Kéo băng về vùng sa mạc để lấy nước ngọt
Mục đích của dự án là cung cấp cho UAE một nguồn nước ngọt và một địa điểm thu hút du khách.
Triệu phú Alshehi chỉ ra rằng trước đây các nước như Saudi Arabia đã từng thử những dự án tương tự nhưng thất bại năm 1977 do khó khăn kỹ thuật. Ông cho biết đã có kế hoạch vượt qua những khó khăn này bằng cách làm một “dây đai” kim loại quấn quanh tảng băng, sau đó dùng thuyền kéo khối băng xuyên đại dương.
Dự án sẽ tốn từ 100 đến 150 triệu USD, chưa kể 60-80 triệu USD chi cho kéo băng thử nghiệm.
Sơ đồ về hành trình kéo tảng băng xuyên đại dương.
UAE sẽ sử dụng vệ tinh để chọn khối băng định kéo về. Theo tính toán, khối băng sẽ hao mòn khoảng 30% khối lượng trong quá trình 10 tháng được kéo về từ đảo Heard gần Nam cực tới bờ biển Fujairah. Ngay cả khi chỉ còn 70% khối lượng, tảng băng này cũng có thể cung cấp hàng triệu lít nước ngọt cho UAE cũng như tạo ra các đám mây mưa tự nhiên nhờ tỏa ra không khí mát, ẩm. Ông Alshehi hy vọng khối băng cũng sẽ là một địa điểm du lịch hút khách.
UAE là một trong những nước khô cằn nhất và là một trong 10 nơi hiếm nước nhất thế giới do khí hậu cực kỳ khô, lượng mưa hàng năm chỉ khoảng 100mm. Tuy nhiên, UAE lại tiêu thụ nước nhiều gấp đôi mức trung bình của một quốc gia, khiến nước này gặp nguy cơ hạn hán nghiêm trọng trong 25 năm tới.
Một tảng băng kích thước trung bình chứa hơn 75 tỷ lít nước ngọt. Tảng băng này mất nhiều thời gian mới có thể tan được vì 80% khối lượng chìm dưới nước, còn phần băng nhô lên phản chiếu ánh mặt trời và làm chệch tia nhiệt.
Khi kéo tảng băng về một cơ sở xử lý đặc biệt, khối băng sẽ được cắt ra và đặt trong các thùng lớn rồi được lọc và xử lý.
Ông Alshehi nói: “Đây là thứ nước tinh khiết nhất thế giới”. Ông cũng tuyên bố tảng băng kéo về có thể giúp khi hậu ẩm ướt hơn trong khu vực, thậm chí tạo mưa.
Dự án có thể thu hút khách du lịch nếu thành công. Du khách sẽ đổ về để xem cảnh tượng bất thường: băng bên ngoài vịnh Ba Tư.
Linh Đức