Lời giải cho bài toán hóc búa: Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học trong chuyển đổi số
1-Thực trạng mối quan hệ hữu cơ giữa nhà khoa học và nhà sản xuất, doanh nghiệp
Nắm bắt được xu thế của việc thương mại hóa sản phẩm KH&CN và đặc biệt là trong công cuộc chuyển đổi số, Trung tâm chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp (COSTAS) trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam đã được thành lập (ngày 10/10/2016), tạo ra một “lối thoát” dù chưa phải thênh thang nhưng cũng giúp các nhà khoa học nữ biến các kết quả nghiên cứu khoa học của mình thành tiền. Không chỉ thế, việc này còn tạo ra một nhu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp về sử dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất kinh doanh, làm nên mối quan hệ hai chiều giữa nhà khoa học (bên cung) và nhà sản xuất và phân phối sản phẩm (bên cầu).
Tại Hội thảo “Nữ trí thức với thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học trong chuyển đổi số” vừa tổ chức tại ĐH Hàng Hải Việt Nam, Th.S Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm COSTAS đã nêu ra những rào cản trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Sự khác biệt trong hoạt động của bên cung với bên cầu, cả về lĩnh vực, phương thức, năng lực tiếp cận, và cơ chế chính sách. Và họ luôn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thương mại hóa. Bên cung thì không có thói quen chau chuốt, tiếp thị hàng hóa chất xám; nguồn thiết bị công nghệ mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa; chưa có quy định bắt buộc thương mại hóa đề tài nghiên cứu; thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Còn bên cầu thì chưa thực sự tin tưởng vào sản phẩm KH&CN trong nước; lúng túng trong lựa chọn công nghệ; chưa có thói quen và điều kiện để thuê tư vấn các khâu trong quy trình chuyển giao công nghệ; Nhà nước cũng chưa có cơ chế chính sách khuyến khích dùng KH&CN trong nước.
Không chỉ có hai bên cung-cầu gặp khó khăn, mà ngay cả đơn vị có chức năng kết nối họ - các nhà tư vấn – cũng còn nhiều hạn chế. Hoạt động môi giới KH&CN còn rất sơ khai, chưa thành mạng lưới, chưa liên kết với các cơ quan thông tin về KH&CN, đội ngũ tư vấn chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp...
Thực trạng đó làm cho việc thương mại hóa sản phẩm khoa học vô cùng khó khăn. Với các nhà khoa học nữ thì khó khăn ấy càng nhân lên gấp bội. Nếu họ không có sự kiên trì, bền bỉ, chịu thương chịu khó và không được sự hỗ trợ cần thiết, thì thật là một lãng phí chất xám rất lớn. Trung tâm COSTAS trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam đã là một cầu nối, một “bà đỡ” cho sự kết nối hữu cơ cung cầu về sản phẩm KH&CN, cả trong và ngoài nước.
Một tiền đề có ý nghĩa sống còn trong thương mại hóa sản phẩm KH&CN, đó là đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT). Đây cũng là một nỗ lực lớn của COSTAS khi phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành tập huấn về SHTT cho cả hai bên cung-cầu sản phẩm KH&CN. Rất nhiều nhà khoa học nữ và doanh nghiệp sản xuất đã nhận thức rõ về SHTT và việc chuyển giao sản phẩm KH&CN, để từ đó đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KH&CN, phát triển kinh tế xã hội và phục vụ đời sống cộng đồng.
