Lần đầu tiên số người nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc cao hơn ở Trung Quốc
Như vậy, COVID-19 đang ảnh hưởng đến 48 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và 1 phương tiện vận chuyển quốc tế (du thuyền Diamond Princess có cảng tại thành phố Yokohama, Nhật Bản.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/2 thông báo, hiện số ca mới nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong ngày ở bên ngoài Trung Quốc còn cao hơn ở quốc gia bùng phát dịch bệnh này.
Phát biểu với các nhà ngoại giao ở Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Hôm qua, lần đầu tiên số lượng các ca mới nhiễm SARS-CoV-2 được thống kê bên ngoài Trung Quốc đã vượt quá số trường hợp nhiễm mới ở Trung Quốc”. Theo WHO, số lượng ca mới nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc ngày 25-2 là 411 người trong khi số trường hợp nhiễm mới bên ngoài gã khổng lồ Châu Á này lại là 427.
Nhiều chuyên gia y tế cũng cảnh báo đà lây của chủng virus này dù có giảm bên trong lãnh thổ Trung Quốc đại lục nhưng lại lây lan rất mạnh trên toàn cầu.
Ngày 26/2 dịch COVID-19 đã lan đến khu vực Mỹ Latinh với việc Brazil thông báo có ca nhiễm đầu tiên - một người từng đi sang cùng Lombardy của Ý, theo hang tin AFP. Bộ trưởng Y tế Bolivia Anibal Cruz cho hay cơ quan dịch tễ nước này đang xem xét một trường hợp nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thủ đô La Paz sau khi người này có những dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh đang lan rộng ra nhiều nước này.
Tại châu Âu đã có 13 quốc gia có ca nhiễm COVID-19. Hầu hết ca nhiễm tại châu lục này có liên quan đến điểm nóng COVID-19 ở miền bắc nước Ý.
Thống kê số liệu trên toàn thế giới đến 8h40 ngày 27/02
Bộ Y Tế Iran hôm 27/2 cho biết có 4 người trong số 44 ca nhiễm mới phát hiện trong vòng 24 giờ qua đã tử vong, nâng tổng số người chết lên 19. Gần 140 người bị lây nhiễm tại 10 tỉnh, trong đó có cả thứ trưởng Y tế.
Tính số người chết, Iran đứng hàng thứ hai, sau Trung Quốc. Nhưng tính theo tỉ lệ (tử vong/nhiễm bệnh) thì Iran đứng đầu thế giới.
Căn cứ vào các số liệu được chính quyền công bố, thì tại Iran, tỷ lệ người chết so với người nhiễm dịch covid-19 lên đến khoảng 16%, cao hơn rất nhiều so với những nơi khác có người thiệt mạng vì virus corona.
Tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), tâm điểm của bệnh dịch, tỷ lệ tử vong được báo cáo ước tính khoảng 2%. Còn ở Ý, với 11 người chết trên tổng số 322 ca lây nhiễm tính đến hôm qua 25/02, tỷ lệ tử vong cũng chỉ là hơn 3%, trong lúc tại Hàn Quốc, nơi đã ghi nhận 11 ca tử vong trên tổng số 977 trường hợp lây nhiễm, tỷ lệ thấp hơn, chỉ khoảng 1%.
*Theo giới chức y tế tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), 14% những bệnh nhân bị nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) và được xuất viện sau khi bình phục đã lại có kết quả dương tính với chủng virus này.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Tống Thiết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, cho biết, chưa có kết luận cụ thể tại sao một số bệnh nhân lại có kết quả dương tính với chủng virus này sau khi đã khỏi bệnh.
Tuy nhiên, dựa vào đánh giá sơ bộ, các chuyên gia cho rằng các bệnh nhận vẫn chưa hồi phục hoàn toàn khỏi chứng viêm phổi khi họ được xuất viện. Theo đó, những người hồi phục sau khi bị nhiễm viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể phải được theo dõi trong một thời gian lâu hơn ngay cả sau khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hai lần như quy định theo những chỉ dẫn của giới chức y tế và được xuất viện.
Trong khi đó, một phụ nữ ở tỉnh Osaka (Nhật Bản), vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của virus (SARS-CoV-2) mặc dù trước đó, người này đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện vào đầu tháng 2/2020.
*Từ những thần dược cho đến những thuyết âm mưu, các tin giả về virus corona mới hiện đang lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội, một “đại dịch” mà các tập đoàn Internet đang cố chống đỡ, nhưng không dễ ngăn chận.
Ngay từ đầu tháng 2, WHO đã cảnh báo về “đại dịch tin giả” này, bởi vì có quá nhiều thông tin sai lạc về dịch virus corona mới, gây thêm khó khăn cho công việc của họ và của các cơ quan y tế các nước.
Vì nghe theo các tin giả, nên người dân càng thêm hoảng loạn, và thế là mọi người đổ xô đi mua khẩu trang bảo hộ y tế, hay bị sốt một chút cũng chạy đến khoa cấp cứu của bệnh viện, vốn đã bị quá tải, hoặc ngược có những triệu chứng bị nhiễm Covid-19, nhưng giấu nhẹm vì nghe đồn là những người bệnh sẽ bị thế này thế kia.
Để phối hợp chống “đại dịch tin giả”, cách đây 10 ngày, WHO đã họp với đại diện các tập đoàn công nghệ tin học (Facebook, Twitter, Google - bao gồm cả YouTube) - ngay tại trụ sở của Facebook ở khu Silicon Valley. Các tập đoàn này đã tăng cường các chính sách hiện có, tức là gỡ bỏ mọi nội dung có thể gây phương hại cho công chúng, những quảng cáo về các phương thức điều trị nguy hiểm, và thay vào đó là những thông tin đáng tin cậy, trong đó có những thông tin đến từ WHO.
Linh Đức