Khai mạc hội nghị Công ước Basel, Stockholm và Rotterdam 2015 (COP7) - EBHPD đồng hành cùng chính phủ Việt Nam.
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Vừa qua, Hội nghị quốc tế bàn về 3 công ước Rotterdam, Basel và Stockholm đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Geneva (CICG), Geneva, Thụy Sỹ. Hội nghị lần này sẽ kéo dài trong 12 ngày từ 4-15/5/2015 với chủ đề “Từ khoa học tới hành động, cho một tương lai an toàn hơn”.
Hội nghị Công ước Basel, Stockholm và Rotterdam 2015 diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ từ 4-15/5/2015 (Ảnh: UNDP)
Hơn 1282 đại biểu đến từ hơn 160 quốc gia và khoảng 300 đại biểu từ các tổ chức quốc tế, tổ chức hàn lâm, tổ hợp công nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ đã tham dự hội nghị. Đoàn Chính phủ Việt Nam theo danh sách đăng ký chính thức với ban tổ chức hội thảo gồm 8 đại biểu từ Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Từ phía các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tham dự có hai đại biểu: PGS.TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng và TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đại diện cho Liên minh Vận động Chính sách Y tế (EBHPD) và Liên minh vận động chính sách cấm sử dụng amiang trắng ở Việt nam (Vn-BAN). Cả hai đại biểu tham gia hội nghị trong vai trò quan sát viên và thành viên của Liên minh quốc tế Vận động tuân thủ Công ước Rotterdam ROCA (Rotterdam Convention Alliance).
Ba Công ước có mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước hiểm họa hóa chất và rác thải độc hại. Trong đó, Công ước Stockholm tập trung vào vấn đề như giảm và loại trừ các hóa chất độc hại dùng trong nông nghiệp và môi trường như DDT, PCB (Polychorinated biphenyls), Dioxin, peufluorooctane sulfonic acid…. Công ước Basel tập trung vào vấn đề thực thi và hợp tác của các quốc gia trong kiểm sát vận chuyển hóa chất và chất thải độc hại xuyên biên giới. Đặc biệt, nội dung được rất nhiều quan sát viên quốc tế và Việt Nam quan tâm lần này là các quốc gia thảo luận tiến tới không phản đối đưa năm loại hóa chất độc hại, trong đó có amiăng trắng vào phụ lục III, Phụ lục các loại hóa chất công nghiêp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện phải quản lý đặc biệt - Công ước Rotterdam.
Việt Nam đã tham gia Kỳ họp lần thứ 6 (COP 6) năm 2013 cũng tại Geneva. Tại đây, Việt Nam là 1 trong 7 nước phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục III Công ước Rotterdam. Do vậy, tại kỳ họp này, cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến động thái của Việt Nam trong các ngày họp 12-14/5 bàn về tuân thủ và thực thi công ước Rotterdam.
Đại diện của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tham dự Hội nghị với 3 mục tiêu: 1) tìm hiểu về tình hình thực thi 3 công ước, trách nhiệm các bên, và sự tham gia của Việt Nam cho đến nay; (2) vận động các nước, trong đó có Việt Nam, tuân thủ các cam kết đã nêu, đặc biệt là Công ước Rotterdam với việc đưa vào Phụ lục III năm loại hóa chất độc hại bao gồm amiăng trắng; (3) thể hiện với cộng đồng quốc tế, về sự chuyển biến của Việt Nam trong tuân thủ khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới vào tổ chức Lao động quốc tế về cấm sử dụng amiăng trắng và thanh toán các bệnh liên quan tới amiăng ở Việt Nam.
TS. Trần Tuấn cho biết: “Chúng tôi đem đến hội nghị những hình ảnh thể hiện tiến bộ đã đạt được từ năm 2014 của Việt Nam trong lộ trình cấm amiăng trắng ở Việt Nam vào năm 2020, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam qua việc ban hành Công văn 7307/VPCP-KGVX ngày 19/9/2014 giao trách nhiệm cho các Bộ thực thi muc tiêu cấm hoàn toàn sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam vào năm 2020. Ngoài ra, chúng tôi cũng đem đến một đoạn phim về kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng amiăng trắng, những hậu quả để lại tại cộng đồng và kêu gọi quốc tế hỗ trợ các tổ chức thực hiện mục tiêu xây dựng “Cộng đồng nói không với amiăng” tại Việt Nam.”
Với những kết quả đạt được và những nỗ lực từ phía các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan truyền thông đại chúng trong thời gian qua, chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam lần này sẽ thể hiện trách nhiệm của mình bằng sự tham gia hiệu quả vào tiến trình Hội nghị, chú trọng tiếp cận và cung cấp thông tin cho cơ quan, ban ngành và nhân dân trong nước, tiến tới bỏ phiếu đồng thuận/không phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục III, Công ước Rotterdam, đảm bảo một tương lai an toàn hơn cho người Việt Nam.
PV