Mô hình chống Covid-19 của Việt Nam là “có một không hai”
(SK&MT) - Trang mạng Kommersant.ru của Nga ngày 23/4 đã đăng bài đánh giá cao hiệu quả mô hình chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Việt Nam, cũng như nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác chống dịch ở khu vực Đông Nam Á với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Theo bài viết, mô hình chống dịch của Việt Nam là "có một không hai" vì Việt Nam giáp ranh với Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên, nhưng đã thoát khỏi đại dịch mà không có ca tử vong.Sự khác biệt về cách thức phòng, chống dịch bệnh giữa Việt Nam với các quốc gia khác cũng thành công ở châu Á, là Việt Nam đã ngăn chặn được dịch bệnh với chi phí tối thiểu, không xét nghiệm hàng loạt và tích cực tận dụng công nghệ số để kiểm soát cơ chế tự cách ly.
Các biện pháp cách ly xã hội chặt chẽ đã giúp quốc gia 95 triệu dân có đường biên giới chung với Trung Quốc này tránh được đại dịch. Việt Nam không đủ điều kiện tiến hành xét nghiệm hàng loạt nên đã chọn phương thức chống dịch với nguồn ngân sách thấp, bằng cách cô lập các ổ dịch và tích cực phòng bệnh.
Bài viết nêu rõ "bí quyết" của Việt Nam là "phân loại các mức độ rủi ro". Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã chia 63 tỉnh, thành phố của đất nước thành nhiều khu vực với mức độ rủi ro nhiễm bệnh cao, trung bình và thấp.
Theo đó, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng tùy thuộc tình hình dịch bệnh được xác định ở cấp độ nào tại tỉnh hay thành phố đó. Việc phân loại rủi ro có tính đến một số yếu tố chính như vị trí địa lý khu vực, số lượng và mật độ dân số, số lượng các khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng, các địa điểm có người nước ngoài, cũng như khả năng của hệ thống y tế và khả năng ứng phó với dịch bệnh.
Cũng theo bài viết, "chính người dân Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng là một yếu tố quan trọng không nhỏ làm nên thành công trên". Đảng đã kêu gọi người dân đoàn kết và coi cuộc chiến chống đại dịch như một cuộc đối đầu với kẻ thù.
Bài báo cũng lưu ý trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng tại khu vực Đông Nam Á, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hồi tuần trước đã triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với các nước này và nhất trí tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Trang Kommersant.ru còn đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tiến hành điện đàm với người đồng cấp Nga Mikhail Mishustin, mời Thủ tướng Nga thăm chính thức Hà Nội ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Cơ quan báo chí của Thủ tướng Nga cho biết, hai bên đã thảo luận triển vọng tăng cường mối quan hệ hợp tác lẫn nhau giữa hai nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, trong đó chú trọng tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa giới chuyên gia y tế và các cơ sở chăm sóc sức khỏe giữa Nga và Việt Nam.
Tờ Le Figaro (Pháp) đặt ra câu hỏi, làm thế nào mà Việt Nam, đất nước có đường biên giới chung với Trung Quốc và một quốc gia đang phát triển, lại có thể xoay sở để hạn chế tới mức thấp nhất sự lây lan của virus SARS-CoV-2?
Theo bài báo, Việt Nam đã nhanh chóng tránh được hậu quả tai hại của dịch bệnh qua việc đóng cửa biên giới với người láng giềng khổng lồ từ ngày 1/2, không mở cửa lại các trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Việt Nam còn thực hiện giãn cách xã hội từ đầu tháng Tư, buộc cách ly hàng loạt một số địa phương bị coi là ổ dịch từ giữa tháng Hai.
Trả lời tờ Journal du Dimanche (Pháp), ông Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội cho biết: “Việt Nam đã đánh giá mối đe dọa từ dịch bệnh là rất nghiêm trọng từ đầu tháng Giêng, ít lâu sau khi Trung Quốc xuất hiện những ca bị lây nhiễm đầu tiên”. Trên thực tế, vào giữa tháng 1, một ban chỉ đạo quản lý khủng hoảng đã được thành lập, với sự tập hợp của các nhà quản lý, bác sĩ và nhà khoa học để dự đoán tình hình dịch Covid-19.
Khác với các nước phát triển tại châu Á như Hàn Quốc và Singapore, Việt Nam không có đủ khả năng tài chính để thực hiện biện pháp chống dịch rộng rãi. Do đó, đất nước 94 triệu dân đã thực hiện chiến lược phòng dịch “chi phí thấp”, theo nhận xét của Financial Times (Anh).
Thay vì xét nghiệm hàng loạt như Hàn Quốc, Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly những người bị nhiễm bệnh và điều tra dịch tễ cặn kẽ. Đến nay, Việt Nam mới chỉ thực hiện khoảng 200.000 lượt xét nghiệm, chủ yếu là những người từ nước ngoài trở về, còn Hàn Quốc là khoảng 584.000.
