Kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT
Theo số liệu các cơ sở đề nghị quyết toán ghi nhận trên Hệ thống giám sát ngày 8/7/2024 tại 63 tỉnh, thành phố (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, CAND), 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có số tiền BHYT thanh toán là 66.299 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023, có số lượt tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ước tính trong 6 tháng đầu năm mức sử dụng quỹ KCB BHYT bình quân trên toàn quốc là 50,6%. Trong khi đó, "theo ước chi cả năm 2024, với các tỉnh có số chi 6 tháng đầu năm đã chiếm từ 48% dự toán thì khả năng cả năm 2024 vượt dự toán rất cao nếu không có các biện pháp kiểm soát chi phí mạnh mẽ, quyết liệt", ông Phúc cho biết. Điều đáng lưu ý, cùng với việc gia tăng số lượt KCB, chi phí bình quân cho mỗi lượt KCB của 6 tháng đầu năm 2024 cũng tăng khoảng 8,6% so với cùng kì năm 2023.
Mặt khác, tình hình cung ứng và sử dụng thuốc, vật tư y tế tại cơ sở y tế cũng còn nhiều bất cập, tiến độ đấu thầu tại các địa phương còn chậm. Đến thời điểm hiện tại, 14 tỉnh đã hết hạn hiệu lực gói thầu nhưng chưa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mới. Một số tỉnh vẫn còn tình trạng lựa chọn sử dụng thuốc có giá trúng thầu cao bất hợp lý với chi phí sử dụng và thanh toán lớn. Một số tỉnh còn sử dụng thuốc không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT...
Theo thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT, 5 tháng đầu năm 2024 cơ quan BHXH đã từ chối tự động và chủ động số tiền đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT không đúng quy định sau công tác giám định là 209,7 tỷ đồng (bằng 0,28% tổng số đề nghị thanh toán).
Bên cạnh những khó khăn, báo cáo của Ban Thực hiện chính sách BHYT cũng ghi nhận những điểm tích cực trong hoạt động kiểm soát chi phí KCB của ngành BHXH Việt Nam. Qua báo cáo nhanh của các BHXH tỉnh trong tháng 5/2024 cho thấy, hầu hết các tỉnh đã triển khai công tác cảnh báo và kiểm soát chi phí theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Số chi KCB BHYT thanh toán tháng 6, toàn quốc giảm gần 8%.
Trong đó, Thái Bình, Hà Giang có tỷ lệ giảm nhiều nhất với hơn 15%; Hải Dương giảm 14,8%; Kiên Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nam giảm trên 13% chi phí bình quân chung/lượt KCB của toàn quốc từ tháng 3 đến tháng 5 đều có xu hướng giảm dần, đặc biệt trong tháng 5 chỉ có 3 tỉnh có chi phí bình quân còn ở mức gia tăng trên 1%.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: Mục tiêu kiểm soát chi phí KCB BHYT của ngành BHXH Việt Nam là đảm bảo chi phí được tối ưu hóa, từ đó đảm bảo nguồn lực bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tham gia, vì vậy, cần thực hiện nghiêm hơn nữa kỷ luật kỷ cương trong hoạt động này.
Phó Tổng Giám đốc cũng lưu ý một số giải pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT cần được chú trọng thực hiện đúng quy định về đăng ký KCB ban đầu; yêu cầu BHXH các địa phương phối hợp với Sở Y tế triển khai quản lý bệnh mạn tính tại trạm y tế theo đúng tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW (ngày 25/10/2023) của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Theo đó, Chỉ thị đã đặt ra yêu cầu: "Hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn phải gắn với quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân; quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, dinh dưỡng cộng đồng; thực hiện hoạt động KCB theo mô hình YHGĐ...". Đây là giải pháp vừa chăm sóc tốt sức khỏe người dân, vừa nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chi phí KCB BHYT khi hạn chế được các trường hợp biến chứng, vượt tuyến không cần thiết…
Đề cập đến yêu cầu chuẩn hóa dữ liệu, gửi và nhận dữ liệu điện tử đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến có văn bản hướng dẫn BHXH các địa phương, yêu cầu cơ sở KCB thực hiện chuẩn định dạng dữ liệu điện tử và thời gian gửi dữ liệu theo quy định.
"Theo quy định, từ ngày 1/10/2024, phần mềm giám định của ngành BHXH Việt Nam sẽ chỉ tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT đối với dữ liệu đúng định dạng và thời gian theo quy định tại Quyêt định số 130/QĐ-BYT, Quyết định số 4750/QĐ-BYT của Bộ Y tế", Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.