Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
Một môi trường sống trong lành bao giờ trở lại? Đó là câu hỏi chung của nhân loại, không chỉ riêng nỗi niềm của người dân Thụy Điển. Hơn lúc nào, vấn đề bảo vệ thiên nhiên lại khẩn thiết đến như vậy. Ấn phẩm tháng 6 đặc biệt, Sức khỏe & Môi trường trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo, TS. PHẠM MỴ - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng. Tác phẩm ghi chép về đất và người Thụy Điển những năm 2000. Qua đó, để chúng ta trân quý hơn những giá trị về môi trường sống trong lành, tiếp thêm ý chí quyết tâm chống dịch, phục hồi và đòi lại hệ sinh thái vốn có trên trái đất này.
Trong cuộc đời mỗi người, có những kỷ niệm chỉ thoảng qua, nhưng cũng có kỷ niệm khiến lòng ta cứ đau đáu, da diết, nao nao, đằng đẵng tâm can. Với tôi, đất nước và con người Thụy Điển là những đoản khúc ký ức chất chứa bền sâu, nơi xa xôi ấy, tôi đã từng đến và ngẫm, đi và viết, để thấm thía cái triết lý nhân sinh “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”, mà xưa, cụ Chế Lan Viên đã vận vào thơ.
1
Đã cuối thu, đầu đông, thời tiết của Thụy Điển rất lạnh. Tuyết đã rơi. Vậy mà khách du lịch vẫn nhiều. Họ đến từ các nước Đông Âu, từ châu Á, châu Phi…
Trên đường phố, trong các cửa hàng, người dân Thụy Điển đã trang hoàng lộng lẫy, chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và năm mới. Stockholm vốn sạch đẹp càng sạch đẹp hơn. Từ lâu, Stockholm đã được mệnh danh là “Venice phương Bắc”. Cả Venice và Stockholm đều nhô lên từ biển. Nếu như Venice ẩn chứa trong mình một quá khứ huy hoàng, thì Stockholm lại là sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự kết hợp ấy, để lại dấu ấn đậm, trước hết ở kiến trúc của thành phố. Bởi vậy, trong thành phố có những khu kiến trúc cổ kính, có nơi thuộc trường phái kiến trúc của những năm 20 thế kỷ XX và có nơi rất hiện đại…
Dạo trên đường phố Stockholm vào buổi sáng trời mưa. Những bông tuyết rơi nhè nhẹ trên áo du khách. Mưa và gió to nhưng ai nấy vẫn xuống xe, đi dọc bờ hồ Malaren đã giao hòa cùng biển Baltic. Trên 52 cây cầu của thành phố người ta được phép câu cá hồi và có thể bơi lội trong vô số các vịnh biển. Từ lâu, sự ô nhiễm của thủ đô Thụy Điển đã được chế ngự. Người dân trượt băng vào mùa đông và bơi thuyền buồm vào mùa hè. Một phần ba dân cư của thành phố (700.000 dân) đều có thuyền.
Diện tích khoảng xanh của Stockholm gấp ba lần quỹ đất xây dựng. Thật không ngoa khi có người nhận xét: Thành phố được xây dựng ở miền nông thôn. Đây là điều rất đặc biệt và có thể coi là một trong những thế mạnh để phát triển ngành du lịch của Thụy Điển.
Thụy Điển có ba nguồn tài nguyên chính là rừng, quặng sắt và thủy điện. Rừng chiếm khoảng 60% diện tích cả nước với trữ lượng 2,5 tỷ m3 gỗ. Đây là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp gỗ, giấy. Thủy điện của Thuỵ Điển tương đối dồi dào, cung cấp 50% điện năng, 50% còn lại là năng lượng hạt nhân và nhiệt điện (Thụy Điển có 10 nhà máy điện hạt nhân cung cấp 45% nhu cầu về điện). Cơ cấu kinh tế của Thụy Điển: công nghiệp chiếm 29% GDP, nông nghiệp chiếm 2% GDP và dịch vụ chiếm 69% GDP.
2
Những ngày ở Thụy Điển, để có cái nhìn toàn diện về một đất nước chỉ có 9 triệu dân, diện tích rộng thứ 5 châu Âu và thu nhập bình quân theo đầu người một năm cao nhất thế giới, chúng tôi đã đi tham quan một số nơi.
