12/5, Tổng thống Widodo đã yêu cầu đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) khi các phòng xét nghiệm trên khắp cả nước hiện chỉ có khả năng xử lý 4.000-5.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 10.000 mẫu. Tổng thống Widodo yêu cầu Lực lượng Chuyên trách chống COVID-19 tối ưu hóa hệ thống xét nghiệm khi hiện chỉ có 53 trong tổng số 104 cơ sở được cấp phép trên cả nước tham gia xét nghiệm PCR, đồng thời đẩy nhanh đào tạo nhân lực, giải quyết tình trạng khan hiếm trang thiết bị vật tư xét nghiệm ngay trong tuần này.
Nhà lãnh đạo Indonesia cũng yêu cầu các bộ/ngành và các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng và huy động các nguồn lực để đón 34.000 lao động ở nước ngoài chuẩn bị về nước trong tháng này và tháng sau, trong đó có việc thực hiện các quy trình y tế nghiêm ngặt và đảm bảo các cơ sở cách ly, chữa trị.
Tổng thống Widodo cũng cho hay các đơn vị thuộc Bộ Nghiên cứu và công nghệ, Bộ Giáo dục và văn hóa đã phát triển thành công và có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR, máy thở và phòng xét nghiệm di động đạt chuẩn an toàn sinh học cấp độ 2 (BSL-2), đồng thời hy vọng rằng vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau tới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu.
Trong khi đó, Hạ viện Indonesia yêu cầu các trường học đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường vào tháng 7/2020. Phó Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Hetifah Sjaifudian cho biết chính phủ phải đảm bảo rằng trường học và môi trường xung quanh phải được an toàn phòng chống dịch COVID-19 nếu trường học mở cửa trở lại vào giữa tháng Bảy tới.
Theo số liệu của Bộ Lao động Indonesia, tính đến hết tháng 2 năm 2020, số người thất nghiệp tại Indonesia là 6,8 triệu người. Chỉ sau 2 tháng bùng phát dịch Covid-19, con số này đã tăng thêm hơn 2 triệu người tại quốc gia vạn đảo này. Con số trên bao gồm số nhân viên bị sa thải và chấm dứt hợp đồng từ hơn 116.000 công ty bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ quốc tế Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, ông Shinta Kamdani cho biết, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất đến từ ngành dệt may. Số lượng thâm dụng người lao động của ngành này lên tới hai triệu người. Tiếp đó là ngành sản xuất giày dép với hơn 1 triệu người bị sa thải. Ngoài ra các ngành khác như thực phẩm, du lịch, thời trang, .v..v cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này xảy ra là do hiện nay, chính phủ Indonesia đang áp dụng chính sách giãn cách xã hội quy mô lớn để ngăn chặn chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2. Các doanh nghiệp bị suy giảm doanh thu hoặc thậm chí bị phá sản. Nền kinh tế Indonesia đứng trước nguy cơ chỉ tăng trưởng 2,1% so với mục tiêu 5% vào năm nay. Thậm chí, tăng trưởng có thể về mức âm. Theo ông Shinta Kamdani, số người thất nghiệp ở Indonesia sẽ tăng mạnh lên tới 10-15 triệu người nếu đại dịch Covid-19 không được xử lý nhanh chóng. Thành tựu xoá đói giảm nghèo trong 9 năm bị thổi bay
Với sự gia tăng về tỷ lệ thất nghiệp, những người ở nhóm dễ bị tổn thương sẽ phải đối mặt với mối đe dọa tiếp theo, cụ thể là nghèo đói. Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia, trong năm 2020, tỷ lệ nghèo đói của Indonesia sẽ quay trở lại mốc của năm 2011, có nghĩa là khoảng 37 triệu người Indonesia có thể rơi vào cảnh nghèo đói do dịch Covid-19 và những thành tựu xoá đói giảm nghèo tại Indonesia trong vòng 9 năm vừa qua sẽ bị thổi bay". Đại dịch Covid-19 đã thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo tại Indonesia. Khoảng 40-50% người có thu nhập thấp sẽ trở thành người nghèo và khoảng 30% người giàu sẽ trải qua sự suy giảm kinh tế đáng kể.
Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani, có 55% dân số Indonesia bị ảnh hưởng bởi đại dịch, được hưởng chính sách trợ giúp xã hội này./.
L. Đ