2-Những “ngôi sao” chuyển giao chất xám
Tại hội thảo “Nữ trí thức với thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ trong chuyển đổi số”, tất cả các đại biểu tham dự đều rất ấn tượng với phần trình bày của GS.TS Vũ Thị Thu Hà thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu (thuộc…) giới thiệu một số sản phẩm thương mại từ kết quả nghiên cứu và triển khai trong sản xuất “xanh” và sử dụng hiệu quả năng lượng. Vóc dáng bé nhỏ với nước da xanh tái, nhưng khi chị say sưa quá trình thương mại hóa 3 sản phẩm nghiên cứu của chị và cộng sự, thì cả khán phòng im phăng phắc dõi theo và lắng nghe. Đó là Phụ gia ECOAL và FNT6VN tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, tiết kiệm chi phí năng lượng khoảng 3 tỷ USD/năm, giảm 50% tổng lượng khí thải độc hại, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Đó là; Dầu quả bơ AVOCADO OIL giàu giá trị dinh dưỡng được chứng nhạn hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn. Đó là Đất hữu cơ đa dụng GAIAPRO-100 giúp phục hồi đất, tiết kiệm nước tưới và số lần tưới, có thể trồng cây trên cát và chỉ cần bón lót một lần cho 3-5 năm, thậm chí 7-10 năm. Tính năng và hiệu quả của các sản phẩm này đã hấp dẫn và thuyết phục, nhưng quá trình đi đến thương mại hóa chúng còn thuyết phục hơn rất nhiều. Quá trình đi từ rất nhiều cái “lắc” rồi mới đến cái “gật” tâm phục khẩu phục của khách hàng là biết bao lao tâm khổ tứ của nhà khoa học, thậm chí phải bán cả nhà để đầu tư cho nghiên cứu, nhưng GS Hà và các cộng sự không nản chí, kiên nhẫn để thực hiện mục tiêu của mình là khách hàng từ chỗ “thấy rồi mới tin” đã quyết định “tin rồi sẽ thấy”. Mới hay, Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu KEYLAB PRT sở hữu “ngân hàng công nghệ” có bản quyền, lần lượt được ứng dụng, “ngân hàng sản phẩm” độc đáo, an toàn, lần lượt được thương mại hóa là hoàn toàn xứng đáng, bởi họ có nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo, nguồn vật lực đa năng, dưới sự chỉ đạo tài năng của GS Vũ Thị Thu Hà.
Một bài trình bày khác cũng gây ấn tượng không kém, đó là “Ứng dụng công nghệ JEVA chế biến nông sản di động và thông minh, sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật. PGS.TS Nguyễn Minh Tân (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, sản lượng quả của Việt Nam là rất lớn, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là quả tươi nên hiệu quả kinh tế không cao. Công nghệ bảo quản và chế biến tại chỗ còn hạn chế nên tình trạng được mùa rớt giá xảy ra thường xuyên, gây thiệt hai cho bà con vùng trồng quả. Việc chế biến dịch quả tươi bằng công nghệ JEVA đã cho sản phẩm sạch, 100% tự nhiên, không có chất bảo quản, giữ được tối đa hương và khoáng chất tự nhiên. Lại nữa, thiết bị JEVA khá nhỏ gọn, dễ di chuyển, dễ vận hành, điều khiển hoàn toàn tự động, có thể theo dõi và vận hành từ xa. Với mô hình kinh doanh đa dạng: cho thuê, bán máy, gia công cô đặc dịch quả tươi, công nghệ JEVA đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được người dung ưa chuộng. Giải pháp SMoJEVA chứa JEVA là hệ thống cô đặc quy mô công nghiệp di động đầu tiên trên thế giới. Công nghệ JEVA đã có đăng ký sáng chế, công bố PCT và cả bài báo khoa học, nhạn Giải bạc Silver Prize tại Triển lãm và Diễn đàn quốc tế về sáng chế của phụ nữ lần thứ 12 KIWIE 2019 do Hội Nữ sáng chế Hàn Quốc tổ chức; Giải Best Innovation Award do Hitachi Global Foundation trao tặng. Tất nhiên, để đi đến những thành quả này, chỉ có thể là nỗ lực hết mình của nhà khoa học cùng với sự kiên trì, “đeo bám” để sản phẩm công nghệ có thể thương mại hóa.
Còn rất nhiều sáng chế khoa học công nghệ khác của các nhà khoa học nữ cũng đã thương mại hóa thành công, khiến họ trở nên những “ngôi sao” chuyển giao chất xám thành tiền, mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội, trong đó, sàn Techmark trong thời đại công nghệ số là một hỗ trợ đắc lực.