Từ Stockholm đến Orebro bằng tàu hỏa, chúng tôi thỏa thích ngắm những rặng bạch dương đã trút lá trong tiết chớm đông, những cánh đồng rộng lớn, bạt ngàn trang trại sau hàng rào gỗ. Những đống củi được chặt xếp gọn gàng, những nhà kính ươm cây lấp lóa sương, những chiếc xe hơi đậu bên hông vườn và cả những bãi xe hơi dài phủ một lớp tuyết mỏng. “Lúp xúp” cơ man chóp nhà màu xám, đen hoặc đỏ cao không quá hai tầng thu mình nhỏ bé giữa mênh mông. Màu xám là màu độc quyền của tiết trời cuối thu đầu đông… Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp vài thị trấn nhỏ, với những dãy nhà cao tầng, cụm cửa hàng, đường phố đèn xanh, đèn đỏ, rồi nhà máy sản xuất xe ô to Volvo – nhãn hiệu xe hơi nổi tiếng thế giới và đây nữa, nhà máy sản xuất điện thoại Ericsson… Tôi mải mê ngắm nhìn, rồi miên man chìm trong suy nghĩ về vấn đề quy hoạch từ đô thị đến nông thôn…
…Đoàn tàu vẫn vun vút lao đi. Những nhà ga đã qua, nơi nào cũng sạch đẹp. Sự sạch đẹp hiển hiện ngay trên con tàu chúng tôi đang ngồi. Trong mỗi toa đều có lò sưởi ấm, mắc treo áo bành tô, có những chiếc móc xinh xắn để du khách treo áo khoác, khăn quàng, giá đựng đồ phía trên thật gọn ghẽ… Tất cả đều tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu… Hơn hai giờ đồng hồ lắc lư êm dịu trên tàu cũng đủ để Marie Kronmarker – đại diện của FOJO, người thiết kế và hướng dẫn Đoàn cán bộ quản lý báo chí trong những ngày ở thăm Thụy Điển, giới thiệu về những nỗ lực tuyệt vời để giữ gìn môi trường sống của người dân nơi đây. Hàng năm, nông dân Thụy Điển được Nhà nước trợ cấp không chỉ để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, mà còn nhằm giúp họ không vì nỗi lo cơm áo phải xẻ núi, phá rừng, chặt cây làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, hơn nữa còn góp công bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Đây phải chăng là để trợ cấp cho sự sinh sôi cây trái, cỏ hoa, cho màu xanh nảy nở và sức sống bền lâu của núi đồi, sông suối…
Tàu đã đến Orebro. Thành phố mùa đông gió lạnh, cây cối gần trơ lá. Từ giờ khắc đầu tiên đặt chân đến sân bay Arlanda, đến những buổi được dạo trên đường phố Stockholm, Orebro… đậm dần trong tôi cảm nhận về sự giữ gìn môi trường tuyệt vời của đất nước Thụy Điển. Đây phải chăng cũng chính là mục tiêu, là “bí quyết” để phát triển du lịch. Orebro với cung điện được xây dựng từ thế kỷ 13, với những đường tàu điện, những tòa nhà cổ kính hàng trăm năm, những chiếc xe ô tô kéo dài, luôn tạo cho du khách cảm giác thoải mái, hấp dẫn. Chúng tôi vào nhà hàng Thái, ăn các món ăn tự chọn, tận hưởng không khí ấm áp. Ở đây, thay vì điện, nến được dùng thắp sáng trên các bàn ăn…
Chúng tôi rời Orebro trong chiều sẩm tối. Gió lạnh thổi ngoài đường. Vào nhà ga chờ tàu ấm áp và yên tĩnh. Tàu chuyển bánh, lại lắc lư êm dịu. Chúng tôi ăn tối trên tàu. Nơi bán đồ ăn và các toa tàu sạch “như lau như ly”. Người dân Thuỵ Điển không chỉ giữ cho môi trường sạch, đẹp mà còn giữ để mọi người không bị “ô nhiễm” bởi tiếng ồn.
3
Một ngày trên tàu dạo quanh Stockholm. Tiếng người hướng dẫn viên trong loa được chuyển thành tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga để du khách thập phương có thể nghe hiểu những cảnh quan hai bên bờ vịnh biển. Đến mỗi nơi “người hướng dẫn viên giấu mặt” lại giới thiệu khá kỹ những di tích, danh thắng của vùng đất ấy. Nào Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Hải dương học, Nhà hát opera, cảng biển, những cây cầu nổi tiếng, Công viên Quốc gia, ngôi nhà nhóm ABBA từng sống, cửa biển gặp hồ, những hàng bạch dương… những cây sồi đã rụng lá… Trên tàu tôi đã gặp những đoàn khách đến từ Đức, Ý, Pháp… Những du khách này đã từng đến Thụy Điển vào mùa hè, lần này họ đến để muốn được cảm nhận hết tiết lạnh giá ở đất nước Bắc Âu, để chiêm ngưỡng mùa đông của Stockholm – viên ngọc trên mặt biển… Đất nước Thụy Điển có khoảng 10 vạn hồ, nối liền hệ thống sông ngòi xuyên rừng chảy về phía Đông, với hơn 2.700 km bờ biển và khoảng 221.800 hòn đảo.
