"Một sức khỏe" trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Đây là dự án nằm trong chuỗi các hoạt động tập trung vào mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các mối đe dọa bệnh tật.
Phát biểu tại Lễ khởi động dự án, bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh, mọi người đang sống trong thời điểm có nguy cơ mắc các bệnh mới nổi, lây truyền giữa động vật và con người.
Nguyên do được chỉ ra bởi quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu… Vì vậy, để duy trì an ninh y tế toàn cầu, các quốc gia phải áp dụng cách tiếp cận “Một sức khỏe” - một phương pháp hoạt động xuyên suốt các khía cạnh sức khỏe của con người-động vật-môi trường.
Năm 2020, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 27 triệu USD vào các chương trình an ninh y tế toàn cầu tại Việt Nam; hơn 92 triệu USD vào y tế công cộng để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm như HIV, lao; khoảng 29 triệu USD vào các hoạt động trong đại dịch COVID-19…
Qua đó, hơn 60.000 sinh viên Việt Nam đã được đào tạo trong các lĩnh vực y học, thú y, điều dưỡng và y tế công cộng. Các phòng thí nghiệm thú y cũng được nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sinh học quốc tế.
Chương trình đã hỗ trợ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phát triển và thí điểm hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm đầu tiên phục vụ mạng lưới chẩn đoán sức khỏe con người và động vật; triển khai và mở rộng Hệ thống thông tin thú y Việt Nam đến cấp huyện, xã (trong đó có ứng dụng di động, cho phép báo cáo dịch bệnh theo thời gian thực)…
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết dự án “Tăng cường tiếp cận một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường” sẽ hỗ trợ chính quyền thành phố Cần Thơ thiết kế và thực hiện các sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu, với sự tham vấn của các doanh nghiệp, Hội Phụ nữ…
Cụ thể, dự án bao gồm các hoạt động mở rộng các lựa chọn chăm sóc sức khỏe từ xa nhằm tăng cường khả năng tiếp cận sức khỏe cũng như phát hiện và kiểm soát sớm bệnh tật; nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế ban đầu để hỗ trợ tính liên tục của các dịch vụ trong thời tiết khắc nghiệt; trang bị và tập huấn cho hệ thống y tế Cần Thơ có khả năng ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng do biến đổi khí hậu gây ra.
Khởi động Dự án “Tăng cường tiếp cận Một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường” |
Với vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ là điểm đến quan trọng của người di cư từ các thành phố khác trong khu vực; là đầu mối vận chuyển của người dân, hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến Thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác.
Hiểu rõ các thách thức đó, thành phố sớm ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.”
Các hoạt động dự kiến trong khuôn khổ của dự án “Tăng cường tiếp cận một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường” rất phù hợp với tầm nhìn của kế hoạch hành động thành phố Cần Thơ đã đề ra./