Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Trao quyền cho thế hệ trẻ
Ngày này cũng được ASEAN lựa chọn là Ngày ASEAN quản lý thiên tai để kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.
Tại Việt Nam, nhiều hoạt động thiết thực hướng tới trẻ em đã và đang được tổ chức nhằm trang bị, phổ biến các kiến thức liên quan đến phòng, chống thiên tai cho trẻ em, từ đó trao quyền cho thế hệ trẻ trong việc kiến tạo, góp phần xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng tại các trường học trên địa bàn Đà Nẵng từ ngày 16/9 đến 5/10/2024.
Ngày 3/10, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản tổ chức khóa tập huấn “Hướng dẫn tổ chức hoạt động ngoại khóa về chủ đề phòng, chống thiên tai trong trường học” dành cho gần 100 đại biểu Sở Giáo dục và Đào tạo, 45 trường Trung học cơ sở thuộc thành phố Đà Nẵng, các tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị.
Khóa tập huấn nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chương trình giáo dục lồng ghép phòng, chống thiên tai, tổ chức các hoạt động ngoại khóa thiết thực, sáng tạo góp phần nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, từng bước xây dựng nhà trường, cộng đồng an toàn trước thiên tai.
Tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra sự kiện tổng kết chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Lễ ký kết Chương trình phối hợp lồng ghép kiến thức phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2024-2029.
Cùng với đó là hoạt động ngoại khóa vẽ tranh tường “Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu," Cuộc thi Rung chuông vàng “Cùng em phòng chống thiên tai-Kiến tạo tương lai bền vững."
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết các hoạt động nêu trên được tổ chức nhằm “Trao quyền cho trẻ em," tạo điều kiện, cung cấp kiến thức, kỹ năng và khuyến khích, tạo cơ hội cho các em được đóng góp ý kiến, phát triển các giải pháp sáng tạo và tham gia vào các hoạt động bảo vệ cộng đồng là một trong những định hướng thiết thực, ý nghĩa vì một tương lai bền vững trước thiên tai.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho trẻ em, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2024-2029.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đây là chương trình hợp tác quan trọng với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực về phòng chống thiên tai cho học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai trong 5 năm tới, đồng thời góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030."
Để thực hiện tốt chương trình trên, trong 5 năm (2024-2029), hai Bộ sẽ phối hợp thực hiện rà soát, xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo; thống nhất hướng dẫn các nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cần lồng ghép trong các môn học giúp các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục các cấp triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học và hiệu quả.
Cùng với đó, xây dựng các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn học sinh phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai từng địa phương; xây dựng Đề án “Tích hợp, lồng ghép kiến thức về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục phổ thông”…
Hai Bộ cũng tổ chức các khóa, lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, cán bộ về lồng ghép nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai theo bộ tài liệu chuẩn; thực hiện thí điểm tích hợp, lồng ghép nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giảng dạy tại một số trường đại học; thực hiện xây dựng thí điểm mô hình trường, lớp học an toàn, thích ứng với thiên tai cho một số địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, kết hợp làm nơi tránh trú, di dời an toàn cho cộng đồng...
Ngoài ra, hai Bộ sẽ phối hợp xây dựng và bổ sung tiêu chuẩn “Trường học an toàn trước thiên tai” trong các tiêu chuẩn Trường học an toàn; tham gia các chương trình, khung hành động, cam kết, sáng kiến quốc tế về trường học an toàn trước thiên tai trong khu vực và toàn cầu; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường liên quan đến phòng, chống thiên tai…/.