Khóm Cầu Đúc - ngọt lịm tình đời
Khóm Cầu Đúc - vang danh miền Tây Nam Bộ. |
Giờ đây, ông Vu Sủi đã quen với việc dán những con tem truy xuất nguồn gốc lên khóm (dứa) Cầu Đúc khi sản phẩm này đã đạt chuẩn 4 sao. Với hơn 40 năm gắn bó với khóm Cầu Đúc, ông là người trồng khóm thuộc “thế hệ thứ hai”, kế thừa theo kiểu “cha truyền con nối” ở vùng này. Ông cần cù và kiên trì với cây khóm nên hiểu được những thăng trầm của loài trái “trăm mắt” này. Mương, rẫy thẳng tấp, khóm luôn trúng đậm ở vùng đất phèn mặn, đó cũng là lý do ông Vu Sủi được người dân tin tưởng, bầu chọn làm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thạnh Thắng (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang).
Hiện hơn 100 xã viên gắn bó với hơn 200ha khóm là minh chứng sinh động cho sự chuyển mình của vùng khóm Cầu Đúc hướng tới sản phẩm đạt chuẩn OCOP song hành cùng xây dựng NTM. “Ngoài tạo ra sản phẩm OCOP từ khóm Cầu Đúc, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm khóm cho thành viên, những hộ trồng khóm liên kết với sản lượng hơn 1.500 tấn trái/180ha. HTX cũng liên kết với một số công ty chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh để đảm bảo thị trường tiêu thụ; giúp người trồng khóm có nguồn thu nhập cao”, ông Vu Sủi chia sẻ.
Người dân hai bờ sông Cái Lớn - nơi tiếp giáp huyện Gò Quao (Kiên Giang) và Vị Thanh (Hậu Giang) xem khóm Cầu Đúc là một lựa chọn khôn ngoan của những người đi trước. Bởi khóm Cầu Đúc là loại cây trồng thích nghi với phèn mặn. Theo những người cố cựu ở đây, năm 1930, dân Hỏa Tiến thấy cây khóm giống tốt nên nhân giống trồng cặp sông Cái Lớn. Cây khóm bám rễ, trụ vững đến ngày nay.
Người dân xã Hỏa Tiến đang gắn bó và làm giàu từ khóm. |
Tên "khóm Cầu Đúc" được hình thành do lúc đó địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng bắc ngang sông Cái Lớn tại xã Hỏa Tiến, người dân mang khóm ra bán. Thương lái khắp nơi tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm chở đi bán khắp miền Tây. Cây khóm đã gắn bó gần 100 năm tại đây.
Khóm Cầu Đúc được trồng tập trung nhiều tại TP Vị Thanh, với gần 2.500ha, năng suất 16,78 tấn/ha, sản lượng khoảng 40.100 tấn/năm. Giá khóm từ 8.000 - 10.000 đồng/quả, mức thu nhập hấp dẫn cho người dân. Hỏa Tiến có hơn 1.000ha khóm Cầu Đúc, chiếm hơn 75% diện tích nông nghiệp của xã. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người xã Hỏa Tiến gần 75 triệu đồng/người/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2021. Đây là nỗ lực của địa phương để từ năm 2021 từ chỗ đạt NTM nâng cao, đến tháng 3/2024, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của TP Vị Thanh.
Theo ông Nguyễn Hữu Tình, Bí thư Thành ủy Vị Thanh cho biết, thành phố rất quan tâm đến phát triển xã NTM gắn với việc thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về 4 trụ cột: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Thành ủy cũng đã cụ thể hóa bằng kế hoạch và chương trình cụ thể. Đối với việc xây dựng NTM gắn với du lịch, tuyến du lịch từ trung thành phố theo dòng Xà No về Hỏa Tiến đã được kết nối.
Được biết, Hậu Giang có 175 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 và 4 sao. Trong đó, có 9 sản phẩm được chế biến từ khóm Cầu Đúc như: rượu khóm, nước màu khóm, mứt khóm, dưa chua củ hủ khóm … “Vị Thanh đang nỗ lực mời gọi đầu tư xây dựng khu dân cư, chợ, cầu tàu để làm điểm dừng chân cho du khách tham quan khóm Cầu Đúc, điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP. Trong đó, địa phương đang tập trung hướng dẫn người dân làm thông thoáng kênh, mương rẫy khóm để khách du lịch có thể tiện đi trên ghe, xuồng tham quan”, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, Nguyễn Hữu Tình chia sẻ.
Ngoài ổn định đầu ra, tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân, thì thành phố tận dụng mở rộng không gian du lịch gắn với du lịch trải nghiệm, câu cá ngay vùng trồng khóm.
Khóm Cầu Đúc - một lựa chọn của nông dân Hậu Giang để thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng giáp ranh mặn. Ảnh: Lý Anh Nam. |
Năm ngoái, Hậu Giang đã tổ chức thành công và lưu lại nhiều ấn tượng Festival Áo bà ba - Hậu Giang. Đặc biệt là tỉnh đã ra mắt bộ sưu tập thời trang áo bà ba làm từ sợi tơ khóm - một đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Đây là một chỉ dấu hấp dẫn về sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, tạo ra sợi tơ nhẹ để thiết kế các mẫu áo bà ba đặc trưng của vùng đất Nam bộ.
Từ lâu những rẫy khóm bạt ngàn ở vùng Cầu Đúc là “bầu sữa” nuôi lớn bao thế hệ. Có đến cả trăm người con của xứ khóm thi đậu đại học và có việc làm ổn định. Hàng ngàn người dân trồng khóm ở Hậu Giang giờ như gắn bó thêm và cố chăm sóc cho rẫy khóm ngon lành.
Với 6ha trồng khóm, ông Vu Sủi giờ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, yên tâm bám trụ hành trình với cây khóm.
Chia tay ông Vu Sủi, rời vùng đất phèn mặn, trên xe tôi mang về vài trái khóm ngọt của người dân Hỏa Tiến ven sông Cái Lớn. Chợt nhớ cách đây không lâu, có dịp cùng ông Bảy Chánh (Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) trở lại thăm rừng U Minh Thượng. Hôm đó, cô Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hậu Giang đã ngân nga bài vọng cổ “Khóm ngọt” của soạn giả Ngô Hồng Khanh và nhận được sự đồng cảm của nhiều cán bộ ở Kiên Giang (Cầu Đúc là địa danh giáp ranh giữa Hậu Giang và Kiên Giang).
Giọng hát cô Lam như gửi gắm nhiều tâm sự: Qua Vàm Nước Trong, anh chèo sang sông Nước Đục. Em qua Cầu Đúc có nhớ chuyến đò xưa? Hỏa Lựu chiều nay lất phất cơn mưa. Anh chèo ghe khóm… Qua Vàm Nước Trong, tôi chèo sang sông Nước Đục. Vẫn ngọt lịm tình đời qua trong đục, đục trong. Hậu Giang ơi! Dòng đời tôi đó...
Sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân Hậu Giang, chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trong tỉnh và đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện. Đến nay, đã có 41/51 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong năm 2024, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và trở thành xã thứ 3 về đích xã NTM kiểu mẫu của tỉnh. “Rất mong, xã Hỏa Tiến tiếp tục vận động, tập hợp và đoàn kết, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, từ việc bàn bạc, hiến kế, cho đến thụ hưởng và phát huy các thành quả xây dựng NTM. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là yếu tố quyết định đến sự thành công của chương trình”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang nói. |