Kinh tế báo chí – cơ hội để phát triển công nghệ số
Tới tham dự Hội thảo có các lãnh đạo, nhà báo, phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; ThS. Lê Thanh Tùng - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì Hội thảo.
TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; ThS. Lê Thanh Tùng - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì Hội thảo |
Hệ thống của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam hiện có 70 cơ quan báo chí, Trong đó, do Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương trực tiếp quản lí là 01 cơ quan báo chí (Báo Tri thức và Cuộc sống) và gián tiếp quản lý là 22 cơ quan báo chí thuộc các tổ chức khoa học công nghệ (Viện). 47 cơ quan báo chí còn lại thuộc hội ngành toàn quốc quản lý. Nhiệm vụ của báo chí LHHVN thời gian qua đã được khẳng định, không ngừng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, truyền thông phổ biến kiến thức KH&CN, giới thiệu các thành tựu khoa học, công nghệ mới của Việt Nam và thế giới.
Vấn đề sống còn đối với mỗi cơ quan báo chí từ xưa tới nay vẫn là bài toán kinh tế. Đó chính là tìm kiếm nguồn thu hợp pháp, đa dạng, bền vững cho toà soạn.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Để cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa "kinh tế báo chí số”.
PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu |
Để phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, theo ông Nguyễn Thành Lợi, báo chí cần phải thay đổi tư duy, cần coi trọng công nghệ làm báo hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan báo chí trên thế giới đã đưa ra triết lý làm báo mới: Nội dung và công nghệ phải song trùng. Công nghệ là "Nữ hoàng”, hay "công chúng là số 1” đã và đang chi phối thị trường báo chí toàn cầu, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp, tránh hiện tượng núp bóng nhà báo để "xin” quảng cáo. Tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội đó làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.
Theo Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay Trần Thị Giang, Liên hiệp Hội Việt Nam có hệ thống báo chí lớn, với hơn 70 cơ quan báo chí, đa phần đang thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính. Tuy nhiên, so với nhu cầu thông tin hiện nay thì báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn hạn chế trong việc đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Bà Trần Thị Giang đề xuất, báo chí thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam cần coi trọng đồng bộ công tác đổi mới nội dung và phát hành, có chiến lược phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí, tạo cơ chế chính sách hợp lý để huy động nguồn lực tập thể; tăng tính chủ động, sáng tạo và năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên trong tòa soạn báo chí; xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí…
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Nếu cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa “kinh tế báo chí số”.
Hiện nay, thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, tác động mạnh tới doanh thu của các cơ quan báo, đài vì phần lớn báo chí dựa vào nguồn thu từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu.
Toàn cảnh Hội thảo |
Theo kết quả khảo sát năm 2022, 63 báo Đảng địa phương, có tới 91% số cơ quan báo chí được hỏi có nguồn thu từ quảng cáo; 78% báo có nguồn thu từ phát hành. Trong khi đó, chỉ có 9% báo có nguồn thu từ tổ chức sự kiện và 7% báo có nguồn thu từ nội dung số.
Để tăng nguồn thu bên ngoài “mặt báo”, cơ quan báo chí cần tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội đó, làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.
Nhà báo Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cho biết, ở nước ta, báo chí là sản phẩm văn hóa, cũng là sản phẩm chính trị, không thể bằng mọi giá để có nguồn thu. Các cơ quan báo chí đều thực thi nhiệm vụ kép, dù cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu một phần hay tự chủ hoàn toàn thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tạp chí in hay điện tử. Tôn chỉ đó xác định vị trí, chức năng… của cơ quan báo chí đó”.
“Làm kinh tế trong hoạt động báo chí là nhu cầu cần thiết trước hết của chính tờ báo, tạp chí và xa hơn nữa của nền kinh tế thông tin và hội nhập. Nhưng, không thể bằng mọi cách, mọi giá và càng không phải theo cách “lôi kéo độc giả theo cách chiều chuộng mọi nhu cầu, dọa dẫm mặc cả; chặt chém, thông tin gây tò mò…”. Những cách làm kinh tế kiểu đó mâu thuẫn với việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, tạp chí và đi xa hơn nữa là vi phạm pháp luật”. Nhà báo Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển chia sẻ.
PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam kết luận nhấn mạnh, Hội thảo đã thảo luận những nội dung được báo chí rất quan tâm như chuyển đổi số đa nền tảng - công cụ để phát triển kinh tế báo chí; tự chủ tài chính với cơ quan báo chí: khó khăn, thách thức và giải pháp... Một số đại biểu đề xuất giải pháp để các cơ quan báo chí tự chủ của Liên hiệp Hội Việt Nam tháo gỡ khó khăn như: Coi trọng đồng bộ công tác đổi mới các nội dung và phát hành; xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động báo chí; tăng cường vai trò kết nối với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, xuất bản; tham mưu, phản biện cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng các văn bản quy phạm triển khai phổ biến các văn bản pháp luật. Những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho hệ thống báo chí của Liên hiệp hội mà các đại biểu nêu ra tại Hội thảo này sẽ được tổng hợp sớm gửi đến các cơ quan chức năng Đảng, Nhà nước xem xét, nhất là sẽ sửa đổi Luật báo chí năm 2016 nhằm tạo điều kiện cho báo chí nói chung, trong đó có hệ thống báo chí của Liên hiệp hội hoạt động có nguồn thu hợp pháp, phát triển bền vững, góp phần thiết thực xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại công nghệ số, "bùng nổ" thông tin.