Kinh tế xã hội Bạc Liêu tiếp tục khởi sắc
Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi có dịp đến thăm Nhà máy chế biến Thủy sản Việt - Úc tại khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu) và chứng kiến được sự quy mô, hiện đại của nhà máy. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Nhà máy chế biến Thủy sản Việt - Úc có diện tích 10ha, tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, công suất chế biến 5.000 tấn/năm, được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 19/5/2024. Đây là nhà máy được ứng dụng công nghệ hiện đại, chế biến giá trị gia tăng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất từ những thị trường khó tính trên thế giới. “Xác định ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò “trụ đỡ”, góp phần tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tập trung vào sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, lúa đặc sản địa phương và vùng nuôi trồng thủy sản đa canh. Cùng với Nhà máy chế biến Thủy sản Việt-Úc, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cũng đã được triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất và sản lượng tôm nuôi. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước cả năm 2024 đạt 554.726 tấn; trong đó sản lượng tôm đạt khoảng 313.344 tấn, cá và thủy sản khác đạt 241.382 tấn; tăng 9,37% so với cùng kỳ. Ngoài ra, mô hình tôm - lúa, lúa - cá, chuyên canh lúa đặc sản, chất lượng cao cũng đã phát huy hiệu quả; tỷ lệ sử dụng các giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 96,1% diện tích gieo trồng lúa của tỉnh”, ông Phạm Văn Thiều nói.
Khu điện gió tỉnh Bạc Liêu. |
Để có được những kết quả khả quan đó, cùng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung hướng dẫn cho nông dân thực hiện việc nuôi trồng theo đúng kế hoạch; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị được thực hiện chặt chẽ. “Với nhiều biện pháp tích cực, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những tín hiệu khởi sắc trên cả 3 mặt: Diện tích, năng suất, sản lượng; nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng, phát huy hiệu quả. Ước năm 2024, diện tích xuống giống trong toàn tỉnh là 185.293 ha lúa, sản lượng thu hoạch 1.212.900 tấn, đạt 105,47% kế hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”; thực hiện hiệu quả ứng dụng “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” 154.000 ha lúa; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân giúp nông dân giảm chi phí góp phần bảo vệ môi trường, tăng giá trị và sản lượng”, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu chia sẻ thêm.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch quốc gia và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đã tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án khi đã có chủ trương đầu tư; tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động trong quá trình triển khai thực hiện. Tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn đi khảo sát, kiểm tra, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án...
Ông Trần Thanh Mến, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Bằng sự vào cuộc quyết liệt, đến nay toàn tỉnh có lưới điện dài 7.331,6 km; 8 dự án điện gió đưa vào vận hành, với tổng công suất 469,2 MW; sản lượng điện gió ước đạt 1.358 triệu kWh, tăng 7,42% so cùng kỳ. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước cả năm tăng 4,96%. Đồng thời, tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với nhà đầu tư, các Bộ, ngành Trung ương triển khai một số dự án nhà máy điện khí, điện gió, hệ thống truyền tải điện... bảo đảm đồng bộ với các dự án đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo”.
Cánh đồng muối tại Bạc Liêu. |
Đảm bảo cho phát triển bền vững, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu luôn được tỉnh Bạc Liêu tăng cường thực hiện. Trước tình hình biến đổi khí hậu, các lực lượng chức năng đã tích cực hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do sụt lún, sạt lở gây ra tại huyện Hồng Dân, thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng, giải quyết kịp thời chế độ theo quy định về an sinh xã hội. Song song đó, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác giảm nghèo cùng các chính sách về lao động, hỗ trợ giới thiệu việc làm, dạy nghề, tiếp tục được triển khai thực hiện tích cực. Từ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và sự tự lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm còn dưới 01% vào cuối năm 2024.
Lực lượng công an tỉnh Bạc Liêu tham gia diễn tập. |
Một trong những sự kiện quan trọng của Bạc Liêu năm 2024, là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Bạc Liêu và tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Đây được xem là bước cụ thể hóa tiếp theo quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Ông Phạm Văn Thiều cho biết thêm, UBND tỉnh đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa các phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Cũng trong năm nay, tỉnh đã hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của giai đoạn 2023 - 2025 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt. Nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính được nâng cao; công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo, được nhân dân ghi nhận với việc chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 5 cả nước.
Thi công cầu Gành Hào nối tỉnh Bạc Liêu với Cà Mau. |
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng thẳng thắn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiệm vụ phát triển KT, XH năm 2024 vẫn còn gặp những khó khăn khách quan lẫn chủ quan. Trên tổng thể, vẫn còn 4 chỉ tiêu KT, XH chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra, gồm: Tăng trưởng kinh tế; cơ cấu kinh tế; tổng sản phẩm bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từng bước được triển khai nhân rộng, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ... do những yếu tố khách quan như: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn còn diễn biến phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu còn nhiều vướng mắc; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn khá cao, tình hình thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu vẫn là thủy sản; kim ngạch xuất khẩu gạo chưa có; chỉ số sản xuất công nghiệp tuy có tăng nhưng còn thấp, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng không cao...
Trung tâm TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. |
“Dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, thì đây vẫn là những trở ngại cho việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Do vậy, để giải quyết tốt những hạn chế này, chúng tôi sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chương trình, kết luận, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm bên cạnh việc đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí, công nghiệp chế biến thủy hải sản; thực hiện quyết liệt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa với các nhóm sản phẩm xuất khẩu có lợi thế, tiềm năng; thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, đất đai; thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực của hạn hạn, xâm nhập mặn, sạt lở đất. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...”, ông Phạm Văn Thiều khẳng định.