Những ngày ở Stockholm, tôi đã lang thang quanh những ao hồ, bãi cỏ, công viên, rừng cây thênh thang chen giữa phố xá, nghe chim hót… Dường như Stockholm là một đô thị giữa rừng, mà tiếng chim là món quà tặng độc đáo của đất trời ban cho người dân Thụy Điển. Người dân sống hòa đồng cùng thiên nhiên. Một cụ già nuôi bầy thiên nga 11 con suốt sáu năm trời trong căn hộ 25m2 ở Stockholm. Mặc dù cụ giải thích bắt được những con thiên nga trong tình trạng chúng đã bị thương tật và mang về nhà chăm nuôi, nhưng cảnh sát vẫn thu và chuyển hết vào khu bảo tồn thiên nhiên.
Trên mảnh đất Bắc Âu này, nơi nào cũng có bảo tồn thiên nhiên. Bạn có thể dạo chơi nơi đồng cỏ, ao hồ, rừng cây hay trang trại. Người dân Thụy Điển có thú vui đi dạo trong công viên, đi câu cá ở miền quê, cắm trại trong rừng hay đi thuyền buồm vào những ngày nghỉ cuối tuần nơi hồ Maralen và biển Baltic giao nhau với 24.000 hòn đảo lớn nhỏ, xếp thành hình cánh quạt.
Người dân Thụy Điển luôn mang cả thiên nhiên về nhà, bằng những lẵng hoa, bồn hoa nhỏ. Hoa có mặt ở khắp nơi. Hoa mọc trên mặt đất. Hoa trồng trong chậu. Từ ngoài đường nhìn vào mỗi nhà, bạn sẽ gặp hoa trên bậu cửa, trên bàn ăn, trong phòng khách, phòng ngủ. Hoa từ trong sân, bên hàng rào, ngoài vườn...
Tôi đã đi dạo ở khu phố cổ, ngắm nhìn cảnh vật , ghé vào các quầy bán đồ lưu niệm và dự một buổi lính Hoàng gia đổi gác ở cung Vua. Ấy là vào các buổi giữa trưa hàng ngày. Đây cũng là lúc để khách thập phương chứng kiến một buổi lễ trọng với đầy đủ nghi thức. Khách đứng chật chỗ làm lễ. Người ta chụp ảnh lia lịa ghi lại khung cảnh chỉ riêng có ở Stockholm. Tan lễ, mọi người tỏa vào khu phố cổ, dạo quanh các cửa hàng… Trưa ấy, sau khi xem đổi gác, chúng tôi vào quán ăn trong phố cổ. Ngoài trời gió thổi lạnh. Bước vào quán, những chân nến đủ dạng được bày trên các bàn ăn thay cho ánh sáng đèn điện, tạo cảm giác ấm áp tuyệt vời. Tôi mải mê ngắm những chân nến, giá nến với vô vàn kiểu dáng bày trên bàn, trên bậu cửa. Người ta kể rằng, ở Thụy Điển gia đình nào cũng có hàng thùng nến trong nhà. Nến ở đây đặc biệt không khói và không cháy thành dòng nên không ảnh hưởng đến sự trong sạch của môi trường. Người dân đi mua hàng trong các siêu thị phải mang theo túi chứ không dùng bao nilon… Có thể nói, để giữ cho đất nước không ô nhiễm, cả chính quyền và người dân Thụy Điển đều đã chung tay làm hết sức mình…
Chúng tôi tạm biệt Thụy Điển trong ngày đông hửng nắng. Ngồi trên máy bay nhìn xuống Stockholm, tôi cứ da diết nhớ về một đất nước yên bình, về những người dân đôn hậu và mến khách, về một môi trường sống thật trong lành… Dẫu chỉ trong suy nghĩ, nhưng tôi vẫn ước ao mà hẹn ngày trở lại vùng đất “đã hóa tâm hồn” mình…
Hà Nội - Stockholm, 2007-2021