Ngoài ra, theo Le Monde, trong khi Trung Quốc đang lao vào chiến dịch “ngoại giao virus corona” với việc xuất khẩu vật liệu thiết bị y tế, thì ngày 7/4, Việt Nam vừa gửi tặng 550.000 khẩu trang tự sản xuất cho Chính phủ và nhân dân các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh. Mới đây , Việt Nam tiếp tục trao tặng 100.000 khẩu trang cho Ấn Độ, vật tư, trang thiết bị y tế cho Nhật Bản... cùng nhiều quốc gia khác. Hà Nội cũng không quên những người láng giềng thân tình là Lào và Campuchia khi trao tặng gần 800.000 khẩu trang cho Vientiane và Phnom Penh.
Về mặt địa chính trị, quan hệ chiến lược ngày càng được củng cố với Mỹ. Washington vừa mua 450.000 bộ quần áo bảo hộ của DuPont Hazmat, được Việt Nam huy động nhân công sản xuất khẩn cấp để giúp chống dịch. Tổng thống Donald Trump đã ngỏ lời cám ơn các “bạn bè” Việt Nam về việc này.
Trong bài viết trên trang Causeur, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier nhận định: “Các quốc gia châu Á, cụ thể là các nước theo văn hóa Nho giáo cho đến nay đã thành công trong việc ngăn chặn làn sóng dịch bệnh nguy hiểm. Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc thường được nêu ra làm ví dụ. Nhưng người ta quên mất đất nước Nho giáo cuối cùng trong nhóm này, tuy rất gần gũi về tình cảm và lịch sử với chúng ta: đó là Việt Nam. Thành công của Việt Nam trước dịch corona thuyết phục hơn cả Hàn Quốc – nay đã là nước công nghiệp lớn”.
Trong bài viết trên trang tin Handelsblatt ngày 22/4, tác giả đặt câu hỏi làm thế nào Việt Nam chiến thắng một cách ngạc nhiên trong cuộc chiến chống Covid-19. Câu trả lời nằm ở sự phản ứng từ rất sớm của giới chức quốc gia Đông Nam Á này. Đăng bức ảnh cảnh báo về virus SARS-CoV-2 chụp ở Hà Nội, tác giả bài viết chú thích Việt Nam được các chuyên gia coi là một trong số ít điểm sáng trong cuộc chiến chống Covid-19.
Bài viết bắt đầu bằng vụ việc ở xã Sơn Lôi, cách Hà Nội 40 km. Khi xã này mới chỉ có 6 ca mắc Covid-19, giới chức địa phương đã có một động thái quyết liệt là thực hiện phong tỏa cả cộng đồng 10.000 dân trong xã và không ai được rời khỏi xã trong 20 ngày. Với quyết định được đưa ra ngày 13/2 này, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tiến hành cách ly quy mô rộng lớn để chống dịch. Khi các thành phố ở Đức vẫn đắm chìm trong không khí lễ hội, thì quốc gia mới nổi ở Đông Nam Á đã chuyển sang chế độ quản lý tiền khủng hoảng.
Việt Nam đã được đền đáp với quyết định hành động sớm của mình. Ngày 22/4, giới chức y tế quốc gia gần 100 triệu dân này đã thông báo ngày thứ 6 liên tiếp không có ca nhiễm mới nào. Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là 268 ca và không có trương hợp tử vong nào do dịch bệnh. Do đó, Việt Nam được các chuyên gia coi là một trong số ít điểm sáng trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch và cũng hy vọng Việt Nam có thể đối phó tương đối tốt với khủng hoảng về mặt kinh tế.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai đã đánh giá cao các biện pháp kiểm soát khủng hoảng dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam, trong đó việc người dân giữ kỷ luật khi thực thi biện pháp giãn cách xã hội góp phần rất lớn vào thành công này.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không có được nguồn lực dồi dào cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng khoảng 200.000 xét nghiệm sàng lọc Covid-19, nhiều hơn bất cứ nước nào khác ở Đông Nam Á. Ông John MacArthur, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) khu vực Đông Nam Á nhận định, Việt Nam phòng chống dịch với quyết tâm chính trị cao nhất từ rất sớm.
Tác giả đánh giá, Việt Nam luôn cởi mở và minh bạch trong cuộc khủng hoảng Covid-19, theo đó Chính phủ tiến hành họp báo hằng ngày để công bố thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh. Đạt được thành công trong kiểm soát dịch, Việt Nam cũng hỗ trợ nhiều nước trên thế giới như tặng khẩu trang y tế cho các nước đang cần và Đức là một trong những nước nhận được số vật tư này của Việt Nam.
Bài viết dẫn ý kiến của các nhà kinh tế nhận định trong khi hầu hết các quốc gia châu Á rơi vào suy thoái, Việt Nam vẫn có thể đạt được tăng trưởng một cách đáng chú ý. Trong dự báo năm được công bố tháng 4 này, cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều nhận định Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế quốc dân ở Đông Nam Á, thậm chí vượt cả Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia từ lâu muốn đóng vai trò là động lực tăng trưởng của châu Á.
L.Đ